Tâm trạng xã hội trong tiếng còi xe
Thứ năm, 02/06/2011 00:00
Chính phủ vừa có quy định mới, phạt tới 2 đến 3 triệu đồng đối với những người điều khiển xe lắp đặt và sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định. Nói vắn tắt là còi to thì không phải “cho vượt” nữa mà phải “cho đi nộp phạt”. Tất nhiên, để xác định thế nào là “còi to” thì phải căn cứ vào chủng loại của chiếc còi được lắp đặt trên xe, và thời gian cũng như địa điểm sử dụng chúng, chứ làm gì có ai có thể đứng ở ngã ba đường để đo âm lượng của tiếng còi là bao nhiêu đề-xi-ben.
Chính phủ vừa có quy định mới, phạt tới 2 đến 3 triệu đồng đối với những người điều khiển xe lắp đặt và sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định. Nói vắn tắt là còi to thì không phải “cho vượt” nữa mà phải “cho đi nộp phạt”. Tất nhiên, để xác định thế nào là “còi to” thì phải căn cứ vào chủng loại của chiếc còi được lắp đặt trên xe, và thời gian cũng như địa điểm sử dụng chúng, chứ làm gì có ai có thể đứng ở ngã ba đường để đo âm lượng của tiếng còi là bao nhiêu đề-xi-ben.
Mà nếu có cái máy nào để đo thì quả thực là kinh hoàng. Tất nhiên, trường hợp bấm còi hơi làm người đi đường giật mình, ngã lăn xuống đường, bị tai nạn mà chết chỉ là chuyện hy hữu thôi, nhưng chuyện lạm dụng bấm còi khi tham gia giao thông là rất phổ biến. Nó trở thành một hợp âm hỗn loạn, tạo nét “đặc dị” của đường phố Việt Nam. Và thứ ngôn ngữ lạ lùng ấy đã đi vào một số tác phẩm âm nhạc thể nghiệm, từng được trình diễn ở Hà Nội.
Tôi từng được đọc một thống kê ở mục chuyện lạ đó đây về mức độ sử dụng còi của người dân các nước trên thế giới. Theo đó, người Thụy Sỹ sử dụng ít còi nhất, trung bình 40km họ mới nhấn còi một lần. Mục chuyện lạ đó không thống kê ở Việt Nam (và cũng không thể thống kê được), bởi tôi có thể cung cấp một số liệu khá chân thực, ấy là khi vào các khu dân cư, thì qua mỗi một con ngõ, bạn nên còi một cái, đề phòng những chiếc xe “không có mắt” xồ ra từ bên trong.
Giao thông trên các con đường ở Việt Nam vẫn là giao thông hỗn hợp, theo một nguyên tắc “bất thành văn” là người đi bộ lấn người đi xe thô sơ, thô sơ lấn xe gắn máy, xe gắn máy lấn ô tô, và đương nhiên ô tô muốn giành đường của mình (hay nói chung, các phương tiện muốn giành làn đường của họ) đều phải còi để… cảnh báo. Tiếng còi cảnh báo nhiều khi lại là cần thiết để tái lập lại trật tự, hay ít ra là để báo cho kẻ lấn làn biết rằng, nếu không chịu trở về làn của mình thì cũng đừng tiếp tục lấn sang trái nữa để xe đúng làn còn có thể vượt. Như vậy để giảm được tần suất sử dụng còi thì điều trước tiên là phải giảm được tình trạng vi phạm làn đường.
Dọc đường đê sông Hồng, tôi rất hay bắt gặp một chiếc xe tải chở gas, ghi trên thùng xe dòng chữ “Người lịch sự không bóp còi inh ỏi”. Ban đầu đọc thấy buồn cười, nhưng nghĩ đi nghĩ lại mới thấy hay. Nếu mỗi người đi đường biết được phép lịch sự đó thì người khác sẽ bớt căng thẳng hơn. Còi dù là cần thiết trong tình trạng giao thông hỗn loạn hiện nay, nhưng tiếng còi cảnh báo một hai nhịp ngắn gọn vẫn rất khác với tiếng còi bấm liên hồi kỳ trận khiến người đi trước phải cuống cuồng nhường đường. Mà đường đã đông đã chật thì tránh vào đâu? Thế là thành hiệu ứng ngược: càng còi càng ỳ ra không thèm tránh.
Tôi lại nhớ, lời khuyên của một tay lái xế hộp lâu năm, nhà ở phố Tây Sơn, rằng, nếu như trước đây khi ngồi sau tay lái, anh chỉ muốn vượt thằng nọ, đè thằng kia khi đi đường. Thì sau đó, anh nhận ra rằng càng sốt ruột càng hăng máu đi trên đường thì càng… mệt lử, mà cũng chẳng nhanh hơn được bao nhiêu. Vì thế, sau này bao giờ anh cũng lái xe với tâm trạng thư giãn, làm sao càng đỡ phải tiêu hao “cảm xúc” nhất càng tốt. Lâu dần thành thói quen. Đi đâu anh không nhăm nhăm muốn tới đích sớm, mà cứ bình thản đi trên đường, ngắm nhìn cảnh vật, con người xung quanh. Mỗi ngày anh không còn cảm giác phải mất 60 phút đi lại nữa, mà lại cảm thấy được sống chừng ấy thời gian với phố phường.
Có lẽ mấu chốt để thay đổi “thảm họa” còi xe chính là mỗi chúng ta hãy thay đổi tâm thế, tâm trạng của mình khi ra đường. Đừng coi những người đi đường khác là đối thủ phải chèn ép, chen lấn, đè nén, dọa nạt… bằng tiếng còi (thứ vũ khí duy nhất) mà hãy coi nhau như những người bạn chung đường. Mặt đường thì có vậy thôi, thời gian thì ai cũng ít, tốc độ thì ai cũng muốn nhanh, vậy thì khi bạn muốn người khác nhường đường cho mình, bạn hãy tự nhường cho một ai đó bên cạnh bạn trước đã.
TRONGPV (Nguồn: thethaovanhoa.vn)
Phùng Văn Trọng