Văn hóa giao thông: Không chỉ là tự giác

Thứ ba, 02/03/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) có diễn biến hết sức phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều gia đình và xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong tham gia giao thông (TGGT) còn hạn chế.
Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) có diễn biến hết sức phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều gia đình và xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong tham gia giao thông (TGGT) còn hạn chế.
Để giải quyết vấn đề này và từng bước tạo ra ý thức thực hiện văn hóa giao thông (VHGT), việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động giữ vai trò quyết định, song khó có thể chỉ mong đợi vào tính tự giác mà cần hơn cả là những biện pháp quyết liệt có tính răn đe mạnh của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương.
Có thể nói chưa bao giờ, công tác an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt là vấn đề VHGT lại được Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng và toàn xã hội quan tâm và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục rộng khắp như thời gian qua.
Đến đâu, người ta cũng dễ dàng bắt gặp những thông điệp tuyên truyền về những việc làm cần thiết để thực hiện nếp sống VHGT như: nghiêm túc chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ; chủ động xoá bỏ thói hư, tật xấu, tác phong tuỳ tiện khi TGGT; xây dựng ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, ý thức về làm chủ tốc độ đối với người điều khiển phương tiện giao thông, ý thức chấp hành luật của người đi bộ và đẩy mạnh các phong trào thi đua người tốt việc tốt trong quá trình TGGT.
Bằng rất những hoạt động tuyên truyền thiết thực, phù hợp với điều kiện đặc thù tại từng địa phương, nhìn chung ý thức của đại đa số người dân khi TGGT đã có rất nhiều chuyển biến tích cực. Trong tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều hơn những hình ảnh đẹp thể hiện VHGT.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu, không ít người dân, nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên vẫn còn tâm lý “lách luật” để đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông hay các lực lượng chức năng khác.
Tại các khu vực tổ chức lễ hội, các khu vui chơi giải trí hay các khu vực đền, chùa, nhiều người vẫn sẵn sàng bất chấp tất cả để tranh nhau chen lên phía trước khi TGGT. Nếu đường có hơi ùn tắc lại một chút thì người đi sau sẽ nhao nhao thúc giục người đi trước, ô tô lấn đường xe máy, xe máy lấn đường xe đạp, đi lên hành lang, vỉa hè hay quay đầu tạt ngang cướp đường ô tô...
Người này ngăn cản đường đi của người khác và rồi chính sự nóng vội đó đã khiến đường đã ùn lại thêm tắc chỉ trong chốc lát. Không những thế, tại một số tuyến đường, đâu đó vẫn còn tình trạng người đi bộ tuỳ tiện “lưu thông” dưới lòng lề đường hay các phương tiện giao thông mạnh ai nấy đi, không tuân theo luật, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ và vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa sử dụng điện thoại di động...
Ngoài ra, cũng còn phải kể đến tình trạng cố tình lấn chiếm lòng lề đường làm nơi phơi hàng hoá nông sản, để vật liệu xây dựng, và nguy hiểm hơn cả là tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, trao đổi hàng hoá. Tất cả đó là những hình ảnh không đẹp, những hành vi thiếu văn hoá cần toàn xã hội chung sức nhanh chóng loại bỏ.
VHGT là tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trên nhiều lĩnh vực. Tại các quốc gia phát triển ứng xử có văn hoá khi TGGT đã trở thành thói quen, thành một sự đương nhiên. Ai cố tình vi phạm, làm trái với cái đương nhiên ấy sẽ lạc lõng giữa cộng đồng và bị tất cả mọi người cùng lên án. Còn ở nước ta, thói quen ấy dường như chỉ mới bắt đầu xuất hiện trong tư tưởng và nhận thức của người TGGT.
Vẫn biết rằng việc triển khai tổ chức thực hiện VHGT chưa thể có được thành công tức thì song để giúp người TGGT hiểu biết đúng, đầy đủ và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; khi xảy ra tai nạn, va chạm giao thông phải có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng; có thái độ nhường nhịn, giúp đỡ người khác và có ứng xử văn minh, lịch sự khi tham gia giao thông... hơn lúc nào hết cần sự vào cuộc đồng bộ và những biện pháp triển khai quyết liệt của các cấp uỷ, chính quyền cũng như các lực lượng chức năng.
Cụ thể là, đối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý kết cầu hạ tầng, đảm bảo giao thông, cần tăng cường duy tu, bảo dưỡng tốt các công trình giao thông; khẩn trương rà soát loại bỏ, điều chỉnh hoặc bổ sung các biển báo hiệu đường bộ, đường thuỷ nội địa chưa hợp lý; chủ động xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông, chống ùn tắc, đảm bảo giao thông trên các tuyến, những địa bàn phức tạp thường xảy ra ùn tắc, tai nạn.
Đối với các đơn vị quản lý vận tải, cần tăng cường quản lý hoạt động của các bến khách ngang sông, quản lý tiêu chuẩn an toàn phương tiện vận tải, đồng thời ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chở quá tải của các loại phương tiện.
Các lực lượng chức năng cần tập trung tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; loại bỏ các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ và các hành vi thiếu văn hoá khác...
Đối với công tác tuyên truyền cần kiên trì đổi mới phương pháp tuyên truyền giáo dục về ATGT; tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội thi viết, triển lãm ảnh, tập huấn, tọa đàm lồng ghép đưa kiến thức ATGT vào trường học và xây dựng nếp sống văn hoá bền vững tại các khu dân cư, để nhà nhà đạt văn hoá giao thông, người người ý thức khi tham gia giao thông, từ đó tạo ra sức mạnh lan toả ra toàn xã hội.
Bao YB

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)