Trẻ em và "bài học không lời"

Thứ hai, 30/11/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", điều này luôn đúng đối với mọi lĩnh vực của đời sống và không có ngoại lệ. Nhìn tổng thể, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đã nhận thức được ý nghĩa quan trọng này và có nhiều nỗ lực "đầu tư cho tương lai".

"Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", điều này luôn đúng đối với mọi lĩnh vực của đời sống và không có ngoại lệ. Nhìn tổng thể, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đã nhận thức được ý nghĩa quan trọng này và có nhiều nỗ lực "đầu tư cho tương lai".

Cụ thể là: Ðưa chương trình giáo dục ATGT vào học đường. Bổ sung các quy định nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông (bắt buộc đội mũ bảo hiểm, mặc áo phao khi đi đò). Luôn xác định thanh niên, thiếu niên là đối tượng trọng tâm của hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT. Phần lớn các bậc phụ huynh thường xuyên khuyên bảo, nhắc nhở con em cẩn thận khi đi ra đường.

Nếu gọi tất cả những hoạt động vừa nêu trên là phương pháp giáo dục sử dụng ngôn ngữ viết và nói (thông qua bài giảng, quy định pháp luật, thông tin trên đài, báo và lời dặn dò của các bậc phụ huynh) thì hành vi cụ thể của người lớn khi tham gia giao thông là những "bài học không lời". Trẻ em ở tuổi đang lớn luôn có khát vọng tìm hiểu, phát hiện, quan sát và cảm nhận những động thái của đời sống, cho nên "bài học không lời" có giá trị trực quan, gây tác động và ấn tượng sâu sắc nhất đối với các em. Cần lưu ý rằng, đối với không ít hoạt động khác của đời sống, có thể có "vùng cấm" hoặc có cách hạn chế trẻ em tiếp cận tìm hiểu, riêng lĩnh vực giao thông "cánh cửa" luôn mở rộng. Giao thông là hoạt động phổ biến nhất của con người diễn ra trên đường, tất cả mọi hành vi của người tham gia giao thông và người thi hành công vụ đều tác động đến giác quan và nhận thức của trẻ em.

Trước những yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen trong bức tranh giao thông mà trẻ em đang chứng kiến hằng ngày hiện nay, rất cần có sự định hướng kịp thời. Theo chúng tôi, trong nội dung giáo dục bài bản hoặc thành văn ở nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng và gia đình, nên có sự trao đổi, phân tích thường xuyên hơn cái đúng cái sai, phê phán những hành vi thiếu văn hóa, đặc biệt chú trọng biểu dương những gương tốt, giúp các em tự rút ra bài học cho mình. Mặt khác, có ý thức sâu sắc hơn nữa trong việc phát huy tác dụng "bài học không lời" và người truyền đạt trực tiếp, không phải ai khác, trước hết là các bậc phụ huynh.

Tại sao? Các bậc phụ huynh cũng là người tham gia giao thông bình thường, cho nên cũng dễ mắc phải những lỗi vi phạm như biết bao người khác. Tuy nhiên, khi đèo các em trên xe máy, xe đạp, chở các em trên ô-tô hoặc cùng các em đi bộ, đi đò, ngồi trên tàu xe, phụ huynh còn mang thêm một trọng trách lớn là bảo đảm an toàn cho con em, tài sản quý giá nhất của đời người. Hơn thế nữa, bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con em sớm tự lập, cách tốt nhất là truyền lại cho các em kiến thức, kinh nghiệm để các em biết tự bảo đảm an toàn trên đường cho bản thân khi không có người lớn đi kèm. Ðiều nói trên cần phải trở thành ý thức thường trực của các bậc phụ huynh, không vì phải bươn chải kiếm sống, bộn bề công việc mà sao nhãng, nhất là trong bối cảnh tình hình giao thông đang phức tạp như ở nước ta.

Ðể làm gương, nên như thế nào? Trước hết bản thân mình phải nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định bảo đảm trật tự ATGT và phấn đấu nâng lên một bậc nữa là chấp hành Luật Giao thông ở tầm văn hóa, sửa chữa những thói quen tùy tiện không phù hợp với kỷ cương. Trong đó, theo chúng tôi, người tham gia giao thông nói chung và các bậc phụ huynh cần sớm khắc phục kiểu chấp hành "đối phó": Ðến ngã tư, thấy vắng bóng cảnh sát giao thông là tự động vượt đèn đỏ hoặc không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy vào buổi tối hay ở những nơi không có lực lượng tuần tra, kiểm soát... Kiểu chấp hành "đối phó" nói trên không chỉ là vi phạm mà còn mang tính chất thiếu trung thực, có phần "gian dối"; nguyên lý giáo dục coi đây là vấn đề tối kỵ, phải ngăn chặn, không để "lây nhiễm" sang trẻ em. Tương tự như thế, việc đội mũ bảo hiểm cho các cháu dưới 14 tuổi cũng cần có nhận thức đúng hơn: Không vì không bị phạt mà không đội, tự giác đội mũ bảo hiểm trước hết là bảo đảm an toàn cho con em mình tốt hơn. Sớm chấm dứt hình ảnh rất phản là cùng ngồi trên xe máy nhưng bố hoặc mẹ đội mũ bảo hiểm còn con để đầu trần, trong khi chúng ta luôn nói "những gì tốt đẹp nhất phải dành cho trẻ em".

Có thể không đúng với tất cả, song phụ huynh có trách nhiệm và phương pháp giáo dục thích hợp đối với con em thì cũng thường được nhận lại những điều tương ứng. Trong vai trò của người tham gia giao thông, không ít bậc phụ huynh đã thừa nhận, con em đã góp phần "giáo dục" mình chấp hành tốt hơn các quy định ATGT: Khi đèo các em trên xe, khi lái xe đưa các em đi học, nhìn gương mặt hồn nhiên, đáng yêu của con em, càng tự nhắc nhở mình cẩn thận, tránh những lỗi vi phạm có thể gây ra tai nạn hoặc bị cảnh sát giao thông xử phạt, xấu hổ với con em và với người đi đường. Theo chúng tôi, những hành vi xuất phát từ những tình cảm sâu xa như thế của các bậc phụ huynh là một khởi điểm quan trọng của văn hóa giao thông. Ðến lượt, nét đẹp văn hóa này truyền cảm cho con em, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trên phạm vi rộng, nhân tố quyết định sự bền vững của công tác bảo đảm trật tự ATGT.

 

Theo Báo Nhân Dân.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)