Sáng nay 27-8, tại Hà Nội, UBND, Ủy ban mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội và Quỹ văn hóa Hàn-Việt tổ chức “Diễn đàn xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội”. Thực trạng-giải pháp và việc cần thiết phải xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn Hà Nội là những vấn đề được các đại biểu mang ra bàn thảo.
Sáng nay 27-8, tại Hà Nội, UBND, Ủy ban mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội và Quỹ văn hóa Hàn-Việt tổ chức “Diễn đàn xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội”. Thực trạng-giải pháp và việc cần thiết phải xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn Hà Nội là những vấn đề được các đại biểu mang ra bàn thảo.
Thực trạng
Theo thông tin từ Phòng CSGT Hà Nội, toàn thành phố có tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 6653 km, 2164 điểm giao cắt, hơn 1.400 ngã ba, 756 ngã tư và 23 ngã năm trở lên. Có sáu tuyến đường sắt từ Hà Nội đi các tỉnh với tổng chiều dài gần 150 km, 706 điểm giao cắt đường ngang, 160 chợ, 118 trường đại học, cao đẳng và 787 trường phổ thông các cấp.
Ngoài ra, tổng số lượng phương tiện tham gia rất lớn. Có khoảng trên 300.000 ôtô, 3.5 triệu mô tô, xe gắn máy, trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của giao thông đô thị. Hệ thống trường học, bệnh viện, nhà máy xí nghiệp tập trung nhiều khu vực nội thành đã dẫn đến tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong 6 tháng đầu năm 2009, lực lượng cảnh sát giao thông Thủ đô đã kiểm tra xử lý 171.807 trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 23 tỷ đồng, tạm giữ 3669 các loại phương tiện và khoảng 37 nghìn bộ giấy tờ, tước 1285 giấy phép lái xe. So với cùng kỳ 2008 kết quả xử lý tăng 4.094 trường hợp, tiền phạt tăng hơn 4 tỷ.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố xảy ra 459 vụ tai nạn giao thông, làm chết 396 người, bị thương 146 người. So với cùng kỳ năm 2008 giảm 68 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, giảm 65 người tử vong. Như vậy bình quân một ngày, thành phố Hà Nội xảy ra 2,51 vụ tai nạn giao thông, làm 2.18 người chết trong khi cả nước xảy ra 33.16 vụ tai nạn giao thông làm 31,43 người chết.
Làm thế nào để nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người tham gia giao thông là đề tài mà các đại biểu tham gia nhiệt tình và sôi nổi, đồng tình với một số giải pháp cơ bản như: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Thứ hai, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Theo ông Nguyễn Duy Ngọc, trưởng phòng CSGT công an thành phố Hà Nội thì đây là giải pháp hết sức quan trọng.
Thứ ba, việc củng cố và nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp cũng giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng đến việc phát triển giao thông và an toàn giao thông. Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông có chiến lược phát triển phương tiện giao thông phù hợp với giao thông thủ đô, nâng cao trách nhiệm cán bộ, chiến sĩ cảnh sát và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ sẽ góp phần đảm bảo tốt tình hình TTATGT trên địa bàn.
Các lực lượng tăng cường làm nhiệm vụ, xử lý nghiêm
những vi phạm Luật Giao thông.
Xây dựng “Văn hóa giao thông Hà Nội”
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBMTTQ quận Ba Đình ví von: Giao thông là hoạt động mang tính xã hội cao, người ta có thể ăn bằng một cái bát riêng, ở một ngôi nhà riêng nhưng con đường lại không phải của riêng ai, nó là của chung mọi người. Vì vậy, nếu nói “ăn trông nồi” là một nét đẹp văn hóa trong ăn uống thì “đi chung đường” hiện nay cần thiết phải trở thành một nét văn hóa giao thông phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Điều tưởng như hiển nhiên đó rất tiếc lại chưa được quan tâm đúng mức trong cuộc sống hiện nay.
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận vấn đề: Làm thế nào để xây dựng văn hóa giao thông hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, cần xây dựng một phong cách bao dung, nhường nhịn, chia sẻ khi tham gia giao thông. Thực hành văn hóa giao thông là thể hiện phong cách lịch sự, văn minh, xóa bỏ thói quen xấu, tuỳ tiện, từng bước hình thành ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: Văn hóa giao thông là tấm gương phản ánh trình độ văn hóa của một đô thị, là nhân tố nội sinh của sự phát triển. Nó vừa tham gia vào mục tiêu, vừa là động lực và vừa điều tiết sự phát triển của xã hội. Cũng theo ông Tuân, cần có 5 tiêu chí chung cho người tham gia giao thông: thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật giao thông; Không phóng nhanh vượt ẩu; Cần tôn trọng và nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông; Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; Không vứt rác và làm ồn đường phố.
Thực tế cho thấy tình trạng từ việc va quệt giữa những người tham gia giao thông dẫn tới những xô xát lớn, thậm chí xảy ra án mạng trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua là một dấu hiệu đáng báo động về “văn hóa giao thông”. Văn hóa giao thông biểu hiện rõ nhất đó là hành vi tôn trọng và nhường nhịn nhau khi lưu thông trên đường phố.
Theo Báo Nhân Dân.