Tháng 9 hàng năm được chọn là Tháng An toàn giao thông (ATGT). Cũng như mọi năm, tháng 9 năm nay người dân tỉnh Bình Dương tiếp tục tham gia hưởng ứng hoạt động này với chủ đề: “Văn hóa giao thông”. Mong rằng mỗi người dân trong tỉnh luôn có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, thể hiện mình là những người văn minh, hiện đại khi tham gia giao thông.
Tháng 9 hàng năm được chọn là Tháng An toàn giao thông (ATGT). Cũng như mọi năm, tháng 9 năm nay người dân tỉnh Bình Dương tiếp tục tham gia hưởng ứng hoạt động này với chủ đề: “Văn hóa giao thông”. Mong rằng mỗi người dân trong tỉnh luôn có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, thể hiện mình là những người văn minh, hiện đại khi tham gia giao thông.
Hãy là những người có “văn hóa giao thông”
Hướng tới chủ đề “Văn hóa giao thông” của Tháng ATGT năm nay, mỗi cán bộ công chức khi tham gia giao thông phải tự học hỏi, tìm hiểu các quy tắc ATGT, đồng thời phải tuyên truyền, nhắc nhở người khác cùng thực hiện dần trở thành ý thức chấp hành. Văn hóa giao thông là ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng khi tham gia giao thông, đấu tranh với các thói hư tật xấu tùy tiện của những người tham gia giao thông, bản thân cán bộ công nhân viên và gia đình phải gương mẫu thực hiện các quy định bảo vệ công trình giao thông, phương tiện giao thông, không làm ảnh hưởng tới trật tự ATGT, không lấn chiếm lòng đường vỉa hè, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng tại các bến tàu xe, trên đường... để xây dựng một môi trường giao thông thân thiện, an toàn.
Ra quân tuyên truyền ATGT
Trong khi tham gia giao thông mỗi người đều phải ứng xử một cách có văn hóa, thể hiện tinh thần hợp tác, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông như: giúp đỡ người già, trẻ em, người tàn tật. Lái xe, lái tàu, thanh tra, bảo vệ phải tôn trọng, lịch sự khi tiếp xúc với hành khách và người đi đường, ôn hòa bình tĩnh, hợp tác khi giải quyết các vụ va chạm, nhường nhịn nhau khi ách tắc đường và vận động mọi người cùng thực hiện, đấu tranh, lên án những người có hành vi thiếu văn hóa khi đi đường.
Để thực hiện nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông, mỗi người phải luôn cố gắng thực hiện các mục tiêu gồm 3 có, 4 không: Có hiểu biết đầy đủ pháp luật về giao thông; có ý thức trách nhiệm cao đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; có hành vi ứng xử văn hóa, hợp tác giúp đỡ những người khác khi tham gia giao thông. Bốn không: Không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vận hành phương tiện chưa đủ giấy tờ quy định; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ ATGT; không để thói hư tật xấu, thiếu văn hóa ứng xử với mọi người khi tham gia giao thông; không để xảy ra TNGT, đó chính là phương châm hành động của tất cả CBCNVC ngành GTVT trong Tháng ATGT và cả những năm tiếp theo.
Chung tay xây dựng văn hóa giao thông
Trong 6 tháng đầu năm 2009, công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả như: phát hiện, xử lý 47.923 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trong đó đô thị có 2.010 trường hợp vi phạm, đường bộ có 45.262 trường hợp, đường thủy có 651 trường hợp; tổng số tiền phạt nộp vào Kho bạc Nhà nước gần 20 tỷ đồng; tai nạn giao thông xảy ra 199 vụ, giảm 32 vụ so với cùng kỳ năm ngoái...
Hiện nay, bên cạnh những người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định trong Luật Giao thông đường bộ, thì vẫn còn một bộ phận người dân vẫn coi thường Luật Giao thông. Trên các tuyến đường, nhiều người dân vẫn ngang nhiên không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường... Bên cạnh đó là tình trạng xe tải chạy nhanh, vượt ẩu, xe dù bến cóc vẫn ngang nhiên hoạt động sai quy định diễn ra vẫn rất phổ biến...
Vào những giờ cao điểm, nếu ai đã từng tham gia giao thông tại các tuyến đường gần các KCN Sóng Thần, Mỹ Phước, Việt Nam -Singapore, Bình Chuẩn... đều dễ dàng nhận thấy đây là những điểm nóng về giao thông. Công nhân tại các KCN tràn xuống lòng đường, rồi tỉnh bơ leo qua dải phân cách qua đường mà không thèm ngó trước nhìn sau. Những chiếc xe máy chở 3 - 4 người, không ai thèm đội mũ bảo hiểm, rồi những chiếc xe tải, xe container hú còi inh ỏi để giành đường khiến đường sá ở đây trở nên ùn tắc, hỗn loạn...
Ông Trần Văn Hùng, một người sửa xe gần siêu thị Sóng Thần cho biết: “Cứ khoảng 7 giờ sáng hoặc 16 - 17 giờ ra đây thì biết. Người đông như kiến, xe cộ thì nhích từng chút một. Nếu ai không quen mà đi vào đường này thì thế nào cũng không vững được tay lái và dễ xảy ra tai nạn. Tham gia giao thông an toàn tùy vào ý thức mỗi người. Đường sá thì chật chội, người xe lại đông đúc nên một khi đã lưu thông vào giờ cao điểm thì phải nhường nhau mà đi. Đằng này, ai cũng giành đường để mong được đi trước thì tránh sao khỏi tai nạn”.
Tại Bệnh viện Quân đoàn 4, mỗi ngày có hàng chục ca cấp cứu do tai nạn giao thông. Bác sĩ Đỗ Ngọc Châu, Bệnh viện Quân đoàn 4 cho biết: Mỗi năm, có hàng ngàn ca cấp cứu và nhập viện tại bệnh viện do tai nạn giao thông. Trong số ca tai nạn nhập viện, chiếm 80% là công nhân ở các KCN-KCX nằm ở khu vực giáp ranh Bình Dương và TP.HCM. Theo bác sĩ Châu, tai nạn giao thông chủ yếu ở độ tuổi 18 - 30, xảy ra vào ban đêm chiếm gần 63%, trong đó tổn thương đầu chiếm 61%.Tương tự tại nhiều điểm, nhất là các ngã tư trên đại lộ Bình Dương, nhiều xe khách vẫn phóng nhanh vượt ẩu để giành giật khách. Thậm chí, đang trong Tháng ATGT nhưng những xe khách này vẫn ngang nhiên đón trả khách dọc đường. Ông Mai Văn Tiến, một người dân chạy xe ôm tại ngã tư Bình Chuẩn cho biết: “Ở đây, xe khách đón trả khách thường xuyên, riết rồi thành điểm dừng để đón trả khách luôn. Những chiếc xe này chạy rất ẩu, đang chạy nhanh như vậy rồi bất ngờ tấp vào lề bắt khách. Làm nghề chạy xe ôm ở đây đã lâu, tôi cũng từng chứng kiến không ít những vụ tai nạn do loại xe này gây ra”.
Ông Đoàn Văn Nhi, Trưởng Công an thị trấn Dĩ An cho biết: “Thời gian gần đây, nhìn chung ý thức người tham gia giao thông đã được cải thiện, do đó vi phạm cũng ít hơn. Song còn một bộ phận thanh niên vẫn rất ngông nghênh, những đối tượng này thường phóng nhanh, vượt ẩu, khi lưu thông trên đường thường chở 3, không đội mũ bảo hiểm, dừng xe sai quy định... Trong Tháng ATGT và cả trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mạnh tay hơn nữa với những đối tượng này”.
Để tham gia giao thông được an toàn, phần lớn phụ thuộc vào ý thức chấp hành giao thông của mỗi người dân. Vì vậy mỗi người tham gia giao thông hãy thể hiện mình là một người có văn hóa, có ý thức trong việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ. Bình Dương là địa bàn nằm giáp ranh với các thành phố lớn, lại có nhiều khu công nghiệp và lực lượng lao động nhập cư đông đúc nên khá phức tạp về ATGT. Để tạo được khí thế mới cho người dân trên toàn tỉnh tham gia giữ gìn trật tự ATGT, đồng thời chung tay xây dựng nếp sống có văn hóa khi tham gia giao thông, Ban ATGT tỉnh cần tiếp tục triển khai các giải pháp: Tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông, biểu dương những gương tốt, việc tốt trong văn hóa giao thông và phê phán những cá nhân, tập thể có hành vi thiếu văn hóa. Việc phát động Tháng ATGT với chủ đề “Văn hóa giao thông” là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Với các nội dung, tiêu chí về văn hóa giao thông, thì chủ đề “Văn hóa giao thông” năm nay sẽ khuyến khích mọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ hơn nữa.
Nguồn: BDĐT