Lạng Sơn: Nâng cao văn hoá giao thông giảm thiểu tai nạn

Thứ sáu, 18/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tai nạn giao thông đã để lại những hậu quả nặng nề, gây bao đau thương, mất mát, làm thiệt hại tài sản cho nhiều người, nhiều gia đình và toàn xã hội. Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều biện pháp để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông như: thành lập ban an toàn giao thông từ

Hiện nay, tai nạn giao thông đang là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm của toàn xã hội, là hiểm hoạ của mọi quốc gia, là nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước và chất lượng cuộc sống con người.


Tai nạn giao thông đã để lại những hậu quả nặng nề, gây bao đau thương, mất mát, làm thiệt hại tài sản cho nhiều người, nhiều gia đình và toàn xã hội. Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều biện pháp để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông như: thành lập ban an toàn giao thông từ cấp trung ương đến địa phương, cơ sở, phát động nhiều phong trào rộng khắp trên toàn quốc như: “Tháng an toàn giao thông”, “Tuần lễ an toàn giao thông toàn cầu”, “Em yêu đường sắt quê em”...Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn xảy ra thường xuyên và có nhiều diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 7 tháng đầu năm 2009, toàn quốc xảy ra 7.192 vụ tai nạn giao thông làm chết 6.729 người, làm bị thương 4.540 người. Riêng trên địa bàn Lạng Sơn, đã xảy ra 87 vụ tai nạn giao thông làm chết 65 người, làm bị thương 85 người, so với cùng kỳ năm 2008 giảm 13 vụ (giảm 13%), số người bị thương giảm 43 người (giảm 33%) nhưng số người chết lại tăng 11 người (tăng 20%). Nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về giao thông chưa tốt, tình trạng không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông hoặc chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra, có vụ rất nghiêm trọng. Tất cả những việc diễn ra nêu trên đều là do thiếu văn hoá giao thông.


Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong một cuộc trao đổi về văn hoá với các cán bộ, nhân viên của ngành giao thông cho rằng: văn hoá giao thông được biểu hiện bằng những hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hoá giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống, biểu hiện nếp sống văn minh, hiện đại của con người khi tham gia giao thông. Pháp luật giao thông và văn hoá giao thông có mối quan hệ khăng khít, những hành vi ứng xử đẹp, có văn hoá khi tham gia giao thông chỉ có được khi mọi người hiểu và tôn trọng luật giao thông. Mặt khác, ý thức về lối sống văn hoá, tôn trọng người cùng tham gia giao thông sẽ là động cơ thúc đẩy mọi người tìm hiểu và chấp hành tốt luật giao thông. Cả hai ý thức này cần được tuyên truyền, giáo dục thường xuyên bằng các hình thức, trong mọi lĩnh vực nhằm mục tiêu thay đổi ý thức, chấp hành đúng luật của người tham gia giao thông.


Có thể nói, văn hoá giao thông có vai trò rất quan trọng đối với việc ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông. Cũng vì vậy, chủ đề về an toàn giao thông trong tháng 9/2009 là xây dựng nếp sống văn hoá giao thông. Khi đã hình thành những cư xử có văn hoá khi tham gia giao thông, con người sẽ có ý thức hơn trước mỗi hình vi, cử chỉ của mình.


Với việc xây dựng nếp sống văn hoá giao thông, hy vọng rằng trong thời gian tới, những hậu quả đau lòng cùng những thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông gây ra sẽ được giảm thiểu rõ rệt.

 

 

                                                                                                             Theo Báo Lạng Sơn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)