Nói đến văn hoá giao thông là nói đến những biểu hiện bằng các hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp của người khi tham gia giao thông.
Nói đến văn hoá giao thông là nói đến những biểu hiện bằng các hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp của người khi tham gia giao thông.
Hay nói cách khác, người tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng; nắm rõ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) và tự giác chấp hành nghiêm các quy định đó; nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật khi đã vi phạm về ATGT…
Những quy định và các tiêu chí về văn hoá giao thông được nêu rất rõ ràng, cụ thể là thế nhưng đến huyện Chi Lăng trong tháng “văn hoá giao thông” một cảnh tượng diễn ra làm chúng tôi không khỏi băn khoăn. Khắp các tuyến phố là các hàng quán lấn chiếm vỉa hè làm nơi bán hàng. Tiếp đến khu chợ thị trấn Đồng Mỏ, những người bán hàng vẫn ngang nhiên chiếm lòng đường làm bãi đỗ xe, điểm bán hàng. Càng ngạc nhiên hơn là tình trạng xe ô tô dừng, đỗ bất cứ chỗ nào tuỳ thích; xe máy rú còi chen lấn, xô đẩy…
Đoạn đường Chợ Đồng Mỏ bị lấn chiếm
Có thể nói ở Chi Lăng, không ít người tham gia giao thông vẫn ngang nhiên vi phạm, thậm chí còn có trường hợp cố tình và tỏ rõ thái độ chống đối với lực lượng chức năng. Như nhiều người đi xe máy vẫn không đội mũ bảo hiểm, vẫn có những xe máy chở quá số người quy định… Người điều khiển xe ô tô không thực hiện các quy định, nội quy bến bãi; cư dân sinh sống ở ven đường vẫn thường xuyên lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, sử dụng lòng đường, vỉa hè buôn bán hàng hoá, thậm chí còn có người có những hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như rải đinh trên đường…
Thực tế một số chuyến công tác đi qua đèo Bén (địa phận thị trấn Đồng Mỏ), tôi thấy một số người đang điều khiển xe máy bỗng dừng lại, rồi tiếp tục ám hiệu cho những người khác đi cùng chiều cùng dừng lại. Thấy lạ, chúng tôi bèn hỏi xem có chuyện gì thì được biết trong số họ người thì không đội mũ bảo hiểm, kẻ thiếu giấy tờ xe hoặc chở quá số người quy định… nên khi được ám hiệu có cảnh sát giao thông đang làm việc phía trước là họ không dám đi tiếp nữa. Điều này cho thấy, những người tham gia giao thông trên đã tự làm mất đi quyền tự do của mình khi tham gia giao thông, nhất là đã để mất nét văn hóa đẹp của bản thân và cộng đồng xã hội.
Cần giáo dục ý thức chấp hành
những quy định về ATGT trong nhà trường
Nói về việc thực hiện văn hóa giao thông trên địa bàn, ông Vi Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban ATGT cho biết: Chi Lăng được xác định là địa bàn trọng điểm về tai nạn giao thông, do vậy, công tác đảm bảo ATGT được coi là nhiệm vụ trong tâm, thường xuyên của huyện. Đặc biệt là trong tháng cao điểm ATGT năm nay, dựa trên kế hoạch chỉ đạo chung của tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo từng cấp, từng ban ngành, đoàn thể huyện đồng loạt ra quân, triển khai thực hiện tháng văn hóa giao thông, trong đó huyện đã tổ chức lễ ra quân vào ngày 31/8/2009. Trọng tâm của kế hoạch là tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT của lực lượng chức năng và đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn về đảm bảo trật tự ATGT, nêu cao ý thức chấp hành và thực hiện văn hóa trong tham gia giao thông. Nhưng phải thừa nhận một điều rằng, việc thực hiện văn hoá giao thông trên địa bàn vẫn là vấn đề rất nan giải. Vì dân trí thấp, ý thức chấp hành của bà con rất kém. Do vậy để thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành và hình thành nên văn hóa giao thông của người dân trên địa bàn thì việc đẩy mạnh truyên truyền không chỉ được huyện thực hiện trong tháng cao điểm ATGT mà sẽ tiếp tục được duy trì trong suốt chặng đường tiếp theo.
Những vi phạm trên, thiết nghĩ không chỉ riêng có ở Chi Lăng mà hiện vẫn đang phổ biến ở rất nhiều địa phương khác trên phạm vi toàn tỉnh. Để có được văn hóa giao thông, bản thân mỗi người trước hết phải tự nêu cao ý thức chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật về ATGT.
Theo Báo Lạng Sơn.