Vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, tranh cướp đường, phóng nhanh vượt ẩu... tất cả những hành vi này đều được gọi là thiếu văn hóa trong giao thông. Trong giới trẻ hiện nay, đặc biệt là tuổi học sinh, nhiều em mắc thói xấu này. Vì sao vậy?
Vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, tranh cướp đường, phóng nhanh vượt ẩu... tất cả những hành vi này đều được gọi là thiếu văn hóa trong giao thông. Trong giới trẻ hiện nay, đặc biệt là tuổi học sinh, nhiều em mắc thói xấu này. Vì sao vậy?
Em Hoàng Quốc Anh, lớp 11, Trường THPT Lương Thế Vinh
- Em rất phẫn nộ với hành vi của hai bạn nữ sinh mà em vô tình gặp trên đường Hoàng Hoa Thám. Trong khi đường tắc nghẽn khiến dòng người không thể nhích "đến từng cen-ti-mét" thì hai bạn nữ sinh đi chiếc xe Wave đỏ cố chen lấn để vượt qua đường. Chứng kiến cảnh này thật "chướng" mắt. Đã vậy các bạn còn hung hăng khi có người thể hiện sự bất bình. Đang xô đẩy dòng người để cố sang bên kia đường, bất ngờ bạn gái điều khiển chiếc xe mất lái, ga rồ lên, rồi đổ lật sang bên phải khiến cho một cụ già đang ngồi đằng sau trên chiếc Dream sát ngay xe của hai bạn cũng đổ theo. Sau khi lóp ngóp đứng dậy, cụ từ tốn nói với hai nữ sinh: "Đường đã tắc, tay lái lại yếu, các cô cố sang đường làm gì". Nghe ông nói vậy, chẳng một lời xin lỗi theo lẽ thường, cũng chẳng giữ gìn lễ phép như người dưới đối với người trên, hai nữ sinh thi nhau hỗn hào với ông già bằng những lời nói khiếm nhã. Nào là: "Việc của tôi, tôi làm. Không khiến ông phải nói". Nào là: "Muốn yên thân về nhà mà ngồi, đừng ra đường nữa...".
Em Nguyễn Vũ Duy Anh, lớp 11, Trường THPT Chu Văn An
- May mắn cho em là chưa phải chứng kiến sự việc như trên. Nếu chứng kiến, chắc chắn em sẽ không để cho hai nữ sinh ấy làm như vậy. Phải "lấy độc trị độc" các bạn ấy mới nhận biết những gì đã làm tồi tệ đến đâu. Tuy không chứng kiến những hành động vô lối, thiếu văn hóa mà bạn trên vừa kể, nhưng em lại nhiều lần thấy học sinh không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đèo ba người trên một xe... Mà các hành vi vi phạm này không chỉ nam, cả nữ sinh cũng có. Theo em, đây là do ý thức pháp luật kém, nếu như không muốn nói là không có. Bên cạnh đó, tâm lý lứa tuổi cũng là nguyên nhân dẫn đến một số học sinh vi phạm luật giao thông. Vì muốn khẳng định mình, muốn vượt qua hạn chế của lứa tuổi các bạn mới hành động thái quá như vậy. Để thay đổi hành vi này, theo em học sinh phải được giáo dục ở mọi nơi: trường học, gia đình, xã hội dưới mọi hình thức, lý thuyết, thực hành và cả bằng việc xử lý vi phạm của pháp luật.
Thầy giáo Vũ Trọng Khang
- Nguyên nhân sâu xa trong sự thiếu văn hóa giao thông hiện nay của học sinh bắt đầu từ nếp sống cố hữu của một số người, ấy là "phép vua thua lệ làng". Tư duy này chi phối việc học tập, nhận thức và thực hiện pháp luật. Khi xã hội đang đi đến văn minh, thì chưa thể tất cả các hành động đều văn minh ngay được. Bởi vậy, cần có thời gian để tác động, thay đổi tư duy "phép vua...". Đúng như học sinh trên nói tất cả xã hội, nhà trường, gia đình phải chung tay vào cuộc "cải tổ" này.
Theo Báo HNMOL