Ðội mũ bảo hiểm, chuyện trên đường làng, xã

Thứ hai, 20/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ở tầm quốc gia, tác dụng của mũ bảo hiểm (MBH) đã được khẳng định trong Luật Giao thông đường bộ: "Người điều khiển, người ngồi trên xe mô-tô hai bánh, mô-tô ba bánh, xe gắn máy phải đội MBH có cài quai đúng quy cách".
Ở tầm quốc gia, tác dụng của mũ bảo hiểm (MBH) đã được khẳng định trong Luật Giao thông đường bộ: "Người điều khiển, người ngồi trên xe mô-tô hai bánh, mô-tô ba bánh, xe gắn máy phải đội MBH có cài quai đúng quy cách". Song đối với từng địa phương, làng, xã và nhất là từng người tham gia giao thông, chuyện "ngồi lên xe máy là đội MBH" còn không ít cấn cái, với lý do không có gì to tát. Chúng tôi xin nêu vài nét thực tế ở một vùng quê, với mong muốn góp phần thúc đẩy giải quyết vấn đề nêu trên.

Số người tham gia giao thông trên các
đường làng, xã không đội mũ bảo hiểm tăng.


Ðó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Tiên ở Ðội 2, Hải Long (Hải Hậu, Nam Ðịnh). Những người thân trong gia đình ông vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn xảy ra ngày mồng năm Tết Nguyên đán. Không giấu được nỗi đau, bà Nguyễn Thị Tiên kể trong nghẹn ngào nước mắt: "Hôm đó hai bố con đi sang nhà bác ở thị trấn Yên Ðịnh (Hải Hậu). Trên đường về bị tai nạn, hai bố con không đội MBH, ông ấy thì đầu đập xuống đường bê-tông, bị chấn thương sọ não, con bé Tin ngồi sau bị nhẹ hơn, tính mạng còn giữ được, nhưng bác sĩ bảo rất có thể sẽ để lại di chứng. Còn ông nhà tôi bị chấn thương nặng toàn bộ sọ não, không cứu được. Ðường đi về vốn quen thuộc và có xa xôi gì, chỉ vài cây số nên không chú ý đội MBH, mới ra nông nỗi này...".

 
Có lẽ không chỉ riêng gia đình ông Tiên, mà còn nhiều người do chủ quan chưa ý thức rõ tác dụng việc đội MBH, coi đấy là thứ "đối phó" để tránh bị phạt, chứ không phải nhằm mục đích bảo vệ bản thân, đến khi lâm nạn mới thấy hết tác dụng của nó. Phạm Quốc Huy, sinh viên Trường đại học Hàng hải, một trong những người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ chiếc MBH kể: "Mình cùng nhóm bạn đi thăm thầy cô giáo cũ. Khi về đến xã nhà bọn bạn bảo bỏ MBH ra cho mát, đây là "địa phận an toàn" rồi, không sợ bị công an bắt phạt. Nhưng mình nghĩ "cẩn tắc vô áy náy" nên cứ để mũ trên đầu. Lúc rẽ vào ngõ, vì tránh chiếc xe công nông đi ngược chiều, xe mình đâm phải tảng đá nằm bên đường, người ngã văng ra khỏi xe, đầu đập xuống đất, MBH vỡ phần nhựa nhưng đầu mình thì không sao vì vẫn còn lớp xốp bảo vệ". Tâm lý đường "xã nhà" chi phối khá lớn đối với việc thực hiện quy định đội MBH. Anh Vũ Văn Thiện, xã Giao Tân, Giao Thủy (Nam Ðịnh) nói: Ði đoạn đường gần đội MBH rất mất thời gian, mỗi lần cứ phải đội lên rồi lại tháo ra cũng mất vài ba phút. Nên đi trong xã rất ít khi mình đội MBH, chỉ khi nào có việc phải sang các xã khác thì mình phải mang theo phòng khi bị kiểm tra, không dễ được "thông cảm" như ở "xã nhà".

 
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn và những hạn chế của công an địa phương trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Trưởng công an xã Giao Thịnh (Giao Thủy) Phạm Văn Thành cho biết: "Ðúng là hiện nay số người không đội MBH ở nông thôn có phần tăng lên so với giai đoạn đầu thực hiện quy định bắt buộc đội MBH, nhất là ở các đường liên thôn, liên xã và những nơi lực lượng công an không thường xuyên tuần tra, kiểm soát được. Có rất nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân là lực lượng công an xã mỏng, trong khi địa bàn rộng và còn phải bảo đảm nhiều lĩnh vực an ninh - trật tự khác, nên kiểm soát không thường xuyên. Mặt khác, khi tuần tra, kiểm soát gặp đối tượng vi phạm là người quen; các cháu sinh viên đi học xa, cả năm mới về làng một hai lần... mà thẳng tay xử phạt theo quy định thì không đặng. Tuy nhiên, nếu cứ bỏ qua hoặc vị nể thì dẫn đến "nhờn luật"...

 
RÕ ràng, việc giảm tỷ lệ người tham gia giao thông đội MBH ở nông thôn đang phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, ý thức, tâm lý của người tham gia giao thông; phản ứng của cộng đồng và thái độ, mức độ xử lý của cơ quan thi hành pháp luật về an toàn giao thông. Ðây cũng là hiện trạng chung của nhiều nơi, đòi hỏi phải có các giải pháp sáng tạo hơn, mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn và phù hợp hơn cho từng vùng, từng đối tượng để tạo ra chuyển biến tích cực trong việc giải quyết vấn đề này.
nhandan

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)