Yếu tố quan trọng là văn hóa trong giao thông

Thứ sáu, 19/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đánh giá: Dẫu có nhiều chuyển biến tích cực, song tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn ở mức độ nghiêm trọng, nguy cơ tiềm ẩn còn rất lớn, những tiến bộ đạt được chưa đồng đều và vững chắc...
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Định tham gia
diễu hành hưởng ứng Tháng an toàn giao thông.
ND - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đánh giá: Dẫu có nhiều chuyển biến tích cực, song tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn ở mức độ nghiêm trọng, nguy cơ tiềm ẩn còn rất lớn, những tiến bộ đạt được chưa đồng đều và vững chắc...

Nhân tháng ATGT quốc gia năm 2008, chúng ta cùng nhìn lại những điều đáng lưu ý sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, mở đầu việc triển khai toàn diện Ðề án tăng cường bảo đảm trật tự ATGT quốc gia đến năm 2010?

Chuyển biến và mức độ

Có lẽ chuyển biến rõ nhất là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi mô-tô, xe máy đã được thực hiện đồng loạt trong cả nước. Riêng các đô thị và tuyến quốc lộ, người đội MBH đạt 95 đến 98%, có nơi gần 100% và kết quả nói trên vẫn được duy trì cho đến nay.

So với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh kết cấu hạ tầng giao thông cải thiện không đáng kể, phương tiện cơ giới đường bộ vẫn tăng nhanh, những tháng đầu năm nay TNGT vẫn giảm khá mạnh (số vụ, số người chết và người bị thương đều giảm hơn 10%, riêng số người chết giảm bình quân 5 người/ngày).

Một số giải pháp phòng ngừa nguy cơ tiềm ẩn TNGT cũng đã được thực hiện, tuy kết quả chưa đạt như mong muốn, nhưng đã có tác dụng nhất định tạo sự đồng bộ trong hoạt động bảo đảm trật tự ATGT. Thông qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân và trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, địa phương có sự tiến bộ đáng kể...

Tuy nhiên, nhìn một cách nghiêm khắc, công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn còn rất nhiều bức xúc: TNGT vẫn ở mức cao (riêng số người chết bình quân mỗi ngày là hơn 32 người), trong đó có nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người.

Nguyên nhân chủ quan dẫn đến TNGT vẫn chiếm tỷ trọng lớn (hơn 80%), nhiều nhất là nhóm vi phạm chạy quá tốc độ, chở quá tải, tránh vượt sai quy tắc, say rượu bia khi điều khiển phương tiện. Việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH có biểu hiện lơi lỏng vào thời điểm ban đêm, ở vùng nông thôn và đối với trẻ em dưới 14 tuổi và chất lượng mũ bảo hiểm vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.

Ở một số nơi, người tham gia giao thông gặp trên đường không ít trường hợp thanh niên, thiếu niên lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép hết sức nguy hiểm. Phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh (ô-tô 10,7%, mô-tô 7,8%), trong khi tiến độ xây dựng các dự án giao thông chậm nhất từ trước tới nay, mặt khác cầu đường đang thiếu kinh phí sửa chữa do giá vật liệu xây dựng tăng đột biến.

Nỗi lo lắng khi đi ra đường vẫn hiện diện: tham gia giao thông vẫn là hoạt động nguy hiểm nhất trong các hoạt động bình thường của đời sống; TNGT rình rập, bản thân người chấp hành đúng chưa chắc đã an toàn; riêng người dân ở các thành phố lớn lo nhất là tắc đường, bởi bài toán chống ùn tắc giao thông đô thị vẫn còn không ít ẩn số và cần nhiều thời gian giải quyết...

Mục tiêu và hành động

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã xác định mục tiêu của công tác ATGT những tháng cuối năm 2008 là tiếp tục củng cố, duy trì kết quả đã đạt được, phải giữ mức giảm TNGT ít nhất bằng tỷ lệ những tháng đầu năm; những địa phương có số người chết vì TNGT tăng phải phấn đấu giảm mạnh hơn để hạ thấp được tiêu chí này trong cả năm. Về giải pháp, có hai điểm đáng chú ý:

Một là, kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục và cưỡng chế. Xác định giáo dục là biện pháp quan trọng hàng đầu, thực hiện kiên trì, liên tục, nâng cao tính chuyên nghiệp, chọn đúng chủ đề và nội dung phù hợp với từng đối tượng, chú trọng giáo dục văn hóa trong giao thông gắn với phong trào "Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT".

Ðồng thời, tăng cường cưỡng chế, xử lý vi phạm, vừa có tác dụng trực tiếp ngăn chặn kịp thời TNGT vừa là cách giáo dục trực quan có hiệu quả cao. Thể hiện tinh thần đó, hiện nay các lực lượng cảnh sát và công an đang phối hợp với các lực lượng, các ngành có liên quan thực hiện tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT theo chuyên đề, từ ngày 1-9 đến 31-10.

Qua đó, đã phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm trật tự ATGT của xe ô-tô chở khách, nhất là xe hoạt động liên tuyến, liên tỉnh và bắc - nam, như chạy quá tốc độ quy định, tránh/ vượt không đúng quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, chở quá số người quy định; các trường hợp người đi xe mô-tô, xe gắn máy chở ba, bốn người lớn; không đội MBH hoặc đội MBH nhưng không cài quai, không chấp hành đèn hiệu và hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu và không chấp hành các quy định về ATGT khi đi qua đường ngang giao nhau với đường sắt; các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm (kể cả phương tiện đánh cá), chở quá tải, quá số người quy định, không đủ các thiết bị cứu sinh; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn; các bến, đò ngang không đủ điều kiện và chưa được cấp phép hoạt động...

Hai là, kết hợp thực hiện các giải pháp ngăn chặn trực tiếp, giải pháp phòng ngừa nguy cơ tiềm ẩn TNGT và giải pháp bền vững. Tương tự như nhiều nước đang phát triển, tình trạng TNGT tăng đột biến và ở mức cao của nước ta có nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng "bùng nổ" phương tiện cơ giới (chủ yếu là mô-tô, xe máy, sắp tới là ô-tô), dẫn đến sự bất cập về phát triển cơ sở hạ tầng, về ý thức người tham gia giao thông và về năng lực tổ chức quản lý giao thông.

Quá trình khắc phục sự bất cập nói trên đòi hỏi phải kết hợp tốt các giải pháp ở ba cấp độ: Ðẩy mạnh thực hiện các biện pháp tình thế và cấp bách để giảm bức xúc về tai nạn và ùn tắc giao thông. Coi trọng các giải pháp ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn TNGT (giải tỏa hành lang đường bộ, đường sắt; hạn chế hàng rong và tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; đình chỉ lưu hành ô-tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh; đổi mới việc quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý chất lượng kỹ thuật phương tiện...).

Ðồng thời quan tâm các giải pháp cơ bản lâu dài như xây dựng quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch gắn với quy hoạch kinh tế-xã hội, phát triển vận tải khách công cộng và kiểm soát mức tăng phương tiện cá nhân, từng bước chuyên nghiệp hóa lực lượng quản lý tổ chức giao thông...

Theo ông T.Michimasa, cố vấn trưởng Dự án phát triển Nguồn nhân lực ATGT của TP Hà Nội: "Văn hóa giao thông là trạng thái mà mọi người tham gia giao thông ứng xử một cách đúng luật, an toàn, cao hơn nữa là có ý thức và lịch sự. Ở đó, người tham gia giao thông tuân thủ các chuẩn mực (pháp luật, đạo đức, truyền thống) và ứng xử một cách có ý thức tự giác". Nói một cách mộc mạc trong văn hóa giao thông là môi trường "khi người vi phạm biết hổ thẹn và bị người chung quanh phê phán".

Rõ ràng, để xây dựng được môi trường như thế, đòi hỏi một quá trình bền bỉ, lâu dài, song phải bắt đầu ngay từ bây giờ, kết hợp nhiều biện pháp khơi dậy ý thức tự giác, từ những việc nhỏ nhất. Ðiều đó, vừa thể hiện ý thức chấp hành pháp luật, vừa là văn hóa của người tham gia giao thông.

Theo Báo Nhân Dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)