Ban quản lý Dự án phát triển Nguồn nhân lực ATGT Tp. Hà Nội vừa tổ chức hội thảo về ATGT lần thứ 4 với chủ đề Văn hoá giao thông. Mục tiêu đặt ra là xây dựng, hoàn thiện nét văn hoá giao thông người Hà Nội, quận Hoàn Kiếm được chọn làm thí điểm.
Ban quản lý Dự án phát triển Nguồn nhân lực ATGT Tp. Hà Nội vừa tổ chức hội thảo về ATGT lần thứ 4 với chủ đề Văn hoá giao thông. Mục tiêu đặt ra là xây dựng, hoàn thiện nét văn hoá giao thông người Hà Nội, quận Hoàn Kiếm được chọn làm thí điểm.
Ông Takagi Michimasa - Cố vấn trưởng Dự án phát triển Nguồn nhân lực ATGT Tp. Hà Nội (TRAHUD) cho rằng: "Văn hoá giao thông là trạng thái mà mọi người tham gia giao thông ứng xử một cách đúng luật, an toàn, cao hơn nữa là có ý thức và lịch sự. Ở đó, người tham gia giao thông tuân thủ các chuẩn mực (pháp luật, đạo đức, truyền thống) và ứng xử một cách có ý thức tự giác".
Tuy nhiên ông Takagi Michimasa cũng nhấn mạnh, văn hoá giao thông không phải muốn là có ngay mà phải trải qua cả một quá trình lâu dài, bền bỉ thực hiện cùng với nhiều vấn đề khác của xã hội. Trong khuôn khổ của dự án, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản sẽ giúp Hà Nội triển khai thí điểm mô hình xây dựng văn hoá giao thông.
Theo đó, dự án thí điểm sẽ được triển khai tại quận Hoàn Kiếm từ nay đến tháng 3/2009, trọng điểm là ở các phường Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Trống và 6 nút giao thông gồm: Hàng Gai - Lương Văn Can, Hàng Gai - Hàng Trống, Hàng Gai - Lý Quốc Sư, Hàng Bông - Đường Thành, Hàng Bông - Hàng Da, Hàng Bông - Phùng Hưng.
Đối tượng và các nhóm hành vi chính được lựa chọn là người đi bộ đi dưới lòng đường; sang đường thiếu an toàn; đi không đúng vạch sơn; không chấp hành đèn tín hiệu; tụ tập dưới lòng đường; thiếu chú ý quan sát và người đi mô tô, xe gắn máy vượt "đèn đỏ"; đi vào đường cấm, đường một chiều; phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách; đi không đúng làn theo vạch sơn; đỗ xe không đúng nơi quy định; không nhường đường cho người đi bộ...
Bà Cao Bích Lan - Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: "Từ đối tượng và các nhóm hành vi như đã xác định, dự án sẽ sử dụng tổng thể các biện pháp đồng bộ, trong đó tập trung chủ yếu vào các biện pháp trực tiếp theo yếu tố 3E của Nhật Bản. Đó là củng cố, hoàn thiện hạ tầng giao thông; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và tập trung hướng dẫn người tham gia giao thông".
Hiện trên các tuyến đường, nút giao thông nằm trong dự án đã và đang được chỉnh trang, cải tạo hạ tầng bằng việc sơn kẻ vạch dành cho người đi bộ; lắp đặt đồng hồ đếm ngược và điều chỉnh chu kỳ tại một số cột đèn tín hiệu giao thông; sơn kẻ vỉa hè; bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống biển báo...
Cùng với việc chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng, quận Hoàn Kiếm cũng đang chuẩn bị để đẩy mạnh công tác truyền thông. Cụ thể các hình thức tuyên truyền sẽ là hướng dẫn, nhắc nhở trực tiếp người tham gia giao thông; phát sổ tay hướng dẫn chi tiết ATGT; trình chiếu đĩa CD nhằm hướng dẫn bằng hình ảnh thực tế, trực quan, sinh động tại một số vị trí; phát chi tiết nội dung trên hệ thống loa truyền thanh của quận. Ngoài ra, tại một số nút giao thông, tuyến phố chính còn có các mô hình thực tập các tình huống lái xe cụ thể thường xảy ra trong đời sống giao thông hàng ngày.
Tuy xác định rõ người đi bộ và người điều khiển môtô, xe gắn máy, song đối tượng được tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nâng cao ý thức hành vi ứng xử còn được mở rộng tới các cộng đồng dân cư, người tham gia giao thông nói chung, các cửa hàng buôn bán, khách du lịch và tất cả người đi mua sắm trên địa bàn.
Để thực hiện được mục tiêu này, dự án đã chọn đội ngũ cộng tác viên là các cán bộ cơ sở, người dân đứng ra thành lập các nhóm hoạt động thường xuyên, liên tục. Những nhóm này sẽ trực tiếp chuyển tải các thông điệp về ATGT và văn hoá giao thông tới đông đảo người dân Hà Nội như: phát sổ tay lái xe an toàn, phát tờ rơi, đưa các hình ảnh minh hoạ quy tắc người đi bộ, phát sổ tay thái độ và hành vi văn hoá khi tham gia giao thông tại Hà Nội tới các hộ gia đình, nhắc nhở các cửa hàng để xe đúng vị trí... Bên cạnh đó còn tập hợp các ý kiến đóng góp, xây dựng từ phía người dân để hoàn chỉnh bộ quy chuẩn về văn hoá giao thông người Hà Nội.
Hiện nay, dự án thí điểm văn hoá giao thông tại Hoàn Kiếm đang bước vào giai đoạn đầu với việc thành lập ban chỉ đạo từ quận xuống phường, hoàn thiện hạ tầng giao thông và in sao tài liệu. Tuy vậy, dự án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Bà Cao Bích Lan cho biết thêm: "Sau thời gian thí điểm, dự án sẽ được tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện quy chuẩn văn hoá giao thông để duy trì và nhân rộng tại các địa bàn khác".
Theo Bạn đường