2008- Năm của "Văn hóa giao thông"

Thứ ba, 11/03/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2008 này, biện pháp trọng tâm hàng đầu của những người làm công tác bảo đảm ATGT là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ATGT và đặc biệt là xây dựng và tổ chức cuộc vận động văn hóa trong giao thông.
Năm 2008 này, biện pháp trọng tâm hàng đầu của những người làm công tác bảo đảm ATGT là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ATGT và đặc biệt là xây dựng và tổ chức cuộc vận động văn hóa trong giao thông.
Giao thông không tách rời văn hóa
Với những kết quả khả quan đạt được của công tác bảo đảm ATGT những tháng cuối năm 2007 vừa qua, đặc biệt là từ khi Nghị quyết 32 của Chính phủ được ban hành thì ý thức của đại bộ phận người tham gia giao thông đã được nâng lên một bước rõ rệt. Ví dụ điển hình nhất cho điều này chính là việc chấp hành đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường từ ngày 15/12/2007. Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị ATGT toàn quốc ngày 24/1 vừa qua cũng đánh giá rất cao ý thức của người tham gia giao thông trong việc đội MBH thời gian vừa qua.
Trước đây, đại bộ phận những người đội MBH chỉ là mang tính đối phó, khi thấy CSGT thì chạy lòng vòng. Điều này thật sự rất đáng buồn, CSGT kiểm tra, xử lý là giúp chính những người tham gia giao thông bảo vệ sức khỏe và tính mạng mình nhưng họ lại tìm mọi cách để đối phó. Tuy vậy, từ ngày 15/12/2007, tình hình đã được cải thiện đáng kể, người nào người nấy ra đường ngồi trên mô tô, xe gắn máy đều tự giác đội trên đầu chiếc MBH. Người nào không thực hiện thì bị coi như “có vấn đề về thần kinh” và trở nên lạc lõng trước mọi người.
Hầu hết người tham gia giao thông đều chấp hạnh quy định đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, cốt lõi nhất của công tác bảo đảm ATGT chính là việc tuyên truyền, vận động để mọi người dân tham gia giao thông tự giác thực hiện. Nếu người dân không có ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật ATGT, vi phạm diễn ra tràn lan thì TNGT không thể giảm.
Theo quan niệm của rất nhiều người thì văn hóa giao thông là một thứ gì đó rất cao xa và khó có thể đạt được trong thời điểm hiện nay ở Việt Nam nhưng theo Tiến sĩ Tuenjai Fukuda, chuyên gia của JICA về văn hóa giao thông cho rằng, thuật ngữ văn hóa giao thông chính là nâng cao ý thức và thái độ về an toàn đối với mỗi người tham gia giao thông.
Ngoài ra, văn hóa giao thông còn là công tác quản lý của các cơ quan quản lý thực hiện một cách tổng thể, toàn diện và thường xuyên, liên tục đối với cả cộng đồng. Giao thông không thể tách rời khỏi văn hóa. Tuy nhiên, để biến hành vi thiếu an toàn sang hành vi an toàn phải có thời gian và nỗ lực của cả các cơ quan quản lý Nhà nước và người dân. Mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng là rất quan trọng. Nếu mối quan hệ này diễn ra hai chiều thì quá trình hình thành ý thức và văn hóa giao thông sẽ dễ dàng hơn.
Chính vì vậy trong năm 2008 này, Uỷ ban ATGT Quốc gia coi công tác tuyên truyền giáo dục và đặc biệt là xây dựng văn hóa giao thông là một nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu.
Nội dung chủ yếu của cuộc vận động văn hóa giao thông trong năm 2008 sẽ tập trung vào các vấn đề nóng bỏng nhất của tình hình trật tự ATGT hiện nay như: Thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ; Đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy; Hành lang bảo vệ công trình giao thông, vỉa hè cho người đi bộ; Không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia; Đi đúng phần đường, làn đường; Đạo đức nghề nghiệp, lương tâm, trách nhiệm của người lái xe khách.
Tuyên truyền đi liền xử phạt
Để thực hiện cuộc vận động văn hóa trong giao thông, thời gian tới, Uỷ ban ATGT Quốc gia cùng với các tổ chức chính trị- xã hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia hưởng ứng. Đồng thời với đó, các cơ quan chức năng cũng tổ chức vận động tất cả cán bộ, công chức Nhà nước thực hiện nghiêm quy định của pháp luật ATGT và tham gia giao thông văn hóa để làm gương cho người dân cả nước.
Xử phạt nghiêm những người vi phạm
Tuy nhiên, một điểm khác theo các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa giao thông thì để xây dựng được văn hóa giao thông thực sự thì ngoài việc tuyên tuyền vận động thì việc xử phạt nghiêm minh cũng có vai trò quyết định.
Chỉ cần trực tiếp tham gia giao thông ở Việt Nam trong vài giờ đồng hồ, bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy sự “thiếu văn hóa” của người tham gia giao thông. Các phương tiện tham gia giao thông trên đường mạnh ai nấy đi, không phân biệt làn đường, vạch phân làn, vượt xe khác chẳng theo bất kỳ một quy định nào.
Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, bóp còi inh ỏi,… diễn ra “như chuyện thường ngày” ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt tại những nơi không có CSGT. Thậm chí với nhiều người, tâm lý đối phó đã ngấm vào máu và rất khó để từ bỏ. Do vậy, các cơ quan chức năng và đặc biệt là lực lượng CSGT phải kiên trì và xử phạt mạnh tay với tất cả các trường hợp vi phạm góp phần xây dựng văn hóa thực sự trong giao thông ở Việt Nam.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)