Không có chuyện học sinh bị đuổi học nếu tái phạm Luật Giao thông nhiều lần

Thứ sáu, 11/03/2016 07:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm kiềm chế tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội vừa ban hành Quy định xử phạt học sinh vi phạm giao thông, trong đó có nội dung "Những trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe" đang gây nhiều ý kiến tranh luận. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia về vấn đề này.

Ảnh

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ
về chuyện học sinh bị buộc thôi học 1 tuần nếu tái phạm luật giao thông nhiều lần

Mặc dù Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với Nhà trường bảo đảm trật tự, ATGT, nhưng ý thức chấp hành của phụ huynh và học sinh chưa cao. Trước tình hình trên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 925/ KH-SGD&ĐT ngày 07/03/2016, trong đó hình thức kỷ luật cao nhất đối với học sinh THCS và THPT trên địa bàn Thủ đô nếu tái phạm nhiều lần Luật Giao thông là bị buộc thôi học 7 ngày chứ không phải là bị đuổi học.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ, ông cũng từng làm việc trong Ngành Giáo dục, có thời gian làm quản lý trong giáo dục, ông thấy trong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có từ đuổi học mà chỉ có quy định buộc thôi học có thời hạn như 1 ngày, 1 tuần theo điều kiện cụ thể của hành vi vi phạm, yêu cầu gia đình có trách nhiệm trong việc giáo dục, nhắc nhở đảm bảo các điều kiện để học sinh đảm bảo thực hiện các quy định liên quan của pháp luật về trật tự ATGT.

“Hiện nay đối với học sinh tiểu học đến THPT có những quy định pháp luật về ATGT cần quan tâm thực hiện như: về đội mũ bảo hiểm, về đi bộ, quy định đi xe đạp đến trường, đặc biệt gần đây xuất hiện học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện. Học sinh cũng không được điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa có giấy phép lái xe. Đó là những hành vi được xem xét như vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT. Rõ ràng trong kế hoạch của các Sở Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục đều có yêu cầu học sinh ký cam kết về việc thực hiện các quy định trên. Nếu học sinh vi phạm, một mặt là vi phạm quy định pháp luật, mặt khác vi phạm cam kết mà học sinh, phụ huynh ký với nhà trường, vi phạm bị xử lý bởi các cơ quan thực thi pháp luật. Khi nhà trường có giáo dục, nhắc nhở nhiều lần mà vẫn vi phạm thì có những chế tài”, ông Hùng cho biết.

Bên cạnh đó, ông Khuất Việt Hùng chắc chắn rằng, học sinh vi phạm đến mức buộc thôi học một thời gian là vô cùng hiếm. Thông thường, khi các em học sinh vi phạm, nhà trường có nhắc nhở, có hình thức kỷ luật liên quan đến hạnh kiểm thì chắc chắn các em sẽ có điều chỉnh. Khi các phụ huynh đã cam kết mà biết con mình vi phạm, nhà trường có nhắc nhở thì chắc chắn họ sẽ điều chỉnh. Trường hợp buộc thôi học một thời gian chắc chắn rất cá biệt vì lý do nào đó nên các em mới tái phạm như vậy.

“Tôi nghĩ những người ban hành quy định hình thức buộc thôi học trong Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc chắn cũng không ai mong chờ hành vi này xảy ra. Chúng tôi rất mong các cơ quan truyền thông khi đưa tin thì đưa rõ và chính xác nội dung văn bản của Ngành Giáo dục. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động người dân, đặc biệt các em học sinh và các bậc cha mẹ cần phải quan tâm. Bởi vì, Ngành Giáo dục ban hành quy định này nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ đến các bậc phụ huynh cần phải quan tâm đến an toàn về sinh mạng cũng như việc giáo dục những kỹ năng thực hành pháp luật để bảo vệ sức khỏe, sinh mạng cho con em mình; giáo dục con em có thói quen hiểu biết và thực thi các quy định của pháp luật trong đó có quy định pháp luật về trật tự ATGT”, ông Khuất Việt Hùng trăn trở.

Tại Khoản 2, Điều 42, Chương V của Điều lệ Trường THCS, trường THPH và trường phổ thông có nhiều cấp học, ban hành kèm theo Thông tư  số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn.

Xuân Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)