“Nạp” văn hóa, phát huy “vũ khí mềm”, nâng cao lòng tự trọng khi tham gia giao thông…” - đó là thông điệp giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông do Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam muốn gửi gắm.
Hát xẩm tuyên truyền an toàn giao thông.
Mỗi người tự “nạp” văn hóa giao thông
Nói về văn hóa giao thông, GS Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nhấn mạnh, Luật An toàn giao thông có thể được hoàn thiện hàng ngày, các điểm đen trên các cung đường giao thông có thể được thường xuyên khắc phục, nhưng văn hóa giao thông chỉ có thể được hình thành nếu mỗi chúng ta tự giác… “nạp” cho mình văn hóa giao thông.
Theo GS Hoàng Chương, trong văn hóa giao thông có 3 tiêu chí: hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Những hành vi thiếu văn hóa trong giao thông được thể hiện rất đa dạng và phức tạp. Có thể nêu lên một số nhóm hành vi vi phạm luật giao thông gây nên sự phản cảm và tiềm ẩn những tai nạn nghiêm trọng cho người cùng tham gia giao thông và cho chính bản thân người điều khiển phương tiện không đúng luật.
Người điều khiển phương tiện giao thông: vượt đèn đỏ, đi xe vào đường ngược chiều, đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện cơ giới, chở hơn 2 người trên xe máy, sử dụng phương tiện cơ giới không có đèn, không có tín hiệu xin đường khi chuyển làn, chuyển hướng;đi không đúng phần đường của loại phương tiện điều khiển, đi xe quá tốc độ cho phép, lạng lách, đánh võng, bóp còi inh ỏi, vừa điều khiển xe vừa nghe nhạc, điện thoại... thậm chí là đua xe trái phép, hành hung cảnh sát giao thông khi bị dừng xe vì vi phạm luật giao thông...
Người gây cản trở giao thông: họp chợ, buôn bán trái phép, lấn chiếm lòng đường vỉa hè; đổ vật liệu xây dựng, phế thải trên đường giao thông; mang vật cồng kềnh quá giới hạn cho phép, gây cản trở tầm nhìn và tầm hoạt động cho các phương tiện khác; đi bộ sang đường không đúng vạch vôi quy định; tụ tập đông người dưới lòng đường, vỉa hè trước cửa trường học, bệnh viện, nhà hát...; đặc biệt nguy hiểm là hành vi tự mở đường ngang qua đường sắt.
Người tham gia, điều hành, quản lý giao thông: nhận tiền hối lộ của người vi phạm luật giao thông; điều hành giao thông thiếu kiên quyết,thiếu tôn trọng người tham gia giao thông; không mạnh dạn sáng tạo bổ sung, chỉnh sửa kịp thời những sai sót trong nội dung công việc do mình quản lý gây thiệt hại về người và của cho nhân dân.
“Vũ khí mềm” chống lại tai nạn giao thông
Trong những năm qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có nhiều giải pháp khác nhau, một trong những gải pháp lâu dài chữa trị tận gốc căn bệnh đó chính là xây dựng văn hóa giao thông. Năm 2017, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra chủ đề “Văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên và học sinh”. GS. Hoàng Chương cho hay tiếp tục thực hiện “vũ khí mềm”- đó là đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giao cho Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam triển khai Dự án Văn hóa giao thông từ năm 2010 và đang tiếp tục thực hiện tới sau năm 2020, tiếp tục huy động sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hóa nghệ thuật, các nhà báo, trí thức văn nghệ sĩ cả nước vào cuộc cùng xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cho cộng đồng bằng các chương trình phù hợp sinh động, thiết thực, hấp dẫn, góp phần làm cho văn hóa giao thông thâm nhập sâu vào đời sống của nhân dân, tạo nên ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông tạo ra nếp sống văn minh cao trong tham gia giao thông của cộng đồng.
Thời gian qua, các cơ quan thông tin đại chúng đã biểu thị sự chia sẻ, hợp tác mạnh mẽ bằng một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi về đề tài văn hóa giao thông từ báo viết, báo hình, báo nói, báo mạng...
Cho đến nay đã có hàng nghìn bài viết về văn hóa giao thông trên hầu hết các mặt báo và trang mạng đã có trên 20 chương trình hài kịch, 4 vở kịch dài đã phát trên truyền hình từ Trung ương tới địa phương. Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức các hội thảo khoa học ở các tỉnh, in nhiều sách và đĩa hình về văn hóa giao thông. Đồng thời, Trung tâm đã tổ chức biểu diễn múa rối nước và âm nhạc dân tộc ở một số trường học tại Hà Nội, tuyên truyền sâu rộng về Văn hóa giao thông trong thế hệ trẻ.
Trung tâm đã phát động thiếu nhi toàn quốc vẽ tranh chủ đề Văn hóa giao thông. Hằng năm, đã có trên 3000 bức tranh từ các tỉnh gửi về, góp phần tuyên truyền văn hóa giao thông lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật”, Trung tâm có các chương trình nghệ thuật hết sức độc đáo mới lạ và hấp dẫn, với hình thức nghệ thuật dân tộc đó là múa rối nước, hát xẩm, hát văn, quan họ Bắc Ninh được các nghệ sĩ thể hiện một cách khéo léo tài tình khi lồng ghép văn hóa giao thông vào chương trình nghệ thuật.
Đó là múa rối của NS Phan Thanh Liêm, là hát xẩm của nhóm xẩm Hà thành Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Nguyễn Văn Minh, NSUT Thùy Linh, Ngọc Sơn và NSUT Trung Sinh. Năm 2017, Trung tâm cho ra mắt MV nghệ thuật “Văn hóa giao thông” với 7 ca khúc hấp dẫn: “Mười nhớ”, “Con đường Việt Nam”, “Mười đặc trưng văn hóa giao thông”, “Lời dặn khi tham gia giao thông”, “Con đường vui”, “Người tình nguyện”, “Nghe lời em nói”…
Mọi sự chi phối trong cuộc sống đều là văn hóa. Còn bao lâu mới thực hiện được văn hóa giao thông thì không thể đo đếm bằng thời gian. Điều đó là câu chuyện lâu dài, phải làm văn hóa thấm sâu vào ý thức của tất cả mọi người trong xã hội.