Hoạt động theo mô hình “Bến tàu văn hóa - an toàn”, nhiều bến phà, bến tàu trong tỉnh Kiên Giang được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Ý thức đảm bảo an toàn giao thông của các chủ phương tiện và người lái phà, lái tàu nâng cao, giúp nhân dân có những chuyến sang sông, vượt biển an toàn.
Những ngày này, tại bến phà Xáng Cụt, xã Vĩnh Phước B - Vĩnh Thắng (huyện Gò Quao), người và xe qua lại bắt đầu tăng so ngày thường. Chủ bến phà đang tích cực chuẩn bị phương tiện và phân công người trực lái phà để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong những ngày giáp tết. Ông Kiều Tấn Phú - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lộc Phú (Châu Thành), chủ bến phà Xáng Cụt cho biết: “Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tôi phân công người trực 24/24 giờ tại phà. Đồng thời, phân công 1 người bộ phận sửa chữa máy trực để kịp thời sửa chữa khi phà gặp sự cố”.
Bến phà Xáng Cụt được công nhận “Bến tàu văn hóa - an toàn” đầu tiên của tỉnh Kiên Giang năm 2012. Chủ bến phà nhận thức rõ về trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho khách sang sông, chấp hành nghiêm các quy định của ngành chức năng và địa phương, trang bị đầy đủ các dụng cụ cứu hộ, cứu sinh khi chở khách. Ngày thường, phà Xáng Cụt hoạt động 1 phà. Những ngày tết, phà tăng thêm chuyến và hoạt động 24/24 giờ, không để hành khách phải ở lại bến qua đêm vì lỡ chuyến. 15 năm lái phà tại bến phà Xáng Cụt là ngần ấy năm anh Lê Cô Líl - thuyền trưởng phà KG-57.579 không đón giao thừa cùng gia đình. Tay thao tác nhuần nhuyễn các động tác lái phà, mắt quan sát liên tục, anh Lê Cô Líl chia sẻ: “Tết đến, nhìn mọi người cùng gia đình vui xuân, đón tết, tôi cố gắng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân”.
Với phương châm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, ông Nguyễn Thanh Toàn - quản lý bến đò chẹt tại bến phà Tắc Cậu, xã Bình An (huyện Châu Thành) cho biết, bến đò chuẩn bị các phương tiện ở mức tốt nhất để đưa đón khách trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Các phương tiện được quản lý bến đò bảo dưỡng, sửa chữa và bổ sung các trang thiết bị cứu sinh. Theo anh Nguyễn Huỳnh Đương - thuyền trưởng phà ĐT-14.358 tại bến phà Tắc Cậu, phà chở khách qua lại 2 cồn thuộc ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Phú - ấp An Ninh và ấp Minh Phong, xã Bình An (Châu Thành). Ngày thường phà chỉ hoạt động 1 phà, những ngày cận tết, hoạt động 3 phà, đồng thời tăng cường thêm nhân viên để chạy tăng chuyến.
Có nhà chờ, niêm yết giá vé, có đường lên xuống thuận tiện, an toàn cho hành khách là ưu điểm của Bến thủy nội địa Tiến Triển, nằm trên địa bàn xã Bình An (Kiên Lương) được nhiều người dân đánh giá cao. Bến thủy nội địa Tiến Triển hoạt động từ tháng 4/2017, đến đầu tháng 11/2019 được công nhận là “Bến tàu văn hóa - an toàn”. Hiện tại bến có 10 phương tiện, đưa đón du khách từ bờ ra các đảo thuộc quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương). Ban quản lý Bến thủy nội địa Tiến Triển đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí của mô hình văn hóa giao thông đường thủy. Theo ông Hà Mỹ Khiêm - thành viên Ban quản lý Bến thủy nội địa Tiến Triển, thời gian tới, bến sẽ quản lý tốt điều kiện hoạt động và thực hiện tốt các quy định đối với hành khách đi tàu. Bến thường xuyên nhắc nhở nhân viên quản lý bến, thuyền trưởng, thuyền viên và hướng dẫn viên nêu cao tinh thần trách nhiệm và thực hiện văn hóa ứng xử trong tham gia giao thông, phục vụ du khách.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Kiên Giang, thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn năm 2016-2020, đến nay toàn tỉnh có 8 bến đò, 2 bến phà được công nhận “Bến tàu văn hóa - an toàn”. Thượng tá Võ Việt Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh nhận định, hoạt động của các bến đò, bến phà đảm bảo an toàn cho người, phương tiện qua lại. Các bến này không để xảy ra tệ nạn xã hội, không xảy ra tai nạn giao thông. Các phương tiện được doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp và sửa chữa mới hàng năm, đồng thời được đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Tinh thần phục vụ, thái độ ứng xử của chủ bến, nhân viên phục vụ được nâng lên.