Hưởng ứng Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, 5 năm qua (2015 - 2020), nhiều mô hình văn hóa giao thông đường thủy (GTĐT) đã ra đời, góp phần nâng cao ý thức và hành động của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia GTĐT.
Xây dựng 11 mô hình
Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 52 bến thủy nội địa. Các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hầu hết đều nằm trong các đầm, vịnh ven biển, luồng chạy tàu trùng một phần hoặc hoàn toàn với luồng hàng hải. Các tuyến đều xuất phát từ bến đầu mối chủ yếu phục vụ khách tham quan biển, đảo vịnh Nha Trang (Bến tàu du lịch Cầu Đá), vịnh Vân Phong (bến Vạn Giã), vịnh Cam Ranh (bến thủy nội địa cảng Cam Ranh)…
Thượng tá Trần Thị Tư - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động cho biết, mỗi năm có hàng triệu lượt khách, chủ yếu là khách du lịch tham gia lưu thông bằng phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Du lịch biển Khánh Hòa chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác kinh tế biển. Vì vậy, việc tổ chức xây dựng các mô hình văn hóa GTĐT rất cần thiết. Từ đây, vừa hình thành nên ý thức của người dân, du khách khi tham gia GTĐT vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Bến tàu dân sinh Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.
Theo Ban chỉ đạo cuộc vận động, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng được 11 mô hình văn hóa GTĐT. Trong đó, có 5 mô hình trong cơ quan, doanh nghiệp: Đội Cảnh sát đường thủy, Công ty Long Phú, Bến tàu du lịch Cầu Đá, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến Sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Vinpearl; 6 mô hình ở khu dân cư: xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh - 2 mô hình), thôn Đông (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa), Vũng Ngán, Cảng cá Vĩnh Lương và Cầu Bóng (TP. Nha Trang). Đặc biệt, 3 mô hình: Bến tàu du lịch Long Phú, Bến tàu du lịch Cầu Đá và Bến tàu Công ty Cổ phần Vinpearl được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cấp giấy chứng nhận mô hình đạt tiêu chuẩn “Văn hóa GTĐT” 3 năm 2016 - 2018. Ban Chỉ đạo cuộc vận động đánh giá, tuy mỗi mô hình có những điều kiện, tình hình và nét đặc trưng riêng, nhưng đã bám sát thực tế của địa phương, đề ra những chủ trương, giải pháp hay, cách làm tốt tạo được sự đồng thuận đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Tăng cường xử lý vi phạm
Song song với việc xây dựng mô hình điểm, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa. Qua đó, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã tổ chức hơn 3.000 ca với hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ kiểm tra thường xuyên tại các bến và tuần tra, kiểm soát lưu động các tuyến biển đảo trong vịnh Nha Trang, tuyến Đá Bạc đi đảo Bình Ba, Bình Hưng, giữ gìn trật tự tại bến tàu du lịch Cầu Đá, Long Phú (TP. Nha Trang), bến Đá Bạc, cảng Cam Ranh (TP. Cam Ranh), bến tàu Vạn Giã, đảo Điệp Sơn (huyện Vạn Ninh). Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 910 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước số tiền gần 440 triệu đồng.
Ngoài ra, thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính, các lực lượng chức năng đã tuyên truyền Luật GTĐT cho hơn 18.500 lượt người là thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên.
Theo Thượng tá Trần Thị Tư, thời gian tới, các địa phương, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trật tự ATGT đường thủy nội địa; thường xuyên tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm, hướng dẫn người dân thực hiện theo quy định khi tham gia hoạt động GTĐT nội địa. Đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện đường thủy không bảo đảm an toàn và người điều khiển phương tiện không đủ các điều kiện theo quy định; xây dựng ý thức tự giác, thái độ ứng xử có văn hóa khi tham gia hoạt động GTĐT nội địa.
Ông Nguyễn Trọng Hiến - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Khánh Hòa đánh giá, Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã phát huy hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ và nhân dân, làm chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động người dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; nâng cao ý thức vì cộng đồng của mỗi cá nhân cũng như trách nhiệm về thái độ ứng xử có văn hóa của cán bộ, nhân viên lực lượng chức năng quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường thủy nội địa. Tình trạng lôi kéo, cò mồi, tranh giành khách… tại các bến du lịch được khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. 5 năm qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn GTĐT.