Thời gian qua, toàn huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và thực hiện nếp sống văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó góp phần ổn định trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, với mục tiêu tiến tới giảm tai nạn giao thông một cách bền vững.
Một góc trung tâm hành chính huyện Hàm Thuận Bắc
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện với trách nhiệm là thành viên của Ban An toàn giao thông huyện, luôn xác định công tác đảm bảo an toàn giao thông là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo an ninh trật tự địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã triển khai trong hệ thống Mặt trận nhiều văn bản nhằm phối hợp tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Mặt trận huyện còn phối hợp với Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện chỉ đạo gắn xây dựng gia đình, khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông với các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa trong cuộc vận động. Đồng thời, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng và thực hiện Tháng cao điểm an toàn giao thông hàng năm.
Thông qua việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho mỗi người dân khi tham gia giao thông. Đồng thời xác định việc thực hiện các nội dung đảm bảo trật tự an toàn giao thông là một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu thôn, khu phố vào cuối năm. Nhiều địa phương đã xây dựng, tổ chức triển khai có hiệu quả mô hình tổ tự quản về trật tự an toàn giao thông, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm, giữ vững ổn định trật tự an toàn giao thông tại địa bàn dân cư.
Tuy nhiên, ý thức tự giác chấp hành kỷ luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông tại huyện còn yếu. Từ đó dẫn đến tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Do vậy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn đang là vấn đề mà cả hệ thống chính trị và người dân tại địa phương quan tâm. Công tác giáo dục tuyên truyền pháp luật giao thông một số nơi còn hạn chế, nhất là công tác quản lý giáo dục của gia đình đối với thanh thiếu niên. Từ đó làm gia tăng các vụ việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là ở các xã vùng cao.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với nhiều hình thức và nội dung phù hợp để người dân nhận thức rõ về hiểm họa tai nạn giao thông; trong đó tập trung tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng nhiều biện pháp, hình thức phù hợp tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện quy định về việc không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, trong khi làm nhiệm vụ và trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu chấp hành và tuyên truyền pháp luật về giao thông phải được tổ chức thường xuyên bằng nhiều phương pháp thiết thực, hiệu quả. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật về giao thông trong trường học. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh, sinh viên tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông…