Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người chết ở Phú Thọ một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng TNGT trong lứa tuổi thanh thiếu niên.
Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 22h25’ tối ngày 21/9, tại Km15+050, ĐT321C (thuộc khu Hạ Khê, xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê) giữa 4 xe máy.
Hậu quả là 5 người tử vong, 2 người còn lại bị thương được đưa đi cấp cứu. Tất cả nạn nhân đều có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 14 đến 18 tuổi.
Hiện trường vụ TNGT khiến 5 người chết, 2 người bị thương ở Phú Thọ
Nguyên nhân ban đầu được cơ quan công an xác định là do các nạn nhân điều khiển xe mô tô với tốc độ cao, không làm chủ được tay lái.
Nguyên nhân cuối cùng là gì, do ai, chắc chắn cơ quan công an sẽ kết luận trong thời gian tới. Tuy nhiên, vụ tai nạn đã để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình, người thân, thầy cô, bạn bè của các nạn nhân. Nếu không có xe máy, không phóng với tốc độ cao, có lẽ nỗi đau này đã không xảy ra.
Cũng trong đêm Trung thu (21/9), một nhóm “quái xế”, chỉ từ 14 - 18 tuổi, đều trú tại địa bàn TP Vinh (tỉnh Nghệ An), hẹn nhau tụ tập quanh khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh để đi chơi.
Trong số đó, nhiều phương tiện được che hoặc không gắn biển số; thanh thiếu niên ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách gây mất ATGT.
May mắn thay, vụ việc đã được lực lượng CSGT Công an TP Vinh phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời nên không có hậu quả gì đáng tiếc.
Lâu nay, tình trạng thanh thiếu niên điều khiển xe máy tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện diễn ra khá phổ biến. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, xuất phát từ việc các em chưa đủ kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông.
Đáng nói, nhiều em không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn tín hiệu, lạng lách, đánh võng, không chú ý quan sát khi chuyển hướng..., thậm chí hẹn nhau qua mạng xã hội, tụ tập thành từng nhóm rồi tổ chức đua xe trái phép. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, nhiều nhóm còn tính toán kỹ lưỡng để thay đổi liên tục về địa điểm, cung đường.
Chưa hết, để dễ dàng di chuyển với tốc độ cao, biểu diễn các “kỹ xảo”, nhiều phương tiện đã được chính các em xin tiền bố mẹ để “độ” nhằm thay đổi hình dáng và kết cấu.
Để nâng cao các “kỹ năng” đi xe 1 bánh, đánh võng và lạng lách, không ít em sẵn sàng bỏ tiền ra thuê các “đàn anh, đàn chị” về chỉ dạy. Điển hình như nhóm “quái xế” bị Công an thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) phát hiện và bắt giữ vào giữa tháng 5/2021.
Sau khi bị bắt giữ, được hỏi, các em đều có một câu trả lời khá chung nhau: Mục đích chỉ là "để cho oai", để quay video đăng lên Facebook, TikTok câu view… mà chưa nhận thức được rằng hành động, việc làm của mình có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất ANTT - ATGT, tiềm ẩn nguy hiểm cho mọi người và chính bản thân mình.
Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, song chắc chắn một điều là nó không chừa một ai.
Đặc biệt, với tâm lý lứa tuổi vị thành niên, cộng với việc thiếu kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, hạn chế về nhận thức pháp luật về an toàn giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người trẻ luôn rất cao.
Vì thế, việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành ATGT trong thanh, thiếu niên đang là vấn đề đặt ra. Ngoài những nỗ lực của các cấp, ngành chức năng thì vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng.
Để góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong độ tuổi này, gia đình và các nhà trường cần coi việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản khi tham gia giao thông cho học sinh là vô cùng quan trọng, cấp thiết.
Đặc biệt, kiên quyết không giao xe khi con em chưa đủ điều kiện, chưa được phép điều khiển tham gia giao thông. Nếu không, tai nạn không chỉ xảy ra đối với chính các em mà còn có nguy cơ xảy ra đối với những người khác.
Chỉ có như vậy mới có thể ngăn được những cái chết thương tâm, đau đớn.