Thời gian gần đây, khi học sinh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến, tình trạng không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi xe đạp điện, xe gắn máy, điều khiển xe máy tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện… và một số lỗi vi phạm khác lại diễn ra phổ biến.
Một phụ huynh chở quá số người quy định
và có đến 3 học sinh ngồi trên xe đều không đội MBH
Tái diễn vi pham
Những năm qua, công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Trong đó, nhiều trường học tăng cường giảng dạy chính khóa và cả các hoạt động ngoại khóa, tổ chức nói chuyện chuyên đề, cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, phối hợp với Cảnh sát giao thông tuyên truyền về ATGT dưới cờ. Hoạt động này được phần đông học sinh đón nhận và mang lại tác động tích cực, tạo được chuyển biến từ nhận thức đến hành vi. Từ đó, đa phần học sinh có ý thức tốt trong việc tuân thủ các quy tắc giao thông đường bộ, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một bộ phận học sinh tái diễn các hành vi vi phạm. Đặc biệt là sau thời gian trở lại học trực tiếp, tình trạng học sinh bậc THCS và THPT vi phạm các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ diễn ra hầu hết ở các cổng trường. Đa số tập trung vào nhóm hành vi: Không đội MBH khi đi xe gắn máy, xe máy điện; điều khiển xe chạy ngược chiều, chở quá số người quy định; thậm chí có những học sinh điều khiển xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Mặc dù lực lượng chức năng có tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý những trường hợp vi phạm, song một phần do tình hình dịch, hoạt động tuần tra xử lý bị ảnh hưởng nên tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông lại diễn ra phổ biến. Tình trạng này không chỉ gia tăng các nguy cơ mất an toàn cho học sinh và những người cùng lưu thông, mà còn là những hình ảnh phản cảm ở các cổng trường, trên các tuyến đường giao thông.
Khi phụ huynh... cũng vi phạm
Nhiều người dân bức xúc phản ánh, không chỉ học sinh vi phạm Luật Giao thông mà không ít phụ huynh hiện nay cũng… vi phạm với con em mình. Thay vì thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em, nêu gương sáng và điều chỉnh những thói quen xấu, vi phạm pháp luật cho con thì một số phụ huynh lại thản nhiên vi phạm các quy định trước mặt con cái. Điển hình nhất là hành vi phụ huynh điều khiển mô tô, xe máy chở học sinh không đội MBH. Quan sát tại nhiều cổng trường trên địa bàn TP. Bạc Liêu, không khó để phát hiện nhiều phụ huynh đưa đón con bằng xe máy nhưng không cho con đội MBH theo quy định bắt buộc. Thậm chí, để “đi nhanh, về nhanh”, một số phụ huynh còn điều khiển xe đi ngược chiều, chở quá số người quy định, đậu đỗ xe ngay dưới lòng đường…
Để giải quyết tình trạng mất ATGT ở các cổng trường, nhất là tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông, theo chỉ đạo của ngành Giáo dục, các trường đều tổ chức cho phụ huynh, học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự ATGT vào đầu năm học. Đối với những học sinh vi phạm Luật Giao thông, theo quy định, sau khi xử lý lập biên bản, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về trường nơi học sinh theo học, nhà trường căn cứ vào thông báo này để kiểm điểm, hạ bậc hạnh kiểm đối với học sinh. Song, trên thực tế, việc vi phạm của học sinh rất hiếm khi được lực lượng chức năng gửi thông báo về trường (vì nương nhẹ, cả nể), do đó hình thức răn đe này không phát huy được tác dụng, dẫn đến việc tái diễn các hành vi vi phạm.
Phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (TP. Bạc Liêu)
không đội MBH khi đi mô tô, xe máy
Mất ATGT ở các cổng trường hay học sinh vi phạm pháp luật về ATGT không còn là câu chuyện xa lạ nữa, nhưng vẫn chưa có hồi kết. Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, một phần nguyên nhân là do sự thiếu kiên quyết trong quản lý, xử lý học sinh vi phạm của các trường; trong khi vẫn còn nhiều phụ huynh chưa thật sự nêu gương trong tham gia giao thông. Do đó, không chỉ nhà trường, mà cả phụ huynh cần quan tâm giáo dục, điều chỉnh, uốn nắn nhận thức, hành vi cho học sinh, con em mình. Đặc biệt, mỗi cha mẹ phải là tấm gương sáng về chấp hành pháp luật để học sinh noi theo. Và hơn hết, các hành vi vi phạm cần được lực lượng chức năng phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, đến nơi đến chốn để hình thành thói quen thượng tôn pháp luật cũng như đảm bảo tốt trật tự ATGT.