Những năm qua, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trở thành một nét đẹp văn hóa được các trường học, phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tham gia, hưởng ứng. Mô hình này đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực trường học và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Thái Nguyên) tuyên truyền
về Luật An toàn giao thông cho các em học sinh Trường THPT Gang Thép
Những năm đây, Trường THPT Gang Thép (TP. Thái Nguyên) vẫn còn tình trạng học sinh không chấp hành tốt Luật Giao giao thông đường bộ; một số phụ huynh khi đưa đón con chưa tuân thủ quy định khi sang đường và chuyển hướng gây ùn tắc và thiếu an toàn. Số lượng học sinh đông trong khi đường vào trường rất hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” những chuyển biến tích cực đã được ghi nhận.
Là thành viên tổ tự quản của Trường THPT Gang Thép, cứ 11 giờ 30 phút mỗi ngày, em Trần Huyền Trang, học sinh lớp 11A1, đều khẩn trương tập trung tại khu vực cổng trường để thực hiện nhiệm vụ. Trang chia sẻ: “Để tham gia vào tổ tự quản, em đã tự tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ cũng như các tình huống để xử lý khi gặp vấn đề về an toàn giao thông và hướng dẫn vị trí gửi xe cũng như giải quyết tình huống cho các bạn học sinh, đồng thời học thêm cách ứng xử văn minh khi tham gia giao thông”.
Để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình, sau khi thành lập Tổ tự quản “Cổng trường an toàn giao thông”, Trường THPT Gang Thép đã quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện nghiêm túc quy định không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định về đội mũ bảo hiểm; không điều khiển xe khi không có giấy phép lái xe và tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường bộ; lồng ghép nội dung giáo dục an toàn giao thông trong các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết với Nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi không có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông và điều khiển xe đạp điện, xe máy điện. Nhà trường tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết thực hiện Luật Gia thông đường bộ; chủ động phối hợp với Công an phường Trung Thành, các hộ dân giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực cổng trường.
Tổ tự quản duy trì trực tại khu vực cổng trường vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc giao thông; phối hợp với công an xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh. Sau 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại những chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức tham gia giao thông đối với các cán bộ, giáo viên và học sinh.
Em Nguyễn Trọng Thịnh, lớp 12A, Trường THPT Gang Thép cho hay: “Em thấy mô hình rất hữu ích, hiệu quả. Em đã được các bạn, thầy cô hướng dẫn từ việc nhỏ nhất như khi đến cổng trường thì dừng xe và dắt xe lên đến nhà xe, để đảm bảo an toàn giao thông. Em nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông, từ đó dần hình thành thói quen chấp hành quy định về an toàn giao thông”.
Sau 1 năm triển khai mô hình Tổ tự quản, học sinh Trường THPT Gang Thép
đã hình thành thói quen dừng xe và dắt xe khi qua cổng trường
Thầy giáo Phạm Bá Huân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép cho biết: “Sau khi có sự phối hợp giữa Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh với Trường THPT Gang Thép về mô hình Cổng trường an toàn giao thông, chúng tôi thấy đây là mô hình rất ý nghĩa, có sự chuyển biến tích cực của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về ý thức tham gia giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc ở cổng trường. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với Nhà trường thực hiện tốt công tác này; đề xuất cung cấp thêm pano, áp phích tuyên truyền về công tác an toàn giao thông để làm tốt công tác tuyên truyền cho các em học sinh trong thời gian tới”.
Tỉnh Thái Nguyên là địa phương tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, phổ thông cơ sở; nhận thức về an toàn giao thông của một số em học sinh cấp THPT, THCS còn hạn chế nhất định, gây mất an toàn giao thông. Để lan tỏa và nhân rộng mô hình này, Thượng tá Nguyễn Văn Toản, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin: Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an các phường, nhà trường đóng trên địa bàn để tổ chức, hướng dẫn tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, phối hợp chọn, xây dựng những mô hình tự quản về an toàn giao thông nhiều hơn để đảm bảo tốt việc chấp hành giao thông trong các nhà trường.