Triển khai các biện pháp bảo đảm giao thông dịp Tết

Thứ hai, 28/12/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Do nhu cầu đi lại của người dân vào dịp cuối năm tăng đột biến, kèm theo đó là tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ diễn biến phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ tai nạn giao thông cao. Trên cơ sở quy luật này,

Do nhu cầu đi lại của người dân vào dịp cuối năm tăng đột biến, kèm theo đó là tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ diễn biến phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ tai nạn giao thông cao. Trên cơ sở quy luật này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp Bộ Công an đã đề ra các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, ngăn chặn có hiệu quả tai nạn giao thông dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Theo thông lệ, vào thời gian cuối năm, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông gia tăng đột biến. Vì vậy, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ðối tượng bị kiểm soát gắt gao vẫn là lái xe ô-tô chở khách và các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT); xe chở quá tải, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy... 11 tháng qua, trong số các vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân tai nạn từ ô-ô chở khách chiếm tỷ lệ cao (22,4%), gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân với 29 vụ, làm chết 110 người.

TNGT đường sắt tăng về số người chết và số người bị thương với 391 vụ, làm chết 178 người, 259 người khác bị thương. Theo Bộ Công an, nguyên nhân dẫn đến tình hình trật tự, an toàn giao thông năm nay vẫn diễn biến phức tạp là do nhu cầu đi lại của người dân tiếp tục gia tăng, lượng phương tiện giao thông mới quá tải trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu. Cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém.

Trong dịp cuối năm, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành đẩy mạnh công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa mặt đường, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, kể cả các tuyến giao thông bị ảnh hưởng trong đợt lũ vừa qua. Ðồng thời, phối hợp cùng lực lượng CSGT kiểm tra, rà soát các "điểm đen", các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn để khắc phục kịp thời, bổ sung hoặc điều chỉnh biển báo hiệu, rà soát việc tổ chức khắc phục giao thông huyết mạch. Từ nay đến trước Tết Nguyên đán, các đơn vị khẩn trương hoàn thành việc phân làn lưu thông trên các tuyến có mật độ cao và tại các đoạn có nguy cơ xảy ra tai nạn. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Ðường sắt phối hợp Cục Ðường bộ kiểm tra các đường giao cắt, khắc phục các nguy cơ gây mất an toàn trên tất cả các điểm giao cắt bằng cách bổ sung biển báo bảo đảm an toàn, yêu cầu các phương tiện lưu thông trên đường bộ phải dừng lại quan sát khi qua đường sắt.

Cùng với đó, các sở GTVT phân làn lưu thông giữa ô-tô và các loại phương tiện khác trên đường đô thị trước ngày 31-1-2010 nhằm hạn chế ùn tắc và TNGT trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với việc cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn đến đội ngũ lái xe khách cũng được chú trọng. Hiệp hội vận tải ô-tô và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, ý thức tự giác chấp hành pháp luật đối với đội ngũ lái xe trong các doanh nghiệp vận tải.

Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của lái xe khách, đặc biệt là các lỗi nguyên nhân gây tai nạn như vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, vượt ẩu, sử dụng bia, rượu, chở khách quá số người quy định. Ðối với phương tiện đò ngang, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường thủy. Ngành GTVT phối hợp cùng các địa phương thực hiện đăng ký, đăng kiểm 100% số lượng đò ngang, đò dọc đang hoạt động và kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện, bảo đảm an toàn trong mọi tình huống. Ðồng thời, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ cặp phao hoặc dụng cụ cứu sinh cá nhân cho học sinh hằng ngày phải đi học bằng đò.

Bộ GTVT cũng ra văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập các bộ phận chuyên trách, tổ chức ứng trực phối hợp giữa các lực lượng vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện,... nhằm giải quyết nhanh các tình huống phát sinh. Trong các đợt cao điểm, các đơn vị bố trí phương tiện, nhân lực bảo đảm cho cán bộ, nhân dân đi lại nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, không để ai chậm về quê đón Tết do không có phương tiện. Ðồng thời, kiểm tra, giám sát tại các đầu mối giao thông như bến tàu, nhà ga để bảo đảm các điều kiện an toàn trước khi phương tiện xuất phát.

Chỉnh trang lại bến tàu, bến xe, hệ thống thông tin để hành khách nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết; triển khai sớm các hình thức bán vé, chống đầu cơ, buôn bán vé gây mất trật tự xã hội, quản lý giá cước vận tải,... Lực lượng CSGT phối hợp Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện xóa bỏ các "bến cóc" đón khách trái phép, ngăn chặn hoạt động của xe dù, xe chạy vòng vo ngoài bến đón khách, hiện tượng "bán" khách, hiện tượng "cơm tù" dọc đường. Các đơn vị thi công trên các tuyến đường trong dịp cuối năm phải có phương án tạm ngừng thi công trong những ngày cao điểm, hoàn trả mặt bằng để các phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn.

 

Theo Báo ND

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)