Truyền trao kỹ năng, hiểu biết

Thứ hai, 07/12/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Một ngày bình quân có 6 trẻ em bị tai nạn giao thông tại Việt Nam. Đây thực sự là con số gây giật mình. Trong khi đó, hàng rào bảo vệ trẻ em khỏi quốc nạn này vẫn còn mong manh. Đã đến lúc người lớn phải nghiêm túc nhìn nhận và sửa chữa...

Một ngày bình quân có 6 trẻ em bị tai nạn giao thông tại Việt Nam. Đây thực sự là con số gây giật mình. Trong khi đó, hàng rào bảo vệ trẻ em khỏi quốc nạn này vẫn còn mong manh. Đã đến lúc người lớn phải nghiêm túc nhìn nhận và sửa chữa sai lầm này một cách có hệ thống và bài bản. Cách tốt nhất là truyền trao cho các em kỹ năng cũng như hiểu biết về an toàn giao thông để các em "tự cứu mình".

Những khe hở…


Công bằng mà nói, VN quan tâm bảo vệ trẻ em bằng hình thức cao nhất, đó là luật hoá các quy định chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Song đây đó vẫn còn những khe hở cần được rào kín hơn. Đơn cử, việc đội MBH bắt buộc với người đi xe môtô đã loại đối tượng trẻ em. Tất nhiên vì những lý do bảo vệ xương sống cho trẻ em, nhưng vô tình từ một việc thiếu hiểu biết đã khiến có những trẻ em cùng đi với bố mẹ nhưng không đội MBH.

Khi tai nạn xảy ra, bố mẹ em thoát chết nhờ có đội MBH, song em thì vĩnh viễn ra đi bởi không có được sự bảo vệ của MBH. Đây là một câu chuyện rất đau lòng. Chính vì thế mới đây, Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã kiên quyết phạt người lớn chở trẻ em trên xe môtô, xe gắn máy không đội MBH. Đây được xem là một cách sửa chữa sai lầm kịp thời.

Ngoài ra, các điều luật như sẽ xử phạt tiền người lớn chở trẻ em trên xe ôtô mà không thắt dây an toàn, hoặc những khuyến cáo người lớn không nên chở trẻ em dưới 6 tuổi trên xe môtô, xe gắn máy nếu không thật cần thiết. Đồng thời, phải có biện pháp bảo vệ các em nhỏ vì các em chưa thể đội được MBH.

Nhiều khuyến cáo khác như trẻ em đi đò, tàu thuyền phải mặc áo phao. Khi chở trẻ em trên ôtô phải chốt cửa, không để các em có thể mở được. Khi cho trẻ em đi xe đạp, phải chọn loại xe đạp an toàn vừa với tầm vóc của các em và tốt nhất nên cho các em đội MBH.

Mặt khác, nên dạy các em các kỹ năng quan sát xử lý tình huống khi tham gia giao thông trên đường... Đây cũng là những cố gắng của các nhà quản lý để lấp đầy những khoảng trống trước đây trong việc bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn giao thông.

Trang bị kỹ năng giao thông cho trẻ em


Bảo vệ trẻ em là một việc cần nhưng chưa đủ. Người lớn cần phải nghiên cứu những phương thức hợp lý và hiệu quả nhất để trang bị hiểu biết cũng như kỹ năng giao thông cho trẻ em. Đây mới chính là cách bảo vệ trẻ em sâu gốc bền rễ. Hiện từ lớp mẫu giáo đến bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều có các tiết học về Luật Giao thông, an toàn giao thông... Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hành lại rất khó khăn vì môi trường giao thông hiện nay chưa chuẩn để các em được hành đúng như đã học.

Ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐTBXH - nêu ví dụ: Trường hợp ông Nguyễn Ngọc Quý - cử nhân luật, cán bộ văn phòng UBND phường Ngọc Khánh - đã gọi người đánh 3 bố con anh Nguyễn Ngọc Hưng khi va chạm giao thông. Chắc chắn, hai cháu bé đi cùng bố sẽ không hiểu nổi hành động côn đồ của ông cán bộ người lớn nọ và không khỏi ảnh hưởng đến ý thức của các cháu sau này.

Các em vẫn hằng ngày chứng kiến những cảnh vi phạm Luật Giao thông của cha mẹ, của người lớn thì khả năng những điều học được sẽ không còn giá trị nữa. Chính vì thế, có lẽ các nội dung bài giảng cần thực tế. Nên dạy các em cả những khó khăn hiện tại và cách khắc phục, cũng như góp phần xây dựng một ý thức văn hoá giao thông ngay từ bây giờ; bằng không, sẽ tiếp tục mất đi những thế hệ tương lai.

Ngoài ra, cần có những nội dung giáo dục kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông thật cụ thể cho các em và được đưa vào dạy trong trường. Đơn cử, có thể dạy các em nhắc cha mẹ đội MBH khi chở con bằng xe máy; hoặc trang bị cho các em kỹ năng thực tế khi sang đường, khi đi xe đạp, khi đi lên tàu thuyền đò, đi trên ôtô...

Nên biến các hình thức học thành trò chơi, có mô hình thực hành để trẻ em làm quen và thành thục các kỹ năng cũng như có hiểu biết về các tình huống giao thông. Đây cũng là cách trao cho các em hiểu biết để tự bảo vệ mình.

 

Theo Báo LD

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)