Nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TPHCM đã trở thành vấn nạn từ lâu. Hiện nay tình hình càng trầm trọng hơn. Số xe lưu hành quá nhiều so với hạ tầng đường sá phát triển không kịp và yếu kém trong điều hành giao thông đô thị. Người ta có thể hỏi, ùn tắc giao thông thì có liên quan chi đến chuyện kích cầu? Có liên quan đấy.
Góp phần vào tình trạng này là những hệ quả không lường trước các biện pháp kích cầu đối với sản xuất và kinh doanh xe cộ.
Để kích thích ngành ôtô của mình, nhiều nước như Mỹ và Đức đã kích cầu bằng cách hỗ trợ tiền cho người có xe cũ mua xe mới.
Việt Nam chưa có ngành sản xuất ôtô thực sự, nhưng chính sách kích cầu bằng cách nhà nước hỗ trợ 50% thuế trước bạ, 50% thuế VAT và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (từ 50% xuống 45%) cho xe có dung tích động cơ dưới 2 lít, thậm chí nhiều doanh nghiệp mua xe [dưới danh nghĩa đầu tư sản xuất kinh doanh] được hưởng bù lãi suất 4% trong 2 năm, đã tạo ra kích thích làm tăng cầu ôtô lên đáng kể.
Và người dân có thể cảm thấy, có thể đo lường tác động kích cầu này bằng độ nóng của thị trường ôtô trong thời gian gần đây: các công ty nước ngoài tại Việt Nam không tăng nổi công suất, lượng xe nhập khẩu tăng và người dân đổ xô đi mua ôtô. Các đại lý bán xe không đủ xe để bán, các xưởng lắp ráp chạy hết công suất, các công ty nhập khẩu hoạt động nhộn nhịp, thậm chí nhập xe về qua đường hàng không, người mua phải chờ vài ba tháng mới có xe giao.
Đấy là những kết quả có thể nhìn thấy, cảm thấy một cách rõ rệt của chính sách kích cầu (ôtô). Và việc cung không đủ cầu nên phải xếp hàng, khó mua, thậm chí phải qua lót tay "cò xe" là những hiện tượng không lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Kích cầu như vậy làm tăng số xe tham gia lưu thông và góp phần gây ra ùn tắc. Mối quan hệ là vậy, chẳng có gì khó hiểu.
Điều đáng nói là sự kích cầu đối với ngành kinh doanh ôtô còn chưa hợp lý. Phân tích các hệ quả không lường trước của các biện pháp kích cầu (giảm thuế, hỗ trợ lãi suất) đối với kinh doanh ôtô để rút kinh nghiệm cũng là việc có ích cho hoạch định các chính sách trong tương lai.
Kinh doanh ôtô ở các nước Mỹ, Nhật và Châu Âu có thể là rất quan trọng, là một trong những đối tượng kích cầu hàng đầu, vì ngành sản xuất và kinh doanh ôtô là một ngành cốt yếu của nền kinh tế, dính đến công ăn việc làm của hàng triệu con người. Nhưng ở Việt Nam không phải như vậy.
Ôtô tiêu thụ ở Việt Nam dẫu có được lắp ráp ở trong nước, vẫn gần như 100% của nước ngoài, do các công ty nước ngoài chi phối. Mục tiêu kích cầu là hướng tới các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh các mặt hàng trong nước, tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Xét theo các tiêu chuẩn đó, có thể thấy kích cầu trong lĩnh vực ôtô không đạt các mục tiêu ấy.
Thực tế cho thấy, có những hệ quả của biện pháp kích cầu dễ nhìn thấy và có thể tránh nhưng có những hệ lụy thật khó lường. Hệ quả của kích cầu cho ngành ôtô từ thực tế như đã phân tích ở trên cho thấy các cơ quan chức năng cần phải có những điều chỉnh thích hợp, mang lại hiệu quả tốt nhất trong cả lĩnh vực kinh tế và xã hội, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực.
Theo Báo Lao Động