Cầu vượt và hầm bộ hành được coi là 2 giải pháp khả thi nhất để bảo đảm an toàn cho người đi bộ - một trong những nhóm người có nguy cơ cao bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên, có vẻ như 2 giải pháp này chưa thực sự phát huy tác dụng khi vẫn còn có nhiều hầm bộ hành bị “ngủ quên” và nhiều cầu vượt bị người đi bộ “thờ ơ”. Tính hiệu quả của việc xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ hay xây hầm bộ hành đang là vấn đề đặt ra hiện nay?
Người đi bộ "thờ ơ" hầm bộ hành
Thực tế không thể phủ nhận là hàng chục hầm đường bộ trên địa bàn thành phố hoàn thành từ rất lâu vẫn chưa dành được sự quan tâm của người dân Thủ đô. Rất nhiều trong số những công trình trị giá hàng chục tỷ đồng này do bị “bỏ quên” từ lâu đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Tuyến đường Phạm Hùng và Khuất Duy Tiến, 2 tuyến đường lớn với nhiều làn đường, có mật độ giao thông cao cũng là 2 tuyến đường được xây dựng nhiều hầm bộ hành nhất trên địa bàn thành phố. Cũng chính trên tuyến đường này, có thể nhận thấy rõ nhất sự thờ ơ của người đi bộ với hầm bộ hành. Trước cửa bến xe Mỹ Đình, điểm tập trung đông người đi bộ nhất trên tuyến thì hầm bộ hành vẫn vắng hoe.
Bất chấp tấm băng rôn “Hãy đi bộ sang đường bằng hầm kỹ thuật”, rất nhiều người vẫn đi thẳng từ cửa bến hay từ nhà chờ xe buýt qua đường. Sự “thờ ơ” của người đi bộ đã “vô hiệu hóa” tác dụng của những công trình tiền tỉ, biến nơi đây trở thành nơi bán hàng nước, hàng rong, nơi cư ngụ của những người vô gia cư, nơi hút chích của những kẻ nghiện ngập và thậm chí là nơi phóng uế của những người vô ý thức.
Tại hầm bộ hành ngã tư Sở - một trong những hầm bộ hành đẹp và hiện đại nhất cả nước, tình trạng có khả dĩ hơn. Cảm nhận của người đi bộ là sự sạch sẽ, sáng sủa của hầm. Được biết, bên trong hầm có lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, máy bơm nước phòng úng lụt cục bộ, máy camera quan sát an ninh. Phía trên có nhà vệ sinh và xung quanh có trồng cây xanh… Hàng ngày đều có công nhân vệ sinh môi trường đến đây quét dọn, lau chùi…
Chính sự tiện nghi và sạch sẽ này đã khiến hầm đường bộ ngã tư Sở được sử dụng nhiều nhất trong số hàng chục hầm trên địa bàn thành phố. Nhiều người đi bộ qua đây cho biết đi lại qua hầm, họ luôn cảm thấy thoải mái và an toàn. Tuy nhiên, nơi đây cũng bắt đầu xuất hiện tình trạng bày bán hàng hóa, họp chợ và xả rác bừa bãi phía trên cửa hầm. Nếu không nhanh chóng có biện pháp xử lý thì e, chiếc hầm hiệu quả duy nhất này cũng sẽ lại bị người đi bộ “nói không”.
Cầu vượt cho người đi bộ: Đếm trên đầu ngón tay
So với hầm bộ hành thì hiệu quả của cầu vượt dành cho người đi bộ hơn hẳn. Tuy nhiên, số lượng cầu vượt trên địa bàn thành phố lại chưa vượt quá một bàn tay. Cả thành phố Hà Nội hiện chỉ có 4 cầu vượt dành cho người đi bộ ở đường Giải Phóng, Nguyễn Chí Thanh, trước cổng Trường Đại học GTVT và ở đường Nguyễn Văn Cừ. Nhìn chung, những cầu này đều được xây dựng ở những khu vực có nhiều người đi bộ, lưu lượng giao thông lớn. Mặc dù vậy, cũng phải nói rằng, cầu vượt vẫn chưa thực sự được người đi bộ yêu thích cho dù hiệu quả của nó là không thể phủ nhận.
Thói quen và ý thức chính là những “rào cản” lớn của tình trạng này. Ghi nhận của PV Báo GTVT cho thấy, 10 phút đứng tại cầu vượt dành cho người đi bộ trước cửa Trường ĐH GTVT vào đúng giờ tan học - thời điểm đông người đi bộ nhất, cầu vượt này vẫn không được mấy người chọn dùng. Sự tiện dụng, an toàn của những chiếc cầu vượt hiện đại vẫn bị người dân “bỏ qua”.
Được biết, từ nay đến năm 2010, thành phố sẽ xây dựng và hoàn thành 19 cầu dành cho người đi bộ trên tuyến đường: Giảng Võ - Láng Hạ, Đại Cồ Việt, Liễu Giai, Trần Duy Hưng, Sơn Tây, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Chùa Bộc, Thái Hà, Hoàng Quốc Việt, Giải Phóng, Xuân Thủy, Ngọc Hồi, Phạm Ngọc Thạch. Trước mắt, tháng 10 tới, 2 cầu vượt trên đường Đại Cồ Việt và Lương Đình Của sẽ chính thức được khởi công.
Trong khi chờ những công trình này hoàn thành, nên chăng, các nhà quản lý, tổ chức giao thông cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân, tạo cho họ thói quen sử dụng cầu vượt và hầm bộ hành bởi trước hết, đây chính là giải pháp khả thi nhất dành cho người đi bộ nhằm giảm tai nạn và giải quyết nạn ùn tắc giao thông trên các đường phố.
(Theo giaothongvantai.com.vn)