Mùa lũ, cảnh báo TNGT đường thủy do va trôi

Thứ hai, 01/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Một trong những nguy cơ dễ xảy ra TNGT đường thủy chính là do va trôi ở những chân cầu vượt sông. Ví dụ như địa bàn Hà Nội, theo thống kê của CSGT thành phố Hà Nội, 80% số vụ là tại những khu vực cầu vượt sông, thời gian chủ yếu từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Nguyên nhân xảy ra tai nạn phần nhiều do khách quan, song chủ quan cũng là yếu tố quan trọng...
Một trong những nguy cơ dễ xảy ra TNGT đường thủy chính là do va trôi ở những chân cầu vượt sông. Ví dụ như địa bàn Hà Nội, theo thống kê của CSGT thành phố Hà Nội, 80% số vụ là tại những khu vực cầu vượt sông, thời gian chủ yếu từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Nguyên nhân xảy ra tai nạn phần nhiều do khách quan, song chủ quan cũng là yếu tố quan trọng...


Hà Nội hiện có 4 tuyến sông do Trung ương quản lý, 4 tuyến do thành phố quản lý, với chiều dài 120km, chảy qua 14 quận, huyện và 17 hồ lớn tập trung ở các quận nội thành. Chỉ tính riêng trên 60km sông Hồng và sông Đuống có 6 cây cầu vượt sông và 2 cầu đang xây dựng, 61 kè và 89 cảng, bến thủy nội địa.

Vài năm gần đây, thời tiết khí hậu thủy văn diễn biến phức tạp, mực nước trên sông các tỉnh phía Bắc xuống thấp, gây khan cạn ở nhiều tuyến vận tải trọng điểm, bao gồm cả khu vực Hà Nội, đã khiến công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa và hoạt động giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn. Một trong những phức tạp mà Hà Nội gặp phải là nguy cơ TNGT xảy ra tại các chân cầu vượt sông.

Qua công tác điều tra cơ bản, phân tích các vụ TNGT đường thủy xảy ra trên địa bàn Hà Nội từ năm 1997 đến nay cho thấy, các vụ tai nạn xảy ra tại khu vực cầu vượt sông chiếm 80% tổng số vụ và thời gian xảy ra chủ yếu từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm- mùa mưa bão. Nguyên nhân khách quan tác động trực tiếp đến quá trình xảy ra TNGT là do các khoang thông thuyền có khoảng tĩnh không thấp, khẩu độ thường chỉ khoảng 100m. Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn xảy ra do người lái phương tiện cố tình không chấp hành điều tiết, quy chế đi lại hoặc quá tự tin về kinh nghiệm sông nước, bất chấp những cảnh báo đã được đưa ra. Dễ gặp nhất trong mùa lũ là dòng nước thường chảy xiết, sức máy của phương tiện đi ngược dòng không thắng nổi sức nước, dẫn đến phương tiện bị nghiêng mạn, va đập.

Thực tế, trừ các cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Thăng Long, hầu hết các cầu còn lại như Long Biên, Chương Dương, cầu Đuống khoảng tĩnh không thấp, khoang thông thuyền nhỏ nên trong mùa lũ phương tiện rất khó qua lại. Chính vì thế, nguy cơ xảy ra TNGT ở những điểm này rất cao.

Hằng năm, ngành GTVT đều có phương án bố trí lực lượng và phương tiện điều tiết sự đi lại tại các cầu vượt sông. Thời gian gần đây, ngoài điều tiết, khống chế, lực lượng chức năng còn bố trí phương tiện cứu hộ ở khu vực cầu Đuống, làm đệm chống va tại chân cầu. Một số đơn vị vận tải như Công ty Vận tải đường sông số 1 cũng tự bố trí phương tiện lai dắt, cứu hộ để hỗ trợ phương tiện của đơn vị khi qua cầu. Trong quá trình điều tiết, khống chế còn có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng CSGT đường thủy Hà Nội. Và kinh nghiệm cho thấy, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp mới nâng cao khả năng bảo đảm an toàn tại các khu vực chần cầu vượt sông. Đó là, ngoài quy định biển hiệu chỉ dẫn luồng thì việc cấm luồng, chỉnh trị luồng... cần thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giúp người lái thường xuyên hoặc thi thoảng mới điều khiển phương tiện qua cầu vượt sông biết. Xác định rõ việc điều tiết phương tiện nào thì cần lập Ban chỉ đạo ở khu vực đó để chủ động điều hành, phối hợp điều tiết đạt kết quả. Quy định điểm tập kết phương tiện chờ qua cầu nên cách vị trí chân cầu từ 2km trở lên, để khi gặp sự cố thì việc xử lý tình huống được dễ dàng hơn. Nên điều tiết phương tiện đi lại theo giờ và theo chiều đi, như phương tiện xuôi nước đi trước, ngược nước đi sau, tránh tình trạng cùng một lúc đi hai chiều dẫn đến xung đột và TNGT.

Trong thực tế bảo đảm ATGT tại các khu vực cầu vượt sông cũng đặt ra tình huống, trường hợp gần cầu có bến khách ngang sông hoạt động cũng cần có sự điều tiết khoa học, nhằm tránh những tình huống xấu có thể xảy ra đối với phương tiện chở khách ngang sông. Đó là có thể tổ chức dịch chuyển bến khách ngang sông ra xa phía cầu từ 1km trở lên, nhằm đề phòng phương tiện chở khách chết máy hoặc có sự cố bị dạt vào cầu gây nguy hiểm. Lập trạm điều tiết giữa sông ở hai phía thượng lưu và hạ lưu cầu, thắp sáng báo hiệu vào ban đêm.

Bảo đảm trật tự ATGT do va trôi tại các khu vực chân cầu trong mùa mưa lũ không chỉ đặt ra với các tuyến đường thủy của Hà Nội, mà với tất cả các tuyến đường thủy trong cả nước nói chung. Và để làm tốt công tác phòng tránh TNGT, ngành chức năng, địa phương cần xây dựng các quy chế phối hợp cụ thể, tổ chức tốt các phương án điều tiết, đồng thời tuyên truyền tích cực để người tham gia giao thông tự giác chấp hành các quy tắc giao thông, quy chế đi lại qua cầu để giảm thiểu rủi ro do khách quan mang lại.

Hồng Xiêm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)