Hiểm hoạ trên những chuyến đò ngang

Thứ tư, 17/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dọc theo sông Hồng ở HN hiện vẫn còn khá nhiều bến đò ngang đang hoạt động. Sự tồn tại của những bến đò này mang lại thuận lợi cho người dân qua lại hai bên sông. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cho hoạt động của loại phương tiện này dường như lại không được chú ý.
Dọc theo sông Hồng ở HN hiện vẫn còn khá nhiều bến đò ngang đang hoạt động. Sự tồn tại của những bến đò này mang lại thuận lợi cho người dân qua lại hai bên sông. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cho hoạt động của loại phương tiện này dường như lại không được chú ý.
Chưa lên đò đã thấy hãi
Bến đò Khuyến Lương là nơi luôn có lượng hành khách lớn, không chỉ vào những ngày cuối tuần, lễ tết. Dù bến đò này cách cầu Thanh Trì không xa và sông Hồng hiện đang mùa nước lớn, nhưng nhiều người vẫn chọn cách đi đò. Anh Vũ Hữu Duyên (Văn Đức - Gia Lâm) cho biết: "Nếu từ nội thành đi sang khu vực Bát Tràng, Văn Đức, hay huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động (Hưng Yên) thì qua đò gần hơn rất nhiều. Còn qua cầu Thanh Trì vừa xa, lại phải đi đường đê xấu, xe vận tải chạy bụi luôn mù mịt. Giá đi đò với người có xe máy là 5.000đ/lượt, xe đạp 2.000đ/lượt".

 
 
Để "thực mục sở thị" cảm giác đi đò, chúng tôi cũng xuống cầu phao đứng đợi. Mỗi khi đò cập bến luôn diễn ra cảnh lộn xộn, người dưới đò chưa kịp lên, khách trên bờ đã vội lao xe xuống ào ào. Ai cũng muốn nhanh chân lên trước chọn chỗ tốt. Tiếng còi xe, tiếng quát nhau ầm ĩ. Nhiều lúc đò đông, nhưng khách đến sau vẫn cố len lên.

Và có lẽ hãi nhất là gặp cảnh đi cùng chuyến với xe máy, xe đạp thồ những đống cỏ xanh khổng lồ nặng đến vài tạ, mỗi lần họ lên, đò luôn bị tròng trành, hành khách lên trước phải hò nhau đứng dàn cho cân để đò không bị nghiêng. Chị Lê Thị Chín (Khoái Châu - Hưng Yên) nói: "Tôi đi chợ ngày nào cũng gặp những xe chở cỏ nặng đi cùng, lúc đò vắng còn đỡ, chứ đông thì ai cũng thấy sợ" .

Quản lý bị buông lỏng
Mỗi chuyến đò trung bình có hơn hai mươi người, cả xe đứng chen chúc (ảnh 2). Nhiều khi đò nặng, khiến mép đò luôn chơi vơi sát mặt nước. Khi đi ra giữa dòng, trông thấy những tàu chở cát vun vút lao tới, người đi đò không khỏi thót tim. Trên đò đều thấy treo những chiếc phao cứu hộ, nhưng số lượng rất ít. Nó không được đặt đều hai bên lan can, mà lại đặt cả ở cuối đò theo kiểu "để dành" (ảnh 3). Những chiếc phao kiểu để trang trí kia liệu sẽ có tác dụng đến đâu khi không may xảy ra vấn đề bất trắc? Khảo sát qua một số bến đò khác như bến Triều Dương, Phương Trù, Kim Lan... cũng chung tình trạng lơi lỏng về việc đảm bảo an toàn giao thông.

 

Hiện nay, hầu hết hoạt động của những bến đò ven sông Hồng đều do tư nhân đứng ra đảm nhiệm. Họ thông qua việc đấu thầu, hàng năm đóng thuế cho chính quyền địa phương. Hoạt động của những bến đò này dường như chưa được sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng - đặc biệt là những địa phương nơi có bến đò đang hoạt động.

Mặc dù Luật Giao thông đã có những quy định để đảm bảo an toàn cho hoạt động giao thông đường thuỷ, nhưng nếu không có sự kiểm soát chặt thì tình trạng mất an toàn tại những bến đò ngang vẫn diễn ra. Và tai hoạ vẫn luôn tiềm ẩn với hành khách.

Theo Báo L.Đ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)