Năm 2007 đã đi qua, nếu nhìn vào số liệu TNGT thì chắc chắn làm nhiều người thất vọng bởi mục tiêu kiềm chế và giảm từ 10-12% TNGT của Chính phủ không hoàn thành. Tuy nhiên, nếu tính từ thời điểm Nghị quyết 32 được ban hành vào cuối tháng 6/2007 thì công tác bảo đảm trật tự ATGT thật sự có một bước đột phá rất lớn và cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến giảm thiểu TNGT.
Năm 2007 đã đi qua, nếu nhìn vào số liệu TNGT thì chắc chắn làm nhiều người thất vọng bởi mục tiêu kiềm chế và giảm từ 10-12% TNGT của Chính phủ không hoàn thành. Tuy nhiên, nếu tính từ thời điểm Nghị quyết 32 được ban hành vào cuối tháng 6/2007 thì công tác bảo đảm trật tự ATGT thật sự có một bước đột phá rất lớn và cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến giảm thiểu TNGT.
Quyết tâm lớn
Bước ngoặt lớn nhất khiến tình hình trật tự ATGT nói chung và TNGT nói riêng chuyển từ tình trạng gia tăng nghiêm trọng trong những tháng đầu năm sang liên tục giảm trong những tháng cuối năm chính là do những giải pháp cấp bách của Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ. Đó không chỉ là khẳng định của các chuyên gia trong lĩnh vực ATGT mà nó còn được thể hiện rõ nét qua cả số liệu thống kê về TNGT và tình hình trật tự ATGT thực tế trên các tuyến đường trong năm 2007 vừa qua.
Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ- đường sắt, tính đến hết tháng 6/2007, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 7.936 vụ TNGT, làm chết 7.122 người, bị thương 6.048 người; tăng cả 3 mặt với 3,9% số vụ tai nạn, 9,9% số người chết và 1,8% người bị thương so với cùng kỳ năm 2006.
Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng, phát biểu tại hội nghị sơ kết ATGT toàn quốc 6 tháng đầu năm 2007 cho rằng, TNGT đang là một vấn đề hết sức bức xúc của toàn xã hội, những thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của toàn xã hội. Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan, các địa phương thời gian qua đã áp dụng rất nhiều giải pháp đảm bảo ATGT nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT tăng cao trong thời gian qua là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự ATGT vẫn chưa kiên quyết. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn cho rằng, đây là công việc của ngành Giao thông vận tải và công an nên chưa ý thức hết trách nhiệm bảo vệ sinh mạng của nhân dân trước thảm họa giao thông.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi đó cũng đề cập tới những bức xúc của dư luận xã hội trước thực trạng TNGT gia tăng ở nước ta. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những giải pháp kiên quyết nhằm mục tiêu kiềm chế và giảm dần TNGT, tuy nhiên TNGT vẫn gia tăng.
Thủ tướng nêu ra những vấn đề hết sức bức thiết để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo như: vì sao liên tục trong 3 năm liền 2003-2005, TNGT cả nước đều có xu hướng giảm, nhưng đến năm 2006 TNGT lại gia tăng cả về số vụ và số người chết, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2007 số người chết vì TNGT tăng cao so với cùng kỳ năm trước?
Tạo bước đột phá
Tuy vậy, mọi chuyện đã thật sự đổi chiều kể từ thời điểm cuối tháng 6/2007. Với 7 nhóm giải pháp cấp bách kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông, Nghị quyết 32 đã tạo ra một làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ, tất cả các cấp bộ, ngành, chính quyền địa phương đều vào cuộc với thái độ và biện pháp quyết liệt để đảm bảo trật tự ATGT và kiềm chế TNGT.
Nghị quyết nêu rõ: “Trong thời điểm hiện nay, TNGT đặc biệt là TNGT đường bộ đã gây ra những thiệt hại to lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đang là vấn đề xã hội hết sức bức xúc, nghiêm trọng, đòi hỏi Nhà nước, Chính phủ phải tập trung hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ để nhanh chóng kiềm chế TNGT”.
Từ khi có Nghị quyết 32, trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động bảo đảm trật tự ATGT của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến chính quyền phường, xã được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự ATGT trong cộng đồng đã có bài bản, kế hoạch thống nhất từ Trung ương đến địa phương, các chiến dịch tuyên truyền có hiệu quả cao hơn, tạo được dư luận ủng hộ các giải pháp của Chính phủ. Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là kể từ thời điểm ngày 15/12/2007 tới nay, trên tất cả các tuyến đường từ nông thôn đến thành thị, từ quốc lộ đến đường làng, tỷ lệ người đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy gần như đạt 100%.
Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hạn chế số người chết và giảm chấn thương sọ não vì TNGT. Liên tục kể từ tháng 7/2007 đến nay, TNGT tháng sau giảm hơn tháng trước. Nếu như 6 tháng đầu năm gia tăng tới 9,9% số người chết thì theo số liệu thống kê chưa chính thức trong cả năm 2007 giảm xuống chỉ còn khoảng 4%.
Đức Thắng