Ngay từ 8 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt trên QL5, hướng Hải Phòng-Hà Nội. Việc chấp hành đội mũ bảo hiểm (MBH) trên tuyến đường này đã có tiến triển hơn so với ít ngày trước đó, tuy nhiên lượng người vi phạm thì vẫn… nhiều không đếm xuể.
Dưới cái nắng như thiêu đốt, trung tá Nguyễn Văn Ngọc - CSGT huyện Gia Lâm lấy tay vuốt mồ hôi đầm đìa trên mặt nói với chúng tôi: “Vẫn có quá nhiều người vi phạm. Đặc biệt, nhiều trường hợp sẵn sàng lao với tốc độ kinh hoàng và tìm mọi thủ đoạn nhằm “lách” khỏi chốt CSGT …”, vừa nói trung tá Ngọc vừa chỉ tay ra phía mặt đường, nơi có một tốp CSGT đứng giăng ngang phía trước Nhà thi đấu Gia Lâm, đang luôn tay chỉ gậy ra phía mặt đường bắt người vi phạm không đội mũ bảo hiểm.
Như để minh chứng cho lời của trung tá Nguyễn Văn Ngọc, sau đó ít phút, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cuộc rượt đuổi giữa CSGT với một chủ xe vi phạm việc đội MBH. Đó là chiếc xe BKS 99F5 9632 do một thanh niên đầu trần điều khiển, hướng về phía chốt CSGT với tốc độ rất nhanh. Một CSGT ra tín hiệu yêu cầu dừng xe, thanh niên này vội vã bẻ lái, lao về phía vỉa hè, tiếp tục tăng tốc với ý định tẩu thoát.
Trung tá, đội phó đội CSGT huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Long lao lên, ép chiếc xe này vào lề đường. Chưa chịu khuất phục, lái xe này lập tức ngoặt đầu xe quay trở lại với ý định bỏ chạy nhưng đã bị các chiến sĩ CSGT khác “bắt bài” và buộc phải xuống xe. Tài xế Lương Văn Dũng, trú tại Trung Trinh, Lương Tài, Bắc Ninh, người điều khiển xe máy BKS 99F5 9632, phải cúi đầu nhận lỗi không mang theo bằng lái và không đội mũ bảo hiểm!
9 giờ, chúng tôi có mặt trên tuyến QL 1A hướng từ Hà Nội đi Lạng Sơn. Việc chấp hành đội mũ bảo hiểm của người dân tại tuyến đường này cũng không khả quan hơn. Theo ước tính của chúng tôi, chỉ có khoảng 60% người chấp hành nghiêm chỉnh. Đặc biệt, không ít người tuy mang theo MBH nhưng lại cầm trên tay, treo trên xe theo kiểu phòng hờ đối phó khi gặp CSGT.
Không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi, tại chốt CSGT phía bắc cầu Phù Đổng, hàng chục xe gắn máy xếp thành dãy dài chuẩn bị được đưa về bãi giữ xe Gia Thụy, tạm giữ 3 ngày.
Thiếu tá CSGT Đỗ Văn Quang cho biết: sau gần một giờ đồng hồ, chốt này lập biên bản hơn 20 trường hợp vi phạm không đội MBH. Đặc biệt, có không ít trường hợp nại ra lý do nhà gần, xe mới, cạy cục xin nộp thêm tiền để đưa xe về.
Thậm chí, ông Nguyễn Đình Kháng chủ chiếc xe BKS 99H1 5105 còn tỏ thái độ gây khó khăn cho CSGT bằng cách đứng giữa đường… chửi đổng và nhất quyết định không chịu ký vào biên bản vi phạm.
Thông tin ban đầu cho thấy chỉ trong buổi sáng nay, CSGT huyện Gia Lâm đã lập biên bản giữ xe hơn 60 trường hợp không chấp hành đội MBH theo quy định.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, ước tính chỉ có không quá 50% người dân có mang theo MBH và phần nhiều là để phía trước đầu xe để đối phó với CSGT.
Vẫn “nói ra nói vào” về MBH
Chị Nguyễn Thị Cúc - Kiêu Kỵ, Gia Lâm bị chốt CSGT phía trước nhà thi đấu Gia Lâm lập biên bản khi MBH vẫn treo lủng lẳng trước xe, khăng khăng cho rằng “mấy anh CSGT cố tình làm khó. Trời nóng thế này, đội vào thì chết ngốt à? Với lại nhà tôi ở ngay gần đây, cần gì phải đội mũ”. Hầu hết những chủ phương tiện bị CSGT tạm giữ phương tiện vì không đội MBH mà chúng tôi gặp gỡ sáng nay, cũng có những lý do khác nhau để giải thích cho việc: không đội MBH.
“Tôi thấy lạ kỳ là tại sao đến giờ này rồi mà nhiều người vẫn có ý kiến này khác về việc đội MBH. Chuyện đội MBH với tôi đã trở thành thói quen hơn chục năm nay. Nắng thì che nóng, che bụi, mưa thì đỡ ướt. Quan trọng hơn cả là giữ cái mạng của mình thêm chặt. Quá tốt chứ, sao lại phản đối, nói này nói nọ”, đó là lời tâm sự của anh Trần Quang Tạo chủ xe BKS 29U2 9297 khi gặp chúng tôi tại đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Cùng chia xẻ quan điểm này, chủ xe 29 R9 2023 cho rằng: Chính phủ qui định đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường suy cho cùng cũng là để người dân tránh được những cái chết oan uổng. Có nhiều ý kiến không đồng tình với qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường ở nội thành. Riêng tôi, tôi thấy việc đội mũ bảo hiểm trên các tuyến quốc lộ là cần thiết. Thay vì mọi người có thói quen đội các loại mũ bằng vải, đi đầu trần,... như lâu nay thì nên làm quen với việc đội mũ bảo hiểm cho an toàn.
Tuy nhiên, nếu áp dụng qui định này thì lực lượng CSGT phải làm đến nơi đến chốn, xử lý nghiêm những đối tượng không tuân thủ qui định. Nếu CSGT không xử phạt nghiêm với những trường hợp vi phạm, thì qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm không biết sẽ cần đến bao nhiêu đợt cao điểm nữa cho vừa.
Vẫn có khá đông người dân thờ ơ với MBH
|
“Lo ngay ngáy” chất lượng MBH
10 giờ 30 ngày 15/7, các hiệu bán MBH trên đường Nguyễn Văn Cừ, phố Huế vẫn khá đông khách. Khá nhiều ông bố, bà mẹ mang theo cả con nhỏ để chọn mua mũ cho cả gia đình. Nhìn chung, MBH có chủng loại rất phong phú, kiểu nào cũng có, đủ các nhãn hiệu nhưng giá bán thì rất… trời ơi. Nhiều nhất là các nhãn hiệu Protec Saga và UFO, giá 145-175.000 đồng/mũ, Hon da, loại có kính và không có kính, giá từ 165-197.000đ/mũ, Amoro có giá từ 120-160.000đ/mũ, Hanel có giá 130-150.000đ/mũ. Cùng với đó là MBH có nhãn hiệu na ná với các loại mũ trên được, đa số được người bán quảng cáo là hàng Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia nhưng... hợp tác sản xuất ở Việt Nam.
Chủ một cửa hiệu bán MBH trên đường Nguyễn Văn Cừ luôn miệng giục khách chọn mua hàng nhanh nhanh. Chị cho biết, vì cửa hàng mới mở, chưa kịp xin phép nên phải bán chui! Còn tại siêu thị Big C, một nhân viên quầy bán MBH vui vẻ cho biết, công việc bán MBH tại đây đang có chiều hướng… phát đạt. Nếu cách đây chỉ vài tháng, có khi cả ngày không ai hỏi đến thì những ngày gần đây, thường xuyên bán được 7-10 mũ/ngày.
Tuy nhiên, một điều rất đáng lưu tâm là chất lượng MBH vẫn tùy thuộc vào… lời rao bán của chủ hàng. “Yên tâm đi, hàng trăm người mua chứ có một mình em đâu mà sợ”, đây là lý lẽ thông dụng mà người bán dụ dỗ người mua mỗi khi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của chủng loại mũ.
Thực tế, có hằng hà sa số các loại mũ không hề có bất kỳ một tem kiểm định nào nhưng hễ người mua có nhu cầu về “tem” là người bán lại lôi ra loại mũ giống hệt như thế nhưng có tới 2, 3 tem dán có hình dáng lạ hoắc, không giống mẫu quy định của Nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Kiều - Chánh thanh tra Bộ KHCN cho rằng: việc tiến hành xử phạt những trường hợp làm giả, làm nhái các loại MBH không hề đơn giản. Bởi trên thực tế, các đội thanh tra không thể tự ý xông vào kiểm tra mà phải có đơn yêu cầu, tố giác của các doanh nghiệp. Ông Kiều cho biết, cho đến nay, Thanh tra Bộ KHCN vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ phía các nhà sản xuất MBH trong nước phản ánh việc doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái.
Theo dự kiến, đợt cao điểm kiểm tra xử lý đội MBH được tiến hành trong 3 tháng từ 15/7 đến 15/10. Ý kiến của dư luận, để đảm bảo “đi đến nơi, về đến chốn” cho thành công của cả một chiến dịch, trong khi chờ đợi ý thức tự giác của người dân, rõ ràng sự kiên quyết và kiên trì của lực lượng chức năng đóng vai trò quyết định.