Người gửi: KS TRẦN ĐÌNH BÁ
Địa chỉ: Địa chỉ : 569/10 Nguyễn An Ninh –TP Vũng Tàu
Nước ta chạy dài hình chữ S, tuyến đường sắt ( ĐS) Bắc Nam cũng dọc theo chiều dài đất nước ,do nhu cầu phát triển kinh tế ở hai khu vực Đông Tây nên đã và đang hình thành các tuyến đường bộ cắt qua ĐS mà nhân dân thường gọi là “dao chém” . Cái tên nghe “rờn rợn “đến “lạnh gáy” như thay lời cảnh báo trước tính chất nguy hiểm vì ở đó máu liên tục đổ đã cướp đi sinh mạng nhiều người.
Theo ban thanh tra ĐS ,hiện nay trên 3926 km toàn quốc có tới 1457 đường ngang hợp pháp thì chỉ có 436 điểm đạt tiêu chuẩn có người gác điều khiển . Ngoài ra có tới 4166 đường do dân tự mở để đi lại,con số này vẫn không dừng lại do tốc độ gia tăng dân số và việc phát triển kinh tế … dọc hai bên đường sắt. Những vụ tai nạn ĐS liên tiếp xẩy ra quanh năm , ”hết ngày dài lại đêm thâu “ cộng lại bình quân mỗi năm có trên ngàn người chết và rất nhiều người bị tàn phế ,con số này không thể không gây kinh hoàng dư luận mà hầu hết đều diễn ra trên những đường “ dao chém”.
Năm 2002 Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định quy định về đường ngang để đảm bảo chạy tàu và bảo vệ tính mạng nhân dân .Từ 10-3-2003 ĐSVN đã chính thức đưa vào khai thác vận hành thiết bị cảnh báo tự động ,sử dụng cảm biến địa chấn trang bị cho 4380 đường ngang,hệ thống này có khả năng làm kêu chuông ,báo hiệu đèn đỏ và phát lời cảnh báo khẩn cấp “ tàu đang đến “ trước khi tàu chạy qua.Mỗi bộ lắp đặt này ngốn gần 100 triệu đồng -thời giá lúc đó . Thế nhưng tất cả hệ thống này không đạt hiệu quả quả như mong muốn và máu lại cứ đổ ngay tại những nơi có lắp đặt thiết bị mới. Không tính trước đó,chỉ sau vài ngày Chủ tịch Nước có thư khen bà Nguyễn Thị Chít ở Quảng Trị 15 năm tự nguyện đứng gác chắn cứu được nhiều vụ nguy cơ bị tai nạn tại đường 9 cắt ngang dù ở đó đã có lắp đặt thiết bị này thì ngày 04-8-2004 chiếc xe khách số 74 K –3431 chở các Cựu chiến binh đi nghĩ mát ở Cửa Tùng do cố tình vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấp báo đã bị tàu S1 tông ngang làm chết 14 người,10 người bị thương tật vĩnh viễn. Cũng trước đó đúng 1 tháng ngày 04-7-2004 chiếc xe khách mang biển số 60N-7967 tỉnh Đồng Nai ngang nhiên vượt qua mũi tàu SD1 hậu quả là 1 người chết và 5 người bị thương, ngày 03-7-2005 tàu E1 đã đâm vào ô tô mang biển số 43K-6783 khi băng qua đường ngang liên xã tuy không có thiệt mạng,hai thanh niên bị thương nặng.
Vào lúc 14 giờ 30 ngày 14-8-2005 tại KM 1015+650 ( tỉnh Bình Định) xe ô tô khách mang biển số 53M- 8743 đã va phải tàu khách Thống nhất S7 làm ô tô văng xa 15 mét làm chết 11 người và tất cả còn lại đều bị thương do xe ô tô cố tình băng qua đường sắt . Gần đây nhất tháng 10-2006 một xe tải nhìn tín hiệu đèn báo để qua đường – khu vực gần gia Hương Thủy – Huế đã bị tàu đâm vì đèn báo nhầm tín hiệu . Đau đớn hơn vào lúc 23 giờ ngày08-02-2007 . Tại khu vực Cam Ranh – Khánh Hòa một xe khách tốc độ nhanh không phanh kịp đã lao vào đoàn tàu đang chạy qua làm 13 người chết và 20 người bị thưong đều là những người về quê ăn tết . Ngay sau tết Nguyên đán , ở Hà Nội một xe Vinova đã qua mặt tàu hỏa bị lật nhào ….
Không chỉ xe ô tô dám liều mạng vượt mặt tàu hỏa mà rất nhiều xe gắn máy,xabò,xe lam ,cũng bị cuốn vào đường ray . Gần ga Minh Lệ- Quảng Bình một đường ngang có lắp đặt tín hiệu cảnh báo tự động thì đã có tới 3 trường hợp đổ máu do cố vượt qua trước mũi tàu khi mà tín hiệu đã cấp báo.Tại Hòa Khánh -Đà Nẵng,một cán bộ giảng dạy đại học vội vàng đến giảng đường cho kịp giờ đã vượt qua đèn đỏ và chuông báo ,cái chết thương tâm đã gây xúc động mạnh cho hàng ngàn sinh viên và nhân dân .... Máu liên tục đổ trên những đường “ dao chém “ gây ra thiệt hại rất lớn cho tính mạng ,tài sản của Nhà nước và Nhân dân .
Cũng phải nhìn ra thế giới để biết ,sau vụ tai nạn đau thương ở Quảng Trị chỉ vài ngày thì tại Hung Ga Ri đã xẩy ra một tai nạn do tàu đâm vào ô tô gây chết và bị thương hàng trăm người,cuối tháng 4 năm 2005 xẩy ra vụ tương tự ở Xirilan ca làm 50 người chết và nhiều người bị thương .Cũng trong tháng đó tại Nhật Bản nước giàu có và hiện đại bậc nhất thế giới về ĐS và tín hiệu cảnh báo phải chứng kiến một đoàn tàu chở 600 người đi làm việc tông vào ô tô vượt qua tín hiệu cảnh báo rất tối tân,rất hiện đại làm hất tung đoàn tàu lao thẳng vào cả khu dân cư làm 50 người chết và 350 người bị thương,cả nước Nhật coi đó là thảm họa quốc gia và lập quốc tang .
Câu nói vui “hiện đại-hại điện “ tồn tại thách đố khoa học như một nghiệp chướng . Ai có thể đảm bảo các thiết bị cảnh báo điện tử tối tân hiện đại đến cở nào do Nhật – Mỹ – Pháp – Đức …chế tạo sẻ đạt độ chính xác tuyệt đối .Tinh xảo,tối tân như máy vi tính được bảo vệ trong những phòng máy lạnh còn bị trục trặc kỹ thuật thì tín hiệu cảnh báo bằng cảm biến địa chấn dùng năng lượng điện truyền trên dây dẩn cả tuyến dài chịu tác động ngày đêm của thiên tai , mưa gió sấm chớp ,độ ăn mòn hoá học,hoạt động vi sinh làm hỏng mạch điện tử …và có lúc mất điện thì làm sao đảm bảo tính chính xác tuyệt đối .Một trục trặc nhỏ về mạch,vi mạch con chíp cũng gây nên cảnh báo sai hoặc mất tín hiệu . Một thiết bị cảnh báo nguy hiểm mà không đảm bảo chính xác tuyệt đối thì không khác gì đặt tính mạng người qua đường dưới lữơi dao “ chiếc máy chém “ đang treo lơ lững và sẻ cắm phập bất kỳ lúc nào bởi chỉ cần sai một ly là đi đứt tính mạng của nhiều người . Vụ tàu hỏa đâm vào ô tô tại Hương Thủy – TP Huế 10-2006 do đèn báo sai tín hiệu là một minh chứng thực tế !
Đặt niềm tin tuyệt đối vào các thiết bị cảnh báo cảm biến tự động điện tử tối tân hiện đại được không !? Giàu có và hiện đại bậc nhất thế giới về hệ thống tín hiệu cảnh báo đường sắt như Nhật Bản mà còn như thế …. thì chúng ta liệu có đủ sức để lắp đặt đủ các thiết bị ảnh báo đắt tiền đó trên toàn bộ các đường ngang …… đó là bài toán khó nan giải khắt khe đặt ra phải giải quyết vì phải đáp ứng cả điều kiện “cần “ và điều kiện “đủ “ .
ĐS nước ta đang ngày càng hiện đại để theo kịp với thế giới giảm thời gian chạy tàu từ Hà Nội vào HCM xuống còn 29 giờ và còn phải rút ngắn hơn hơn, như vậy có đoạn tàu phải đạt tốc độ 60 đến 70 km/h .Tốc độ càng cao thì thế năng càng lớn ,đoàn tàu vài trăm tấn khi va chạm với những vật có khối lương như ô tô sẻ biến thành động năng ngang với sức nổ một trái bom hàng chục kg thuốc TNT, xung lực rất lớn đó phá hủy kết cấu đường ray có thể gây trật bánh làm đổi hướng làm lật nhào cả đoàn tàu tạo nên những thảm hoạ khó lường.Mỗi lần có sự cố tai nạn trên đường ngang thì chỉ huy tàu buộc phải cho dừng lại để xử lý giải quyết và kiểm tra an toàn , nhẹ cũng kéo dài gần cả tiếng đồng hồ , nếu nặng thì phải nhờ đến lực lượng cứu hộ cứu nạn kéo dài nhiều giờ làm tắc đường ảnh hưởng đến lịch trình chạy tàu trên toàn tuyến làm thiệt hại kinh tế cho cả hành khách đi tàu và thiệt hại rất lớn cho nghành ĐS. Tai nạn trên những đường “ dao chém “ vô cùng thảm khốc với cảnh thi thể “thịt nát xương tan ,đầu rơi máu chảy”….rất dễ gây sốc ,tác động tâm lý tình cảm trực tiếp vào nhiều người trong đó có các nhân viên điều khiển tàu thường xuyên phải chứng kiến và gây ra tổn thất rất lớn về kinh tế cho ngành ĐS ,một nghành giao thông chủ lực có tầm quan trọng đặc biệt cả về kinh tế,xã hội,quốc phòng- an ninh Quốc gia .
Vì vậy cần có một giải pháp tích cực ,có hiệu quả an toàn tuyệt đối và phải đảm bảo khả thi để triển khai cùng đồng bộ một lúc trên toàn bộ các đường ngang để bảo vệ an toàn tính mạng tài sản cho con người lưu thông trên đường bộ ,bảo vệ được nhân dân sống gần đường sắt và bảo vệ an toàn cho hành trình các đoàn tàu đang lưu thông hàng ngày .
Giải pháp rào chắn có người gác là an toàn tuyệt đối vì vừa cảnh báo lại vừa kiểm soát ,ngăn chặn hữu hiệu người qua đường nhưng chỉ có thể triển khai được ở các tuyến đường ngang trong nội thị hoặc những tuyến đường ngang quan trọng ,vì biện pháp này rất tốn kém do phải có người thay nhau thường xuyên túc trực điều khiển và hệ thống thông tin liên lạc phải thường xuyên thông suốt .
Giải pháp cảnh báo tự động dùng cảm biến địa chấn không cần người điều khiển nên có tiết kiệm nhưng lại chỉ cảnh báo đơn thuần ,không hề ngăn chặn được các phương tiện giao thông vi phạm luật giao thông liều lĩnh vượt qua trước mũi tàu nên vẫn xẩy ra các thảm hoạ như ở Quảng Trị,Đồng Nai , Thừa Thiên Huế , Hung ga ri,Xiri lan ca ,Nhật Bản... Giải pháp này lại quá tốn kém ,ngốn cả 100 triệu cho một bộ nên không thể lắp đặt trên tất cả các đường ngang có người và phương tiện qua lại .Hiện tại còn hàng ngàn điểm quan trọng còn đang bỏ trống không có cảnh báo nên tại nạn vẫn thường xẩy ra .Độ tin cậy của thiết bị này lại chưa cao ,không xác định đựợc tuổi thọ tiêu chuẩn ,không dễ phát hiện được sự cố trục trặc để kịp thời sữa chữa lại làm việc trong điều kiện chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi nên có thể hỏng hóc gây báo sai tín hiệu hoặc làm mất tín hiệu có thể gây thảm hoạ khó lường .
Trước thực tế nan giải trên đã có một nghiên cứu khoa học “Rào chắn cững bức “hay “ Barie tự mở “tìm ra hướng mới để khắc phục nhược điểm của cả hai loại thiết bị đã nêu . Giải pháp này không cần người điều khiển nhưng lại làm được cả hai chức năng vừa thường xuyên cảnh báo được sự nguy hiểm và vừa kiểm soát bằng biện pháp cưởng bức buộc tất cả các phương tiện phải “xuống xe quan sát kết hợp với nghe ngóng “cảnh giác đưa ra biện pháp tức thời để tự bảo vệ mình...Thiết bị cơ học ,cơ chế hoạt động của thiết bị luôn luôn ở trạng thái đóng nên triệt để cả trong việc vừa cảnh báo nguy hiểm vừa ngăn được các chủ điều khiển phương tiện chủ quan lợi dụng đà tốc độ để liều lỉnh vượt qua . Biện pháp cưởng bức bằng cơ học trực tiếp này mang tính triệt để không bỏ qua một ai tạo được tập quán tốt giống như khi đi vào một cơ quan xí nghiệp buộc phải ”tắt máy xuống xe xuất trình giấy tờ “ chỉ cần 2 đến 3 phút là xong mà mọi người vui lòng chấp nhận . Thiết bị này chặn đứng triệt để không trừ một ai của tất cả những phương tiện muốn qua đường ngang trong trạng thái bình thường cũng như những người điều khiển giao thông trong trạng thái sử dụng các chất kích thích, không hề bỏ qua các “quái xế “đua xe phóng bạt mạng … Thiết bị này còn mang tính nhân đạo ,giúp cảnh báo ngăn được những người tàn tật phải dừng lại để chờ có người giúp đỡ ,thiết bị này cũng ngăn được các đại gia súc nghênh ngang phải dừng lại để chờ chủ nhân điều khiển ,bảo vệ được tài sản cho nhân dân .
Thiết bị cơ học dựa trên nguyên lý ” máy đơn giản” là đòn bẩy nên có độ tin cậy cao vận hành không cần điện năng mà lại dễ điều khiển,chỉ cần dùng tay tác động một lực như đẩy cửa đi là bari e mở ra ,đủ thời gian 20 đến 30 giây cho phương tiện đi qua là thanh chắn lại trở về vị trí cũ để ngăn được các phương tiện đến sau .Bố trí riêng một lối nhỏ chỉ dành cho người đi bộ mà không phải mở Barie vì họ đã chủ động nghe ngóng và quan sát được từ xa .Thiết bị cơ học dùng phương pháp lực là đòn bẩy , cầu thăng bằng có đối trọng trợ lực ,trục quay bằng vòng bi và các bánh răng kiểm soát tốc độ nên nên nhẹ nhàng an toàn khi sử dụng . Vì đơn giản rẻ tiền ,không cần điện năng nên có thể lắp dựng được cùng lúc trên toàn bộ mọi đường ngang dù rộng hay hẹp và bất kể mọi địa hình rừng núi ,đồng bằng hay ven đô hoạt động bình thường trong tất cả mọi điều kiện thời thiết khí hậu . Là thiết bị cơ khí đơn giản nên dễ chế tạo lắp dựng ,dễ bảo dưởng vận hành ,dễ phát hiện hư hỏng và sữa chữa đơn giản nhanh chóng .Hàng ngày các nhân viên tuần đường đi qua thường xuyên xem xét kiểm tra độ nhạy ,định kỳ bảo dưỡng tra dầu mỡ và dễ dàng khắc phục khi có hỏng hóc .Vì có nhiều kích cở khác nhau cho từng lọai đường , lại sản xuất hàng loạt tại công xưởng và lắp đặt các cấu kiện tại công trường nên giảm được hao phí vật tư nhân công hạ giá thành sản phẩm .Khái toán chi phí sản xuất và lắp dựng cho một bộ loại này khoảng 5 đến 8 triệu đồng .Lắp dựng đơn giản nhanh chóng nên chỉ cần một thời gian rất ngắn là triển khai xong trên toàn tuyến ĐS toàn quốc .Ở những nơi đã có thiết bị cảnh báo tự động cảm biến từ thì vẫn phải dùng thêm thiết bị này mới ngăn chặn được mọi sự liều lỉnh ,thay thế cho hệ thống điện từ khi có sự cố mới đảm bảo an toàn tuyệt đối .
Nước ta mỗi năm tai nạn giao thông trên cả nước cướp đi sinh mạng trên 12 ngàn người trong đó những vụ tai nạn giao thông trên đường ngang chiếm một tỷ lệ không nhỏ làm chết hàng ngàn người gây thiệt hại cho ngành ĐS hàng chục tỷ đồng và làm tổn thất rất lớn tài sản nhân dân ,tại những “điểm đen “ này báo trước những thảm hoạ khôn lường tạo nên trạng thái tâm lý không yên tâm cho hành khách đi tàu và người lái tàu phải thót tim khi chạy qua những đường ngang vì họ vừa chịu sức ép của tiến độ chạy tàu vừa phải trực tiếp đối mặt với tai nạn .Thiết bị này vừa giúp cho hành khách và nhân viên trên tàu giải tỏa được trạng thái tâm lý ,vừa giúp cho cư dân qua lại yên tâm tự tin giúp họ bảo vệ được tính mạng,tài sản và các sức vật nuôi.Đặc biệt taọ được tâm lý yên tâm cho người lái tàu bình tỉnh tự tin thực hiện hành trình theo đúng thời gian để nghành đường sắt thu hút được nhiều hành khách tham gia loại phương tiện hiện đại an toàn tiết kiệm này .
Trong điều kiện thiếu thốn của chiến tranh ,chỉ một cây tre và vài hòn đá cũng làm được một Barie kiểm soát được tất cả các loại phương tiện bảo vệ an toàn tính mạng con người và tài sản . Vậy thì trong điều kiện kinh tế và khoa học kỹ thuật ngày nay, chế tạo lắp đặt thiết bị này để bảo vệ toàn bộ hệ thống đường sắt là cần thiết mà rất khả thi mang lại hiệu quả tức thời và lâu bền cho ngành ĐS và bảo vệ hạnh phúc cho nhiều gia đình .
“Thà đốt lên một đốm lửa còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Thà phải làm một đđiều cái gì đó để không phải ôm hận khoanh tay ngồi nhìn hàng ngày máu của đồng bào cứ đổ dưới báng sắt tàu hỏa. Nghiên cứu này xuất phát từ trái tim rớm máu của một người làm công tác KHKT mong được Ủy ban Quốc gia về an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty ĐSVN xem xét, thẩm định đánh giá hiệu quả kinh tế, tính khả thi và thực nghiệm ứng dụng để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông để máu Nhân dân khỏi đổ trên những đường “ dao chém “!