Xiết chặt để đảm bảo ATGT

Thứ tư, 14/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Giảm thiểu TNGT đường bộ là một trong những mục tiêu lớn của việc sửa đổi Luật GTĐB lần này. Do đó, so với Luật GTĐB hiện hành, dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng chính phủ đã điều chỉnh, bổ sung một loạt các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn giao thông đường bộ, tăng cường công tác trật tự ATGT.

Giảm thiểu TNGT đường bộ là một trong những mục tiêu lớn của việc sửa đổi Luật GTĐB lần này. Do đó, so với Luật GTĐB hiện hành, dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng chính phủ đã điều chỉnh, bổ sung một loạt các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn giao thông đường bộ, tăng cường công tác trật tự ATGT.

Vấn đề ATGT được đặt lên hàng đầu trong Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) lần này. Điều này có thể nhận thấy rõ. Quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra TNGT đường bộ được đưa lên Chương I (Điều 8) của Dự thảo. Trong khi Luật GTĐB hiện hành, quy định này ở Điều 37.

Tiếp ngay sau đó, Chương I, Điều 9 dự thảo quy định nghiêm cấm hoàn toàn việc “điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc trong hơi thở có cồn hoặc có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng”.

CSGT kiểm tra phương tiện vi phạm. ảnh: Đức Thắng

Hiện tại, Luật GTĐB hiện hành quy định chỉ là “cấm người lái xe điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 40mg/1 lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng”. Như vậy, Dự thảo Luật GTĐB đã rất nghiêm khắc đối với vấn đề nồng độ cồn trong máu người điều khiển phương tiện.

Tuy có một số ý kiến cho rằng quy định cấm hoàn toàn việc uống rượu, bia và sử dụng chất kích thích đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sẽ khó thực hiện, không khả thi, chưa phù hợp với tập quán của người VN. Song để bảo đảm ATGT, tham khảo Luật GTĐB của một số nước, trong đó có Luật GTĐB của Trung Quốc, Ban soạn thảo Luật GTĐB (sửa đổi) và đa số ý kiến đã nhất trí đưa vào dự thảo Luật quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia và các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng trước và trong khi điều khiển xe.

Cũng ở Điều 9 “Các hành vi bị nghiêm cấm” này, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật bổ sung một loạt các hành vi bị nghiêm cấm: Cổ vũ đua xe trái phép, sử dụng chất ma túy (đối với người lái xe), điều khiển xe khi GPLX quá thời hạn quy định, lắp đặt sử dụng còi xe, đèn xe không đúng chủng loại cho phép, bỏ trốn sau khi gây TNGT, cố ý không cứu giúp người bị TNGT..

Quy định người tham gia giao thông đường bộ bằng xe môtô phải đội mũ bảo hiểm - là một nội dung chính thức được đưa vào dự thảo Luật GTĐB lần này. Phần Chương II “Quy tắc tham gia giao thông đường bộ” ( Điều 32, khoản 2) quy định rõ: “Người tham gia giao thông đường bộ bằng xe môtô 2 bánh, môtô 3 bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Như vậy việc đội mũ bảo hiểm đối với người đi môtô là quy định bắt buộc, như vậy sẽ được chính thức hóa ở văn bản luật cao nhất.

“Quy tắc tham gia giao thông đường bộ” cũng bổ sung thêm toàn bộ Điều 21 “Xếp hàng hóa trên phương tiện GTĐB” quy định cụ thể kích thước xếp hàng hoá trên từng loại phương tiện; bổ sung toàn bộ Điều 22 “Một số trường hợp được phép chở người trên ôtô chở hàng”; bổ sung toàn bộ Điều 26 “Quy tắc đi qua đảo giao thông”; bổ sung một số điểm trong Điều 34 “Người đi bộ”; bổ sung toàn bộ Điều 37 “Các hoạt động khác trên đường bộ".

Về tuổi của người lái xe, nhất là đối với lái xe kinh doanh vận tải hành khách, có nhiều ý kiến tham gia đề xuất theo hướng nâng độ tuổi của lái xe khách. Dự thảo Luật Điều 59 - Tuổi và sức khỏe của người lái xe, quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ôtô tải, máy kéo có trọng tải từ 3500kg trở lên; Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi.

Như vậy: tuổi tối thiểu của người lái xe khách từ 10-30 chỗ ngồi, tăng từ 21 tuổi (theo Luật hiện hành) lên là 24 tuổi; tuổi tối thiểu của người lái xe khách trên 30 chỗ, tăng từ 25 tuổi (theo Luật hiện hành) lên là 27 tuổi.

Theo giải trình của Bộ GTVT, người 18 tuổi là đủ tuổi lao động, có đủ điều kiện sức khỏe và tâm lý để lái xe loại nhỏ, mặt khác cần định hướng nghề nghiệp; vì vậy quy định được phép lái xe ô tô, máy kéo có trọng tải dưới 3500kg, xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi. Nếu nâng độ tuổi này lên, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lái xe và trước mắt là khó khăn trong lựa chọn nghề của lực lượng lao động trẻ.

Trong khi đó, để bảo đảm ATGT, nhất là đối với vận tải hành khách, việc nâng độ tuổi, thâm niên của lái xe là cần thiết nhằm đảm bảo người lái có tâm lý ổn định, có kinh nghiệm để xử lý các tình huống giao thông trên đường và ứng xử với khách đi xe văn minh, lịch sự hơn. Khoảng cách tuổi tối thiểu của các hạng giấy phép lái xe là 03 năm, đây là khoảng thời gian đủ để người lái xe ở hạng thấp hơn tích lũy kinh nghiệm và tiếp cận dần với việc lái phương tiện ở hạng cao hơn.

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung những quy định có tác động trực tiếp đến bảo đảm ATGT, việc bổ sung mới những quy định về Kết cấu hạ tầng GTĐB (toàn bộ Chương III) Vận tải đường bộ (toàn bộ Chương VI) - là những nội dung hoàn toàn mới của Dự thảo Luật - cũng có tác động rất mạnh mẽ tới đảm bảo trật tự ATGT đường bộ.

Phương Dung

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)