Gia Lai: Vì sự an toàn trong hoạt động vận tải

Thứ năm, 05/09/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm góp phần bảo đảm trật tự an toàn, thực hiện mục tiêu chung của cả nước là kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông, ngày 28-8-2012, Công đoàn ngành Giao thông-Vận tải tỉnh phát động phong trào thi đua xây dựng phong trào xây dựng “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn”. Sau 1 năm triển khai, phong trào đã thu nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề thuận lợi để tiếp tục phát huy trong những năm tới.
Nhằm góp phần bảo đảm trật tự an toàn, thực hiện mục tiêu chung của cả nước là kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông, ngày 28-8-2012, Công đoàn ngành Giao thông-Vận tải tỉnh phát động phong trào thi đua xây dựng phong trào xây dựng “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn”. Sau 1 năm triển khai, phong trào đã thu nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề thuận lợi để tiếp tục phát huy trong những năm tới.

Là một tỉnh Tây Nguyên, địa hình đồi núi hiểm trở nên Gia Lai không có tuyến đường sắt và đường thủy, tuy có đường hàng không nhưng tỷ lệ vận tải hành khách không nhiều. Vì vậy, việc thông thương giữa Gia Lai với các tỉnh thành khác chủ yếu phụ thuộc vào đường bộ. Đây cũng chính là yếu tố khiến lượng doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải của tỉnh phát triển khá mạnh, đặc biệt là xe khách chất lượng cao, từng được đánh giá là một trong những tỉnh tiên phong trong việc phát triển loại hình vận tải cao cấp này.

Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai, toàn tỉnh hiện có gần 100 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và 48 doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải khách với hàng ngàn phương tiện. Riêng hoạt động vận tải khách có tới 802 xe ô tô. Trong đó có 40 đơn vị kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định với 458 xe, 20 đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng với 80 xe, hoạt động trên 71 tuyến liên tỉnh, 11 tuyến nội tỉnh và 5 tuyến vận tải quốc tế (đi Campuchia và Lào). Ngoài ra, có 1 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt với 15 xe hoạt động 7 tuyến, chủ yếu là Pleiku đi các huyện, thị xã trong tỉnh và 3 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi với 249 xe chủ yếu ở TP. Pleiku và mở rộng tới các huyện, thị xã như An Khê, Ayun Pa, Đức Cơ, Chư Sê và Krông Pa.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn”, nhiều đơn vị vận tải không ngừng đầu tư phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng địa bàn hoạt động, tổng số phương tiện năm sau tăng hơn năm trước. Hiện nay, các tuyến vận tải liên tỉnh trên 300 km đều có xe ghế nằm, giường nằm phục vụ hành khách. Đặc biệt, định kỳ hàng tháng các đơn vị đều tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ, các nghị định về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, về điều kiện kinh doanh vận tải… đến người lao động, nhất là đối tượng lái xe tại đơn vị. Các thông tin về tai nạn giao thông, những tình huống tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cũng được cập nhật liên tục để lái xe biết đề phòng.

Ông Trần Đình Kha-Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ Pleiku (một trong 5 đơn vị vận tải đạt danh hiệu “Doanh nghiệp vận tải an toàn”) cho biết: Tích cực hưởng ứng phong trào đơn vị không chỉ đầu tư trang-thiết bị, hoàn thiện cơ sở vật chất mà còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở anh em lái xe chạy đúng tốc độ; đồng thời cử cán bộ chuyên trách theo dõi vấn đề an toàn giao thông thông qua máy chủ và các thiết bị giám sát hành trình.

Không chỉ vậy, phong trào cũng đã có tác động lớn đến các tài xế. Rất nhiều anh em lái xe đã được bình chọn là “Lái xe an toàn”. Trong đó, có 15 lái xe được tuyên dương tại hội nghị. Anh Nguyễn Văn Độ-tài xế hãng xe Hồng Hải, một trong những người đạt danh hiệu “Lái xe an toàn” chia sẻ: Mình từng lái xe tải, sau này chuyển sang lái xe khách, do đó ý thức trách nhiệm đối với tài sản, tính mạng của hành khách càng khiến mình lái xe cẩn thận hơn. Nếu thấy xe không đảm bảo an toàn phải dừng lại kiểm tra, khi nào thấy yên tâm rồi mới chạy, dù trễ một chút cũng giữ tốc độ an toàn chứ không vội vàng vượt ẩu hay chạy quá tốc độ. Ngay cả việc dừng đón khách (chỉ đối với khách đã đặt vé chứ không đón khách dọc đường) cũng phải hẹn khách ở những địa điểm an toàn.

Tuy nhiên, là năm đầu tổ chức phát động nên phong trào thi đua xây dựng “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn” vẫn còn một số hạn chế như: nội dung, hình thức tổ chức tuyên truyền còn chưa phong phú, đa dạng, chưa tổ chức được các hội thi, đợt thi đua sôi nổi nhằm tạo điểm nhấn cho phong trào; một số người đứng đầu doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải chưa thực sự quan tâm, một số làm qua loa, chiếu lệ, chưa sâu sát hoặc một số lái xe còn thờ ơ, xem nhẹ, thực hiện chưa nghiêm các tiêu chí “lái xe an toàn”, vi phạm nội quy, quy định như phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách…

Ông Phạm Đức Phúc-đại diện Hợp tác xã Vận tải Đak Đoa kiến nghị: “Sở cần tăng cường hơn nữa việc giám sát chế độ báo cáo của từng đơn vị, nhất là tăng mức xử phạt hoặc áp dụng chế tài mạnh như cắt tuyến, cắt tài đối với các trường hợp vi phạm xe dù, bến cóc. Còn theo ông Trần Đình Kha thì các cơ sở đào tạo lái xe cần nâng cao chất lượng đào tạo trong công tác cấp giấy phép lái xe, các đơn vị vận tải cần phấn đấu hơn nữa từng bước xây dựng tuyên truyền văn hóa giao thông trong đơn vị mình...

Để các đơn vị vận tải tiếp tục hưởng ứng tích cực phong trào thi đua xây dựng “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn” trong những năm tiếp theo, ông Nguyễn Trung Tâm-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải nhấn mạnh: “Tiếp tục tổ chức, duy trì phong trào tại đơn vị, căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ của đơn vị trong từng thời điểm để xác định những tiêu chuẩn của phong trào phát động xây dựng cho phù hợp tình hình thực tế; đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền giáo dục Luật Giao thông Đường bộ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe tại đơn vị; xây dựng văn hóa giao thông, xây dựng doanh nghiệp văn hóa. Đồng thời, củng cố chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của bộ phận quản lý các điều kiện an toàn giao thông…
Nguồn: Báo Gia Lai

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)