Trước tình hình tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng phức tạp, đặc biệt là các vụ TNGT thảm khốc liên tiếp xảy ra vừa qua gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước từ ngày 10-10 tổng kiểm soát, xử lý xe ô-tô chở khách vi phạm Luật Giao thông, đề nghị Cục đường bộ
Việt Nam cắm biển hạn chế tốc độ tối đa tại một số điểm xảy ra và nguy cơ xảy ra nhiều TNGT.
Theo Cục CSGT, TNGT đường bộ chín tháng đầu năm trên cả nước giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 113 vụ, làm chết 336 người, bị thương 381 người; tăng tám vụ, 15 người chết so với chín tháng đầu năm 2008. Ðáng chú ý tình trạng TNGT đặc biệt nghiêm trọng đối với xe ô-tô chở khách đã xảy ra 25 vụ (chiếm 22,1% tổng số TNGT đặc biệt nghiêm trọng), làm chết 86 người (chiếm 25,6%), bị thương 238 người (chiếm 62,5%). Tuyến đường xảy ra TNGT chủ yếu là quốc lộ (47,1%), 17,3% xảy ra ở tỉnh lộ, 16,06% tại đường đô thị và 19,5% tại đường giao thông nông thôn. Phương tiện gây tai nạn chủ yếu là mô-tô (chiếm 63,69%), tuy nhiên so sánh về tỷ lệ thì số ô-tô gây tai nạn cao gấp mười lần mô-tô, thiệt hại do ô-tô gây ra thường nghiêm trọng hơn rất nhiều so với mô-tô gây tai nạn. Lỗi vi phạm trực tiếp gây TNGT là đi không đúng phần đường, chạy quá tốc độ, không chú ý quan sát, tránh vượt sai, say rượu, bia điều khiển phương tiện.
Nguyên nhân của tình hình nói trên xuất phát từ nền kinh tế phục hồi và phát triển, các khu công nghiệp được mở rộng, người dân có điều kiện mua sắm phương tiện. Trong chín tháng đầu năm, toàn quốc đăng ký mới 126.630 ô-tô, gần 1,9 triệu mô-tô, tăng 9,4% ô-tô và 7,5% mô-tô so với năm 2008. Nhu cầu đi lại tăng cao, đặc biệt là giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng, miền; hoạt động của các lễ hội... dẫn đến mật độ phương tiện tham gia giao thông quá tải trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng. Do đường sá được nâng cấp mở rộng nên tốc độ phương tiện cải thiện, nhưng nhiều tuyến chỉ có hai làn xe, tham gia giao thông hỗn hợp; chưa có biện pháp hữu hiệu hạn chế phương tiện cá nhân; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được quan tâm, tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đến được với người dân, nhất là thanh niên và người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, do đó ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông còn kém. Cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác bảo đảm TTATGT, chưa sát với tình hình thực tế, điều hành thiếu quyết liệt, thiếu biện pháp mạnh, chưa kiên trì và kiên quyết để giảm TNGT. Ðáng chú ý, những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước về TTATGT, đặc biệt trong quản lý vận tải và lái xe khách chậm được khắc phục. Một số doanh nghiệp nhỏ, tư nhân đầu tư xe chất lượng thấp, thực hiện hợp đồng và khoán cho lái xe, chưa quan tâm đến quản lý, giáo dục đạo đức cho lái xe và phụ xe nên lái xe chịu áp lực khoán chỉ chạy theo lợi nhuận, bất chấp tính mạng của người tham gia giao thông. Vi phạm chạy quá tốc độ, tránh vượt sai, tranh giành khách diễn ra phổ biến, là nguyên nhân chính của các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (80% số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, chủ quản lý xe là tư nhân; 97% do vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát). Việc quản lý lái xe sau khi sát hạch được cấp giấy phép lái xe còn hạn chế. Người điều khiển mô-tô không qua đào tạo nên chưa có kỹ năng lái xe, trình độ hiểu biết pháp luật yếu, tham gia giao thông theo thói quen, tùy tiện. Toàn quốc chỉ có 8.323 CSGT thường xuyên làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; do đó nhiều tuyến đường, nhất là giao thông nông thôn bị bỏ trống trong khi đó việc huy động lực lượng công an xã tham gia giữ gìn TTATGT còn hạn chế.
Trong chín tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã thực hiện tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia về công tác bảo đảm TTATGT, tăng cường thực hiện các phương án kiềm chế TNGT, giải quyết ùn tắc. Qua tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT nhằm cưỡng chế thi hành pháp luật đồng thời giáo dục, răn đe người vi phạm, lực lượng CSGT cả nước kiểm tra xử lý hơn 3,9 triệu trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, kho bạc Nhà nước thu 965,7 tỷ đồng (so với chín tháng đầu năm 2008 số vi phạm bị xử lý giảm 350.061 trường hợp, tiền phạt tăng 70,1 tỷ đồng), thu giữ giấy phép lái xe 120.980 trường hợp, tạm giữ 15.527 ô-tô, 538 mô-tô, xe máy. Ðáng chú ý đã xử lý 103.271 ô-tô khách vi phạm (có 18.701 xe chở quá số người quy định, chiếm 18,1% tổng số xe khách vi phạm), 545.079 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ TNGT; khảo sát, kiến nghị các bất hợp lý về tổ chức giao thông.
Các giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông sẽ được triển khai như tăng cường tuần tra kiểm soát, tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, tăng cường tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính, tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, đối với các địa phương có TNGT tăng phân tích, xác định đối tượng, tuyến đường, địa bàn, hành vi vi phạm dẫn đến TNGT, từ đó xây dựng phương án tổ chức lực lượng phù hợp và tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm TTATGT theo các chuyên đề. Phối hợp ngành giao thông vận tải tổ chức khảo sát các vị trí xảy ra TNGT; xác định nguyên nhân về tổ chức giao thông để kiến nghị cắm biển báo hạn chế tốc độ tại một số điểm đông dân cư, đường cong tầm nhìn bị che khuất, nhất là "điểm đen" đã xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng; bổ sung dải phân cách mềm, vạch sơn để phân làn đường, phần đường, hệ thống cọc tiêu, gờ giảm tốc... Lực lượng công an xã, thị trấn thường xuyên phối hợp chính quyền xã, phường tổ chức các cuộc họp dân phố, nêu tên các trường hợp vi phạm trên đài phát thanh của xã; đến từng hộ dân tuyên truyền vận động việc chấp hành Luật Giao thông; đối với các trường hợp tái phạm, thực hiện gọi lên xã răn đe, ký cam kết không vi phạm.