Tại bến Hộ, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư trên sông Trà Lý, chủ đò TB101 Lê Ngọc Hà cho biết: “Thuyền được chở 17 người và 0,4 tấn hàng, bản thân tôi đã lái đò ngang được 20 năm tại đây”. Về hồ sơ hoạt động của phương tiện, anh Hà cho tôi xem đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ chuyên môn, cam kết ký với UBND xã và CSGT đường thuỷ. Chỉ vào đống phao trên thuyền, anh cho biết thêm: “Sau lần bị phạt năm vừa rồi với lỗi không để phao trên thuyền, hiện trên đò luôn có đủ số lượng phao cho mọi người sử dụng”.
Ngược dòng Chà Lý gần 10km, chúng tôi có mặt tại bến Vực thuộc xã Đồng Phú huyện Đông Hưng, có đặc thù là chợ được xây dựng ngay trên bến đò. Anh Nguyễn Văn Minh - chủ đò TB 1150 có tải trọng 20 khách và 5 tấn hàng đang phát áo phao cho khách mặc, cho biết: “Một ngày hoạt động từ 40 đến 50 chuyến, thời kỳ đông nhất là gần Tết vì bà con đi chợ, buôn bán nhưng cũng không dám chở quả số người”. Lý do mà anh Minh đưa ra là “trong tháng 1 đã bị xử phạt chở quá 2 người, nếu vi phạm tiếp CSGT sẽ đề nghị xã đình chỉ hoạt động, giao cho người khác đấu thầu”. Cũng theo anh Minh thì khu vực này tần xuất hoạt động nhiều nên không thể chủ quan mà phải chủ động yêu cầu khách mặc áo phao được Ban ATGT tỉnh cấp.
Ông Nguyễn Duy Tuân - Phó chủ tịch UBND xã Đồng Phú cho rằng: “Yêu cầu đầu tiên khi các trường hợp đến đấu thầu hoạt động là phải có đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện cũng như người điều khiển. Trong quá trình hoạt động, UBND xã thường xuyên kiểm tra, riêng ngày lễ, Tết việc kiểm tra hoạt động do Phó chủ tịch UBND xã trực tiếp tiến hành. Hợp đồng của xã chỉ ký với người đấu thầu 1 năm 1 lần, nếu không thực hiện đúng theo quy định sẽ chấm dứt hợp đồng”.
Trung tá Vũ Văn Dinh - Trạm trưởng Trạm Trà Lý, Phòng CSGT Đường thuỷ Thái Bình cho biết thêm: “Trạm được giao quản lý 70km với 18 bến sông, theo yêu cầu bắt buộc của Phòng thì sau khi hoàn tất các hồ sơ, ký cam kết, hàng tháng đều phải có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện của các chủ đò. Thời gian qua, việc vi phạm không nhiều chủ yếu chỉ là chở quá số người từ 2 đến 3 khách và một vài trường hợp không để áo phao trên đò. Trường hợp nào vi phạm, cần thấy phải đình chỉ hoạt động sẽ giao thông báo, hồ sơ cho UBND xã để xử lý”.
Trên thực tế, cách phân định trách nhiệm: chính quyền, lực lượng CSGT quản lý, giám sát; chủ bến và người điều khiển phương tiện có nghĩa vụ thực hiện, (gọi là 3 bên) được thực hiện từ năm 1998. Đến năm 2004, mỗi bến khách ngang sông đã được giám sát bằng một bộ hồ sơ đầy đủ gồm: Đăng ký phương tiện; giấy phép hoạt động; chứng nhận đăng kiểm; các loại giấy tờ văn bản liên quan; cam kết của chủ bến, chủ phương tiện... Trên cơ sở này, Phòng CSGT Đường thủy chủ trì trong việc phối hợp với các xã trên địa bàn để quản lý. Phòng cũng quy định mốc thời gian hàng tháng để các trạm CSGT phải tiến hành kiểm tra dựa trên những quy định đã cam kết, bến nào vi phạm se bị lập biên bản. Lãnh đạo phòng CSGT sẽ ký thông báo gửi đến xã để chấn chỉnh, khắc phục.
Trung tá Đỗ Gia Hoà - Phó trưởng Phòng CSGT Đường thuỷ cho biết thêm: “Bằng cách làm này, có thể kiểm tra, nắm bắt tình hình một cách cụ thể và thường xuyên qua đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các vi phạm một cách kịp thời. Điều quan trọng hơn là biện pháp này sẽ hạn chế được việc trốn tránh trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở bên cạnh lợi ích kinh tế từ việc giao khoán. Trong trường hợp nếu TNGT xảy ra, có thể biết ngay được trách nhiệm thuộc về bên nào để xử lý. Nhờ sự kết hợp này, gần 5 năm qua đã không có tai nạn đò ngang trên hệ thống sông của Thái Bình”.
nguồn banduong.vn