Một số giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Thứ năm, 14/02/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề thời sự được dư luận hết sức quan tâm. Vấn đề này đang ngày càng phức tạp và trở thành một trong những vấn nạn đối với hai thành phố lớn nhất cả nước.

Ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề thời sự được dư luận hết sức quan tâm. Vấn đề này đang ngày càng phức tạp và trở thành một trong những vấn nạn đối với hai thành phố lớn nhất cả nước. Nổi cộm về giao thông đô thị ở Thủ đô Hà Nội và TP HCM có thể nêu một cách ngắn gọn là tập trung ở các vấn đề chủ yếu: Tắc nghẽn giao thông; Tai nạn giao thông; Hệ thống giao thông công cộng không đáp ứng được yêu cầu; Việc đầu tư xây dựng chưa có quy hoạch đồng bộ.

Để có thể từng bước giải quyết được những vấn đề này cần xây dựng một kế hoạch tổng thể và phương thức để đạt được các mục tiêu hạn chế và đẩy lùi nạn ùn tắc giao thông, cải thiện điều kiện giao thông đô thị. Cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Những giải pháp cần đề cập để từng bước giải quyết vấn đề có thể bao gồm: Xây dựng quy hoạch đồng bộ và chi tiết; Nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý trên các tuyến chính; Thu hút được nhiều người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; Lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường; Xã hội hoá mạnh mẽ vận tải công cộng; Giảm lưu lượng giao thông xe máy; Điều tiết và hạn chế lưu lượng xe ô tô cá nhân; Có chính sách trợ cấp cho những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng như là một giải pháp khuyến khích; Tạo vốn để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị...

Việc giải quyết các vấn nạn ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông phụ thuộc rất nhiều vào việc hoạch định và xây dựng một kế hoạch thực hiện phù hợp. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, cần tránh đưa ra những đề xuất, các giải pháp xử lý tình thế không phù hợp thực tế, không mang tính khả thi như thời gian vừa qua mà cần có sự đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực tham mưu tư vấn, lập quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách và đề xuất giải pháp thực hiện. Cần công khai rộng rãi quy hoạch cũng như các giải pháp để mọi người dân biết và ủng hộ vì các mục tiêu, lợi ích chung.

Về quy hoạch: Cần đặt vấn đề giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tốc độ xây dựng với sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và các chỉ tiêu sinh hoạt như điện, nước, môi trường, xử lý rác thải…

Thời gian vừa qua tốc độ xây dựng các khu chung cư trong thành phố tăng lên rất nhanh kéo theo một lượng lớn dân cư tập trung về thành phố, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng cho cơ sở hạ tầng như đường sá giao thông, cấp thoát nước, cung ứng điện… lại hết sức hạn chế dẫn đến một nghịch lý, nếu không nghiên cứu để có biện pháp xử lý ngay thì tình hình sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng khó xử lý được. Cần có sự đầu tư nghiên cứu, khảo sát thực tế để có được các số liệu về các thông số liên quan đến chất lượng cuộc sống.

Các cơ quan chức năng khi thẩm định dự án để cấp phép xây dựng cần đưa ngay yêu cầu về đánh giá ảnh hưởng của việc xây dựng và khai thác trên các chỉ tiêu về điện, nước sinh hoạt, chỉ tiêu về giao thông/đầu người; khả năng xử lý rác thải, thoát nước của thành phố; các vấn đề về môi trường, bảo tồn…

Kiên quyết không tiếp tục đầu tư xây dựng khi nhận thấy tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa các yêu cầu cơ bản của đời sống đô thị với việc đầu tư xây dựng chung cư, nhà ở. Tránh tình trạng đầu tư chỉ chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các vấn đề tổng thể thiết yếu liên quan trong đời sống đô thị.

Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể di chuyển các trường đại học, các công ty, nhà xưởng sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số bệnh viện, trường học ra khỏi các khu trung tâm thành phố và có cơ chế chính sách rõ ràng về mặt bằng, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, phương tiện đi lại đảm bảo cho việc di chuyển thuận lợi nhất cho đối tượng cần di chuyển.

Riêng vấn đề đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị: Khó khăn nhất vẫn là các vấn đề về vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng. Nếu làm theo cách như từ trước đến nay thì những tuyến đường đô thị mới mở vừa không phát huy được hết tác dụng (vỉa hè lòng đường bị lấn chiếm ngay khi tuyến đường hoàn thành, bộ mặt đô thị nhếch nhác do người dân sử dụng hỗn tạp các loại kiến trúc) vừa không thể huy động được vốn đầu tư. Nên tham khảo phương thức đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị của một số nước trong khu vực.

Có thể đưa ra nguyên tắc dải băng rộng khi GPMB và Nhà nước sẽ sử dụng dải băng ngoài phạm vi tuyến đường để xây dựng theo quy hoạch và phát triển dịch vụ, cho thuê, kinh doanh để tạo vốn tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị. Tất nhiên đi kèm theo đó là một chính sách đền bù thỏa đáng đối với người dân, trong đó có các ưu đãi cho các hộ dân bị giải tỏa mà vị trí nhà và cuộc sống của họ trước đây phụ thuộc vào mặt đường.

Như vậy thành phố cũng phải chuẩn bị một quỹ nhà đủ để thực hiện theo phương án này. Nếu làm được như vậy thì không những sẽ có một nguồn kinh phí to lớn, ổn định để đầu tư mà còn tạo được một bộ mặt đô thị sáng sủa, văn minh hiện đại. Có thể làm thí điểm một số tuyến đường đầu tư cụ thể và đúc rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, cần phải quan tâm đến các giải pháp khác như: lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, các vấn đề liên quan đến xe máy, ô tô con và xe buýt...

Võ Hoàng Anh (Hà Nội)

Võ Hoàng Anh (Hà Nội)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)