Theo thống kê các vụ tai nạn giao thông (TNGT) toàn quốc trong những năm qua của Uỷ ban ATGT Quốc gia cho thấy nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT chủ yếu là do người tham gia giao thông không chấp hành các quy định về an toàn giao thông, chiếm hơn 70%, như các lỗi vi phạm: chạy quá tốc độ; đi sai phần đường; tránh vượt sai quy định; điều khiển phương tiện khi say rượu bia;…
Người gửi:
Hoàng Xuân Quý
E-mail:
hoang_quy_2002@yahoo.com
Ngày: Thứ bảy, 17/03/2007
Theo thống kê các vụ tai nạn giao thông (TNGT) toàn quốc trong những năm qua của Uỷ ban ATGT Quốc gia cho thấy nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT chủ yếu là do người tham gia giao thông không chấp hành các quy định về an toàn giao thông, chiếm hơn 70%, như các lỗi vi phạm: chạy quá tốc độ; đi sai phần đường; tránh vượt sai quy định; điều khiển phương tiện khi say rượu bia;… Bởi vậy, tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông của người tham gia giao thông là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu, cơ bản, lâu dài để kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông. Sau Luật Giao thông đường bộ năm 2001, Ban Bí Thư, Quốc Hội, Chính phủ liên tiếp ban hành các chỉ thị số 22/CT-TW, Nghị quyết số 14/QH, Nghị quyết số 13/CP về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong đó có nhấn mạnh đến biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn giao thông.
Thực tế cũng cho thấy, tuyên truyền là một trong những biện pháp hiệu quả trong công tác bảo đảm ATGT. Nếu lấy mốc là ngày 19/11/2002, ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/CP về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần TNGT và ùn tắc giao thông, tình hình TNGT trong những năm qua đã được kiềm chế. Trong hai năm (2001-2002) trước khi thực hiện Nghị quyết 13/CP, trung bình mỗi năm xảy ra 26.087 vụ TNGT, làm chết 11639 người, làm bị thương 29.961 người. Hai năm sau khi thực hiện Nghị quyết 13/CP, mỗi năm xảy ra 18.474 vụ, làm chết 11.502 người, bị thương 17.997 người. Như vậy, TNGT đã giảm 29,2% số vụ, giảm 1,2 số người chết và giảm 40% số người bị thương. Trong những năm tiếp theo, tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hạn chế ùn tắc giao thông kéo dài, cơ bản ngăn chặn được tệ đua xe trái phép, đặc biệt là trong những ngày lễ, tế và những thời gian diễn ra sự kiện trọng đại của đất nước thì an toàn giao thông được bảo đảm tốt, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Nếu tính theo tỷ lệ TNGT đường bộ trên 10.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì chỉ số về số vụ, số người chết, số người bị thương liên tục giảm trong những năm từ 2003 đến 2006. Theo các chuyên gia và nhiều nhà lãnh đạo trong ngành Giao thông vận tải, Cục CSGT đường bộ - đường sắt và Uỷ ban ATGT Quốc gia thì một trong những giải pháp quan trọng được đánh giá đã mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT, phát động phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn TTATG”. Trong thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (các báo, đài Trung ương, địa phương) được triển khai rộng khắp với hàng loạt các chương trình gây ấn tượng như: chương trình “Tôi yêu Việt Nam”, Chương trình An toàn giao thông buổi sáng; các phóng sự, phim khoa giáo về an toàn giao thông; các buổi toạ đàm về an toàn giao thông trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,… Trên các báo viết, báo điện tử hầu như đều có chuyên trang, chuyên mục về an toàn giao thông. Ngành Giáo dục đã có giáo trình đưa vào dạy chính khoá cho học sinh từ bậc mầm non đến Đại học. Các ngành chức năng đã phát hàng triệu tờ rơi về an toàn giao thông; triển lãm ảnh; tổ chức Hội thảo, Hội thi Liên hoan băng hình toàn quốc (2 năm một lần); ký giao ước thi đua giữa các ngành, đơn vị; ký cam kết đến các hộ gia đình; tổ chức các buổi nói chuyện; soạn thảo sách, tài liệu hướng dẫn về giao thông;…
Nhìn chung, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT đã được các ngành, các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng tiến hành với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung luôn được đổi mới, có sự thu hút, hấp dẫn và hiệu quả cao, bước đầu đã hình thành phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT”, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của mọi người trong xã hội. Nhưng chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng, nếu công tác tuyên truyền không được đổi mới thường xuyên, tạo sức lan toả đến toàn cộng đồng thì hiệu quả sẽ thấp và dễ làm mất sức thu hút, chu ý của người dân. Công tác tuyên truyền với mục đích hình thành thói quen, tâm lý, ý thức, nếp văn hoá giao thông trong mỗi con người là một công tác lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ và sự tham gia của toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, vì thế, không bao giờ là “đủ”. Chúng ta cần thêm nhiều hình thức tuyên truyền nữa để tạo sự cộng hưởng lớn hơn. Vừa qua, Chính phủ đã có những chủ trương lớn về công tác bảo đảm TTATGT tại Hội nghị ATGT toàn quốc năm 2006 (Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 05/01/2007 của Văn phòng Chính phủ), Uỷ ban ATGT Quốc gia tổ chức diễn đàn ATGT với chủ đề “Hãy góp sức giảm thiểu TNGT”. Chúng tôi cho rằng việc đóng góp ý kiến cho diễn đàn là sự thể hiện trách nhiệm của mỗi công dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong diễn đàn hôm nay, tôi xin đóng góp ý tưởng truyên truyền an toàn giao thông qua mạng điện thoại di động (mobile). Theo đó, tôi đề nghị Chính phủ, Uỷ ban ATGT Quốc gia có kế hoạch chỉ đạo các bộ ngành liên quan, Tổng công ty viễn thông thiết lập một dịch vụ trung tâm thực hiện ba tính năng chính: nhắn đồng loạt các tin SMS tới các máy di động trên toàn quốc; trả lời, tư vấn tự động các quy định về giao thông (như mức độ xử phạt, hồ sơ, thủ tục để đăng ký xe máy,…) cho người dân qua hệ thống tin nhắn; tiếp nhận các tin nhắn phản ánh của người dân. Hiện nay, số người sử dụng mobile ở nước ta đã vượt con số 10 triệu người. Thông thường, đây là những người ở độ tuổi từ 15-55. Đây là bộ phận chiếm đại đa số người tham gia giao thông. Nếu như có một tin nhắn tuyên truyền về giao thông được gửi qua mạng di động đến tất cả các số máy mobile thì chắc chắn là phần lớn xã hội đã được cung cấp thông tin về giao thông. Hơn nữa, lại là tin nhắn trên di động nên theo tâm lý thì tất cả đều sẽ đọc tin này. Với những mẩu tin ngắn trên máy di động, người sử dụng có thể biết được: những quy định về pháp luật giao thông; đặc biệt là những quy định mới; mức độ xử phạt hành chính đối với từng hành vi; cảnh báo về TNGT; số điện thoại đường dây nóng; kinh nghiệm lái xe an toàn;… Nội dung cụ thể những tin nhắn này sẽ do các chuyên gia thuộc Cục CSGT (Bộ Công an), Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban ATGT Quốc gia xây dựng. Tuyên truyền qua mạng mobile quả là một việc cần thiết, hiệu quả. Một thực tế nữa cho thấy sự cần thiết của hình thức này là không phải ai cũng có thời gian, điều kiện để đọc báo, nghe đài, xem tivi, lên mạng.
Bởi vậy, việc nhắn tin qua mobile sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền được hiệu quả, thường xuyên, rộng rãi hơn. Tuy nhiên, nếu ý tưởng này đưa ra có thể sẽ vấp phải những ý kiến phản đối rằng nó sẽ xâm phạm quyền thông tin của người dùng mobile khi phải nhận những tin không theo yêu cầu. Đối với mỗi người dùng mobile đều dễ thấy được là có lúc bạn nhận được những tin thông báo từ trung tâm của các mạng di động về thông báo mở rhêm dịch vụ mới, thông báo cước hàng tháng,… chưa nói là những thông tin quảng cáo khác. Vậy thì, tin nhắn về nội dung ATGT tại sao lại không được? Chẳng lẽ nhận tin nhắn về ATGT sẽ giúp bạn hiểu hơn về những vấn đề và quy định pháp luật, chủ trương của nhà nước về ATGT, giúp bạn tham gia giao thông được an toàn cho chính bản thân và cho mọi người lại là xâm phạm quyền tự do thông tin? Bảo đảm an toàn giao thông đang là chủ trương lớn của Chính phủ, công việc này đòi hỏi toàn xã hội tham gia. Trách nhiệm bảo đảm ATGT không phải của riêng ngành nào, cấp nào mà là của toàn xã hội, của mỗi người. Nhận tin, đọc tin nhắn về ATGT cũng là một biểu hiện của người dân trong việc tham gia chung tay cùng cộng đồng bảo đảm TTATGT. Với lại, sẽ không có gì là quá phiền phức với người sử dụng nếu khoảng 2-3 ngày nhận được một tin nhắn từ trung tâm. Thế nhưng kinh phí ở đâu để duy trì, tổ chức thực hiện?
Tôi nghĩ rằng, nếu đầu tư kinh phí mà có thể làm giảm những tổn thất về người và tài sản trong quá trình tham gia giao thông là một đầu tư có lợi, hiệu quả và cần thiết. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ có kế hoạch triển khai thống nhất; các Công ty viễn thông sẽ chung tay cùng cộng đồng. Hơn nữa, rất có thể còn nhiều Doanh nghiệp sẽ tài trợ cho hình thức tuyên truyền này. Công ty Honda, Yamaha,… tài trợ và tổ chức nhiều chương trình truyền thông trong thời gian qua là một ví dụ. Tóm lại, nhắn tin ATGT qua mạng mobile là một ý tưởng có tính khả thi cao, hiệu quả và có sức lan toả lớn đến toàn xã hội trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến ATGT. Trên đây là một số suy tư đóng góp cho diễn đàn. Rất mong các ngành chức năng quan tâm và mong sớm nhận được hồi âm của Ban biên tập, và ý kiến góp ý của bạn đọc để ý tưởng ngày càng hoàn thiện hơn.