Ý kiến về thực trạng và giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông.

Thứ năm, 08/03/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực trạng vi phạm luật giao thông khá phổ biến và tình hình tai nạn giao thông ở nước ta trong hơn một thập niên qua diễn ra hết sức phức tạp, tình hình TNGT mỗi năm càng gia tăng cả trên ba mặt (số vụ, số người chết và bị thương). Hiện nay bình quân mỗi ngày có hơn 30 người chết vì TNGT

 

Thực trạng vi phạm luật giao thông khá phổ biến và tình hình tai nạn giao thông ở nước ta trong hơn một thập niên qua diễn ra hết sức phức tạp, tình hình TNGT mỗi năm càng gia tăng cả trên ba mặt (số vụ, số người chết và bị thương). Hiện nay bình quân mỗi ngày có hơn 30 người chết vì TNGT, trong khi đó chúng ta  chưa kể đến hàng trăm, hàng nghìn người khác bị thương và bị tàn phế, thiệt hại về tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng. Bởi vì bên cạnh số vụ TNGT được thống kê báo cáo còn có hàng trăm vụ “va chạm giao thông” mỗi ngày (những vụ không có người chết hoặc không bị khởi tố về hình sự) và những vụ va chạm khác người dân tự giải quyết với nhau mà không báo cho cơ quan chức năng, đây là những vụ có thể nhiều gấp nhiều lần số vụ TNGT.

Có lẽ chúng ta cần thống kê đầy đủ số vụ TNGT và va chạm giao thông  mới thấy hết được thiệt hại khủng khiếp của nó, bởi TNGT và va chạm giao thông có một ranh giới hết sức mỏng manh được phân biệt qua tỉ lệ thương tích và thiệt hại về tài sản, do đó những con số được phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng theo tôi vẫn chưa khách quan và đầy đủ về thực trạng giao thông ở nước ta. Người ta có thể tính toán được về số lượng người chết, bị thương, số tiền bị thiệt hại nhưng hậu quả về mặt xã hội ké theo đằng sau những vụ TNGT chắc chưa có một công trình nghiên cứu nào tính toán được. Ví dụ : TNGT gây thiệt mạng cho 2 vị giáo sư giỏi ở nước ta thì những công trình nghiên cứu của họ đang dang dở, những cống hiến của họ trong tương lai sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước ai có thể tính toán được hoặc TNGT gây thiệt mạng cho người chồng, người cha là trụ cột chính trong gia đình rồi những đứa con thơ dại không có đủ điều kiện để được học hành, dạy dỗ nên người dẫn đến bần cùng sinh đạo tặc....Chắc ai cũng thấy đau lòng bởi những thiệt hại về người và tài sản do TNGT ở nước ta ước tính bằng sức tàn phá của một cuộc chiến tranh ở quy mô vừa và nhỏ (trong khi đất nước ta đang hoà bình độc lập có nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh).

Có thể nói hệ thống pháp luật về quả lý giao thông của ta về cơ bản đã đầy đủ và hoàn thiện nhưng TNGT ngày càng gia tăng trong đó có những nguyên nhân chủ quan và khách quan nhất định, song về cơ bản theo tôi vẫn là hai nguyên nhân chính đã được nêu trong nghị quyết số 13/2002/CP của chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đó là "Công tác quản lý nhà nước còn nhiều thiếu sót khuyết điểm và ý thức quá kém trong việc chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông".
 Một số mặt tồn tại thiếu sót theo tôi đó là : Công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa thực sự sâu rộng, chưa phong phú đa dạng và chưa có sức cuốn hút đối với từng người dân; Công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe chưa thực sự chặt chẽ chỉ mang tính hình thức chưa đảm bảo chất lượng và chưa trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật đối với người được cấp giấy phép lái xe; Công tác tuần tra kiểm soát về giao về giao thông của các cơ quan chức năng chưa có tính thường xuyên liên tục, chưa đảm bảo khép kín địa bàn; Việc quản lý tốc độ phát triển của xe cơ giới chưa có tính khoa học. Từ các nguyên nhân trên cùng với ý thức chấp hành pháp luật quá kém của người dân đã tạo nên bức tranh giao thông hỗn hợp phức tạp, tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, nhất là số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đây là 2 nguyên nhân chính và chúng có mối quan hệ tác động lẫn nhau nếu khắc phục tốt trong một nguyên nhân này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khắc phục nguyên nhân kia và ngược lại.
Tham gia diễn đàn hiến kế giảm thiểu TNGT tôi xin đóng góp một vài ý kiến tham luận sau :
-Thứ nhất : Nhà nước cần có chính sách khống chế sự phát triển của xe môtô, xe máy bởi hiện nay trên cả nước đã có khoảng 19 triệu môtô, xe máy các loại nếu tính bình quân trên đầu người thì gần 4 người/1 xe môtô (chưa tính số người chưa đủ tuổi và số người quá lớn tuổi không đủ khả năng để điều khiển xe môtô-nếu trừ số người này ra có lẽ khoảng 2 người/1 xe môtô). Từ đó cho thấy số lượng xe máy ở nước ta như thế là quá cao gây ra tình trạng, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông nghiêm trọng, trong đó số vụ TNGT do xe môtô gây ra chiếm gần 80%. Thực tế khi tham gia giao thông trên đường tôi thấy nguy cơ xảy ra tai nạn do xe máy gây ra rất cao, nếu bạn chủ quan lơ là một tí có thể gây ra va quẹt hay tai nạn ngay. Do đó hạn chế phương tiện cá nhân và ưu tiên, đầu tư phát triển loại hình vận tải khách công cộng (xe buýt) trong khu vực nội thành nội thị là giải pháp tốt nhất để đảm bảo ATGT.
-Thứ hai : Từng địa phương phải căn cứ vào thực tiễn giao thông, tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình cần xây dựng chiến lược quy hoạch tổng thể về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nhằm nâng cao năng lực vận tải hàng hóa đảm bảo an toàn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội địa phương đồng thời đáp ứng đươc nhu cầu đi lại của người dân được đảm bảo an toàn. Thường xuyên kiểm tra nâng cấp những đoạn đường xuống cấp, hư hỏng dễ xảy ra TNGT.
-Thứ ba : Tăng cường biên chế, trang bị đầy đủ các loại phương tiện hiện đại (máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn, camera...) cho lực lượng làm chức năng quản lý giao thông. Phân công bố trí cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thường xuyên có mặt 24/24 trên đường để phòng ngừa, răn đe xử lý các đối tượng vi phạm.
-Thứ tư : Trên một số địa bàn, các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông, những đoạn đường có tình hình gia thông phức tạp hoặc thường xuyên xảy ra TNGT (điểm đen)' cần gắn camera để giám sát theo dõi phòng ngừa, đồng thời tạo điều kiện để lực lượng chức năng có đủ chứng cứ để xử lý vi phạm ATGT hoặc cơ sở để giải quyết vụ TNGT theo đúng người đúng tội.
-Thứ năm : Nâng cao hơn nữa phức phạt đối với các hành vi vi phạm luật giao thông, tập trung đánh mạnh vào kinh tế mới hy vọng xoay chuyển được ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, chú trọng phạt thật nặng đối với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như chạy quá tốc độ, uống rượu bia say xỉn, chuyển hướng không nhường đường, không có tín hiệu báo trước, không có giấy phép lái xe... thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị, trường học để xem xét về thi đua, lên lương, lên lớp của từng đối tượng. Cần tạo nên làn sóng mạnh mẽ về chỉ trích, lên án đối với hành vi vi phạm pháp luật giao thông.
-Thứ sáu : Công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe cần có sự quản lý chặt chẽ hơn, có lẽ bên cạnh việc dạy luật cần trang bị cho người học ý thức đạo đức của người lái xe bởi phương tiện giao thông là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ. Cần kéo dài hơn nữa thời gian học lý thuyết để làm thế nào khi người được cấp giấy phép lái xe phải thực sự hiểu biết pháp luật, thực sự trải qua một cuộc sát hạch gay go quyết liệt.
-Thứ bảy : Bộ giáo dục và đào tạo cần sớm phối hợp với UBANGTQG đưa chương trình học luật giao thông đường bộ, cách ứng xử khi đi đường trở thành một  môn học chính khóa trong chương trình dạy giáo dục công dân trong các cấp học (từ tiểu học đến THPT) để làm nền tảng cho việc xây dựng nền văn hóa giao thông ở nước ta.
-Thứ tám : Bên cạnh việc xử lý kiên quyết đối với những hiện tượng tiêu cực của lực lượng kiểm soát giao thông cũng cần có chính sách đãi ngộ cho lực lượng này để hạn chế tiêu cực, đồng thời động viên khuyến khích họ làm việc tích cực hơn vì họ là những người hoạt động trong môi trường dễ bị sa ngã bởi lợi ích cá nhân, trong đó cũng có phần tác động không nhỏ từ các đối tượng tham gia giao thông.
Đó là một số suy nghĩ của bản thân tôi cũng như một vài ý kiến đóng góp với mong muốn góp phần mình trong việc làm giảm tai nạn giao thông ở nước ta.
 

 

 Trịnh Ngọc Lâm

 

Trịnh Ngọc Lâm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)