Tai nạn giao thông (TNGT) so với các năm trước đã giảm, song vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường thuộc các vùng nông thôn, miền núi. Do vậy, cần coi việc bảo đảm trật tự ATGT là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Có như vậy, cả nước mới có thể hoàn thành mục tiêu giảm số người chết do TNGT năm 2014 xuống dưới 9.000 người.
Giảm nhưng chưa bền vững
Từ năm 2011 trở về trước, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 10.000 người tử vong vì TNGT. Đến năm 2012, sau gần 1 thập kỷ, lần đầu tiên, Việt Nam có số nạn nhân tử vong vì TNGT ở mức gần 9.900 người. Sang năm 2013, con số này tiếp tục giảm xuống còn 9.369 người, một kết quả tích cực cho thấy nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm ATGT. Đó chính là cơ sở để Ủy ban ATGT quốc gia đặt mục tiêu giảm xuống dưới mức 9.000 người tử vong trong năm 2014.
|
Lực lượng CSGT kiểm tra xe khách chở quá số lượng người quy định tuyến Hà Nội - Thanh Hóa. Ảnh: Như Ý |
Cho đến thời điểm này, có thể nói các lực lượng chức năng từ trung ương tới địa phương vẫn đang hết sức nỗ lực nhằm hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia đã đề ra. Tuy nhiên, hàng loạt vụ TNGT thảm khốc thời gian qua đã cho thấy, kết quả từ công cuộc bảo đảm trật tự ATGT vẫn chưa bền vững. Các địa bàn trọng điểm, nơi xảy ra các vụ TNGT thảm khốc đều tập trung trên các tuyến quốc lộ và các tuyến đường thuộc khu vực nông thôn, miền núi. Thảm khốc nhất phải kể đến vụ xe khách của hãng xe Sao Việt lao xuống vực sâu 200m ở Lào Cai vào chiều 1-9 khiến 14 người chết và nhiều người khác bị thương nặng. Ngay sau đó một ngày, vào ngày 2/9, trên tuyến Quốc lộ 5, đoạn thuộc huyện Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên), một xe khách chạy hướng Hải Phòng - Hà Nội đã lao qua dải phân cách và đâm vào xe công vụ làm chết 3 người, trong đó có một trung tướng công an. Cũng tại Quốc lộ 5, vào ngày 8/12, xe container mang biển kiểm soát 33M-2661 kéo theo rơmoóc 29R-1061 đang lưu thông theo hướng Hà Nội - Hải Phòng khi đi qua địa phận huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) thì bất ngờ mất lái, lao qua dải phân cách sang làn đường ngược chiều và đâm vào 2 xe ô tô con. Vụ việc đã khiến 2 người tử vong.
Tuyến Quốc lộ 1A với chiều dài hơn 2.300km cũng đang tồn tại hàng loạt điểm đen giao thông, gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe tải, xe khách. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào ngày 17/2 thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận làm 2 người chết; vụ tai nạn ngày 19/10 tại địa bàn tỉnh Nghệ An làm 3 người chết... Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, dù trên toàn tuyến Quốc lộ 1A chỉ có 70km đèo dốc nhưng tai nạn tại những khu vực này chiếm trên 25%. Đặc biệt, dù chỉ có 150km qua các khu dân cư, song TNGT xảy ra tại những đoạn đường này cũng chiếm 52% tổng số vụ tai nạn trên toàn tuyến.
Thực hiện triệt để nhiều giải pháp
Nhận định về các vụ TNGT trên tuyến Quốc lộ 1A, ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, có trên 70% số vụ TNGT có nguyên nhân từ người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy tắc giao thông đường bộ như phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn, tránh vượt không đúng quy định, chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia... Tình trạng lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông tại địa bàn các khu vực nông thôn, miền núi cũng rất đáng báo động.
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, nguyên nhân dẫn tới hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT thời gian qua chưa bền vững là do việc tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm mới chỉ tập trung tại một số địa bàn, một số nhóm đối tượng trên các tuyến trọng điểm, trong thời gian cao điểm mà chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục. Tại các khu vực nông thôn, miền núi, công tác này cũng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Đây là những nội dung cần sớm được khắc phục.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung khắc phục ngay những bất cập trong công tác bảo đảm trật tự ATGT thời gian qua. Đó là tình trạng xe vi phạm chở quá tải vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; tiêu cực trong các lực lượng chuyên trách như CSGT, thanh tra giao thông, đăng kiểm vẫn còn... Việc nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cần được đẩy mạnh, nhất là tại các địa bàn nông thôn, cần coi việc bảo đảm trật tự ATGT mang tính thường xuyên, liên tục chứ không chỉ tập trung vào những đợt cao điểm nhất định.