Con người là yếu tố then chốt trong giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông

Thứ sáu, 25/09/2015 14:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dù hạ tầng có tốt đến đâu nhưng nếu người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT thì tình trạng ùn tắc, mất ATGT vẫn cứ xảy ra.

Ngày 24/9, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức buổi Giao lưu - tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Các giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông"; tham dự có đại diện Sở GTVT, Ban ATGT TP, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Tại buổi tọa đàm, ngoài việc chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng UTGT, các khách mời cũng nêu ra biện pháp nhằm hạn chế những điểm ùn tắc trước mắt và lâu dài.   

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Nhiều điểm ùn tắc do khách quan   

Thượng tá Nguyễn Văn Tòng - Phó Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, trong những năm qua, công tác giảm thiểu tình trạng UTGT trong khu vực nội đô đã được nhiều kết quả được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể, theo Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, nếu như năm 2010, trên địa bàn TP có 124 điểm thường xuyên ùn tắc, thì nay chỉ còn 46 điểm. Tuy nhiên, cũng theo đại diện Phòng CSGT, trong những ngày qua, diễn biến thất thường của thời tiết đã khiến số điểm ùn tắc (do ngập úng - PV) tăng lên đột biến. Đơn cử như ngày 26/8, sau trận mưa lớn, Hà Nội ngập 8 điểm; đến ngày 8/9, xảy ra 22 điểm úng ngập; ngày 22/9, sau khi cả đêm mưa kéo dài nước mưa không thoát kịp, dẫn đến 20 điểm ngập úng nghiêm trọng dẫn đến tình trạng UTGT.   

Ở góc độ quản lý Nhà nước về hạ tầng giao thông, ông Lương Đức Thắng - Phó Phòng quản lý Đô thị (Sở GTVT), tình trạng UTGT tăng trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ việc tổ chức rào chắn thi công các công trình giao thông. "Hầu hết các công trình tổ chức rào chắn nằm trên các trục đường chính, trục đường hướng tâm khiến cho giao thông rơi vào tình trạng mãn tải. Và cũng chính là những tuyến đường thường xuyên rơi vào mãn tải nên TP mới xác định cần phải xây dựng các công trình giảm tải và việc ùn tắc là không thể tránh khỏi vì các rào chắn thi công của các công trình này chiếm 1/2 đến 1/3 lòng đường" - ông Thắng cho biết.

Tính đến tháng hết tháng 8, lực lượng Thanh tra GTVT, Sở GTVT đã kiểm tra, xử lý 2.200.602 trường hợp xe quá khổ, quá tải, xe đi vào đường cấm, giờ cấm, xâm phạm hành lang ATGT đường bộ. Qua kiểm tra đã xử phạt hành chính trên 41 tỷ đồng; tước GPLX 3.113 trường hợp; tạm giữ 536 phương tiện.

Trong khi đó, theo ông Lê Mạnh Hùng - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, ngoài việc thời tiết diễn biến thất thường, lòng đường bị rào chắn để thi công các dự án giao thông thì việc hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng phương tiện… và đặc biệt là ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của luật giao thông là một trong những nguyên nhân chính làm nảy sinh các điểm UTGT. Bởi, dù hạ tầng có tốt đến đâu nhưng nếu người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT thì tình trạng ùn tắc, mất ATGT vẫn cứ xảy ra.

Ưu tiên phát triển các hệ thống vận tải công cộng

Ngoài việc chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng UTGT tại Thủ đô, các khách mời đã nêu lên những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Cụ thể, theo đại diện Phòng CSGT và Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, để hạn chế thấp nhất những điểm UTGT, trong thời gian tới các lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bố trí lực lượng điều chỉnh giao thông tại các nút giao; Hiện đại hóa Trung tâm điều khiển giao thông, phối hợp cùng các lực lượng chức năng, Công an quận, phường, bảo vệ dân phố tham gia chỉ huy giao thông phòng ngừa ùn tắc ở các nút trọng điểm; Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng UTGT...

Trong khi đó, theo ông Lương Đức Thắng - Phó Phòng quản lý Đô thị (Sở GTVT), ngoài việc nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông để đáp ứng với nhu cầu phát triển của phương tiện thì một trong những biện pháp cần làm đó là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Cùng với đó, các đơn vị vận tải hành khách công cộng đã có cần nâng cao chất lượng dịch vụ, phương tiện… để thu hút người dân tham gia, góp phần giảm thiểu tình trạng sử dụng xe cá nhân - một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng UTGT tại Thủ đô. Bởi, với khoảng 80% thị phần vận tải công cộng của Thủ đô, tương đương hơn 1.000 xe, trong những năm qua, các tuyến xe buýt của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã đáp ứng nhu cầu đi lại của 400 triệu lượt hành khách mỗi năm. Do đó, việc xây dựng thêm các hệ thống vận tải công cộng khác ngoài xe buýt là điều rất cần thiết để giảm thiểu UTGT tại Thủ đô một cách bền vững.

Hiện Trung tâm đèn chỉ huy giao thông được trang bị 450 camera lắp đặt trên các tuyến phố để xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh. Mỗi ngày làm điểm trên 1 số tuyến phố, có những ngày phạt từ 30 - 40 trường hợp vượt đèn đỏ. Tất cả các trường hợp bị xử phạt đều "tâm phục khẩu phục", ý thức đã được nâng lên, vì có sự giám sát thường xuyên. Thời gian sắp tới sẽ tiếp tục lắp đặt thêm camera quan sát theo dõi các trường hợp vi phạm để xử lý.
                                 Thượng tá Nguyễn Văn Tòng - Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội


 

hoavt

Nguồn: Báo Kinh tế và Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)