Hà Nội: Quản chặt, xử nghiêm xe tải nhằm giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông

Thứ hai, 23/09/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hằng ngày, trên địa bàn Hà Nội có lượng khá lớn ô tô tải tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa, phục vụ xây dựng... Không thể cấm xe tải hoạt động nhưng yêu cầu đặt ra là phải quản lý thế nào để phương tiện này không gây ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường.
Hằng ngày, trên địa bàn Hà Nội có lượng khá lớn ô tô tải tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa, phục vụ xây dựng... Không thể cấm xe tải hoạt động nhưng yêu cầu đặt ra là phải quản lý thế nào để phương tiện này không gây ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường.

Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội), hiện tại, đơn vị đang quản lý hơn 43.676 xe tải. Trong số này có hơn 11.570 xe tải trọng tải dưới 1,25 tấn và 31.918 xe trọng tải trên 1,25 tấn đến dưới 10 tấn… Hiện nay, có hơn 40 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, đối với người tham gia giao thông, xe tải đôi khi trở thành "hung thần" trên đường phố. Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 88 vụ tai nạn giao thông, làm 67 người chết, 62 người bị thương do xe ô tô tải gây ra.

Không chỉ trên các tuyến đường khu vực ngoại thành, quốc lộ, ngay trong nội thành, vào giờ được phép lưu thông, nhiều tài xế xe tải điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhiều xe chở vật liệu rời nhưng không che chắn khiến cát rơi vãi, bụi mù mịt. Có xe tải lại chở vật liệu quá khổ, quá tải gây mất mỹ quan, đe dọa hạ tầng giao thông, gây nguy hiểm... Nguyên nhân là do ý thức của lái xe chưa cao, lại chịu sức ép về tiến độ nên phải hoạt động hết công suất. Cũng do khai thác quá công suất, nhiều xe không bảo đảm về an toàn kỹ thuật, không đáp ứng được yêu cầu về khí thải...

Trước tình hình đó, Chỉ huy Phòng CSGT cho biết, đơn vị đã chủ động nắm tình hình, điều tra cơ bản để xác định các tuyến, địa bàn phức tạp để tập trung lực lượng kiểm tra, xử lý các trường hợp ô tô tải vi phạm các quy định về TTATGT. Các địa bàn nóng chủ yếu là các tuyến trục chính, tuyến vành đai, tuyến quốc lộ ra vào thành phố gồm: QL 1B, QL 5, QL 6, QL 21A, QL 32, đường Thăng Long - Nội Bài, Đại lộ Thăng Long và các tuyến đường xung quanh các công trình xây dựng. Trong 9 tháng năm 2013, Phòng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 30.000 trường hợp xe tải vi phạm, tạm giữ 242 phương tiện và 22.740 bộ giấy tờ. Trong các lỗi vi phạm có gần 1.000 trường hợp chạy quá tốc độ, gần 1.200 trường hợp đi vào đường cấm, hơn 700 trường hợp chở vật liệu rơi vãi. Đáng lo ngại là qua kiểm tra, có hơn 1.000 xe tải vi phạm các quy định về an toàn kỹ thuật. Đặc biệt, từ ngày 8-8, khi Phòng CSGT triển khai chuyên đề xử lý xe tải vi phạm TTATGT thì có đến hơn 600 xe được phát hiện là có vấn đề về an toàn kỹ thuật. Ngoài ra, qua tuần tra kiểm soát, CSGT đã bắt giữ 11 vụ việc liên quan đến xe tải có dấu hiệu tội phạm, tạm giữ 11 đối tượng, 11 xe ô tô bàn giao cho các lực lượng chức năng giải quyết...

Đánh giá tình trạng vi phạm của xe tải vẫn còn nhức nhối, đe dọa TTATGT, chỉ huy Phòng CSGT cho biết, thời gian tới, đặc biệt là trong Tháng an toàn giao thông (9-2013) và những tháng cuối năm cũng như trong dịp Tết Nguyên đán 2014, đơn vị tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường các biện pháp hướng dẫn giao thông kết hợp với công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển xe ô tô tải vi phạm các quy định về TTATGT. CSGT cũng sẽ tập trung xử lý các hành vi chở vật liệu rơi vãi, chở hàng quá khổ, quá tải, gây mất mỹ quan đô thị. Cùng với biện pháp đẩy mạnh xử lý vi phạm, CSGT coi tuyên truyền là kênh quan trọng để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành của người điều khiển xe ô tô tải cũng như việc chấp hành pháp luật giao thông của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố... Việc ngăn ngừa vi phạm TTATGT với đối tượng xe tải là việc làm thường xuyên, liên tục nhằm ngăn ngừa nguy cơ tiềm ẩn nên CSGT cho rằng, chỉ có kiên trì kết hợp giữa hai biện pháp tuyên truyền đi đôi với tăng cường xử lý vi phạm mới đem lại hiệu quả.
Nguồn: Hà Nội mới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)