Nguy cơ chấn thương sọ não vì đội mũ bảo hiểm sai quy cách
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), chỉ trong dịp nghỉ lễ từ 30-4 đến 4-5, cả nước đã xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, làm 172 người tử vong.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), chỉ trong dịp nghỉ lễ từ 30-4 đến 4-5, cả nước đã xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, làm 172 người tử vong.
Trong đó, đáng lo ngại là số nạn nhân bị chấn thương sọ não gia tăng mà nguyên nhân chủ yếu do nhiều người dân đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách, không đúng kỹ thuật. Nguy cơ chấn thương nặng dẫn đến tử vong khi tham gia giao thông còn tiềm ẩn chừng nào người dân chưa ý thức về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm.
Khi mới có quy định bắt buộc người ngồi trên xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm thì số người bị chấn thương sọ não có giảm. Tuy nhiên, tới nay lại bắt đầu có dấu hiệu tăng do người dân đội mũ bảo hiểm để tránh bị phạt là chủ yếu nên thường dùng loại mũ “dởm”. Khảo sát trên nhiều tuyến đường của thành phố Hà Nội như đường Láng, đường Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Lê Duẩn…, tại các vỉa hè, bày bán tràn lan các loại mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng với giá chỉ từ 30 đến 50 nghìn đồng. Trong đó, loại mũ lưỡi chai được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì kiểu dáng thời trang, đẹp mắt. “Trên thị trường bây giờ có rất nhiều loại mũ bảo hiểm không biết thế nào. Tôi chỉ mua một cái để đội. Sinh viên như chúng tôi chỉ thích đội những loại mũ thời trang chứ không muốn đội những loại mũ khác rất nóng bức. Nói chung tôi chỉ đi xung quanh thành phố thôi nên đội mũ lưỡi chai thế này cũng không ảnh hưởng gì đâu…” Anh Nguyễn Minh Tiến, sinh viên Học viện Ngân hàng cho biết.
Thực tế, không phải ai cũng quan tâm đến chức năng bảo hiểm của loại mũ này khi tham gia giao thông. Không ít người còn thờ ơ, coi việc đội mũ chỉ để đối phó với các lực lượng chức năng. Theo thống kê gần đây, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan tới xe gắn máy chiếm trên 70%. Mà trong các chấn thương liên quan đến xe máy thì chấn thương sọ não chiếm khoảng 2/3 gây nên tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề. Để khắc phục tình trạng này không có cách nào khác là phải đội mũ bảo hiểm mỗi khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy.
Thời gian qua, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, tỷ lệ người tham gia giao thông có đội mũ bảo hiểm đạt khoảng hơn 90%. Tuy nhiên, có thể thấy, con số này chưa phản ánh được thực tế về chất lượng các loại mũ bảo hiểm mà người tham gia giao thông lựa chọn. Từ dịp tết nguyên đán đến nay, tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã tái diễn, đội mũ không bảo đảm chất lượng, không đúng quy cách và đội mũ không cài quai… Vì vậy, khi va chạm, người điều khiển xe bị ngã, mũ văng ra không bảo vệ được đầu, thậm chí có nhiều trường hợp, chính mũ bảo hiểm “dởm” là tác nhân gây thêm thương tích. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: Cần phải tăng cường các đợt cao điểm về xử lý vi phạm giao thông nhất là vi phạm về đội mũ bảo hiểm. Trong đợt cao điểm từ nay đến cuối năm, Tổng cục Đường bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông mở các chuyên đề xử lý các lỗi vi phạm, trong đó có lỗi người ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm.
Ông Quyền cho biết thêm, trong 1,2 tháng trở lại đây, tình hình tai nạn giao thông là có chiều hướng phức tạp, số vụ tai nạn nghiêm trọng đặc biệt xảy ra. Chúng tôi qua theo dõi tìm hiểu thì có nhiều nguyên nhân. Ngành giao thông vận tải rất chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn giao thông, đang triển khai quyết liệt những quy định của luật an toàn giao thông, đưa các quy định vào thực tế. trong thời gian vừa qua đã có những điều chỉnh cơ bản như tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, phổ biến kinh nghiệm về an toàn giao thông.
Thống kê của ngành y tế trong mấy ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua cho thấy, cả nước đã có hàng nghìn trường hợp tai nạn giao thông phải đi cấp cứu, và có đến 75% số ca cấp cứu bị chấn thương sọ não. Điều này cho thấy nếu không có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với mũ bảo hiểm, kiên quyết xử lý người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiển, đội mũ không đúng quy cách, quy định thì sẽ còn rất nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não khi bị tai nạn dù có đội mũ hay không đội mũ.
Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và điều tra tai nạn giao thông, Cục cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, Bộ Công an cho biết: kiểm tra, xử phạt cũng chỉ là giải pháp trước mắt, vì sau những đợt cao điểm về kiểm tra vi phạm giao thông thì đâu lại vào đấy. Nhất là tình trạng đội mũ bảo hiểm không đúng quy định, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vẫn tái diễn và ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh niên. Bên cạnh việc xử phạt vi phạm, bản thân người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình bằng cách trang bị mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn. “Để an toàn thì chúng tôi nghĩ rằng mỗi người tự biết cách bảo vệ mình khi tham gia giao thông từ những việc rất đơn giản là đội mũ bảo hiểm chất lượng, cài quai đúng quy cách và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông. Nếu mỗi người tham gia giao thông thể hiện được trách nhiệm của cá nhân thực hiện pháp luật cũng như có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng thì sẽ hạn chế được số vụ tai nạn giao thông xảy ra…” Thượng tá Trần Sơn nói.
Những thương tích do tai nạn, những cái chết thương tâm có thể giảm nhẹ nếu mỗi người tham gia giao thông biết tự bảo vệ mình. Khi tham gia giao thông an toàn, bên cạnh việc đội mũ bảo hiểm, người tham gia giao thông cũng cần nghiêm túc thực hiện đúng và đầy đủ các quy tắc điều khiển phương tiện tham gia giao thông như đi đúng làn đường, không phóng nhanh vượt ẩu, không vượt đèn đỏ, không chở quá số người quy định…Như vậy, ý thức, thái độ của mọi người dân phải dần tự giác nâng cao, nghiêm túc chấp hành và thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông.
Tunglt (heo nhandan.org.vn)
Lê Thanh Tùng