Trong giao thông luôn tồn tại 3 yếu tố: Con người, phương tiện và môi trường giao thông. Ở đây tôi sẽ chỉ đề cập đến yếu tố phương tiện.Đã đến lúc Người Việt Nam nên nhận ra rằng Xe máy là phương tiện giao thông tiềm ẩn nguy hiểm cao độ cho bản thân người sử dụng và cộng đồng.
Trong giao thông luôn tồn tại 3 yếu tố: Con người, phương tiện và môi trường giao thông. Ở đây tôi sẽ chỉ đề cập đến yếu tố phương tiện.Đã đến lúc Người Việt Nam nên nhận ra rằng Xe máy là phương tiện giao thông tiềm ẩn nguy hiểm cao độ cho bản thân người sử dụng và cộng đồng.
Chính sự tiềm ẩn khó nhận thức này là nguyên nhân của việc mà hầu hết người Việt Nam chúng ta vẫn đang tiếp tục sử dụng xe máy. Chính sự tiềm ẩn này mà nhiều người vẫn nghĩ xe máy là đẹp và tiện lợi. Chỉ khi tai nạn xảy ra thì người ta mới nhận ra và mọi sự đã muộn màng, người chết đã chết, người thương tật đã không muốn hoặc không thể nói nữa.
Tại sao trên thế giới chỉ còn người Việt Nam sử dụng xe máy làm phương tiện cá nhân chính? Mỗi ngày có bao nhiêu người Việt Nam chết do tai nạn xe máy? Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về tai nạn giao thông đường bộ và chúng ta cảm nhận thế nào về con số 72% vụ tai nạn giao thông liên quan đến chiếc xe máy (báo cáo của dự án Jica 24% xm với xm, 20% xm với oto, 14% xm với xd, 14% xm với người đi bộ).
Xu hướng thế giới cho thấy, tại các nước đã phát triển người ta đang sử dụng các phương tiện công cộng và xe đạp ngày càng được khuyến khích sử dụng tối đa. Các nước đang phát triển như Thailand, Trung quốc cũng đều đang trong tiến trình loại bỏ xe máy ra khỏi các thành phố lớn. Trong khoảng 10 năm nay các thành phố của Trung Quốc như Bắc Kinh, Quảng Châu đã không còn xe máy.
Chiếc xe máy nếu xét khách quan thì bản thân nó không nguy hiểm nếu người sử dụng có ý thức tuân thủ luật giao thông và nếu môi trường đường xá quy hoạch hợp lý. Nhưng chúng ta cần xem xét trong bối cảnh cụ thể hiện nay tại Việt Nam (không “nếu”), trong các thành phố lớn, khi người dân hầu hết chưa có ý thức chấp hành luật giao thông, đường xá quá đông, cơ sở hạ tầng chưa tốt thì xe máy thực sự đã trở thành một thứ phương tiện có nguy cơ nguy hiểm cao, người sử dụng có khả năng gây tai nạn bất cứ lúc nào. Để giải quyết vấn đề giáo dục ý thức giao thông của người dân và cơ sở hạ tầng thì cần có thời gian lâu dài & tiềm lực tài chính, còn với việc loại bỏ xe máy thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được ngay trong kế hoạch vài năm tới. Ngoài ra, việc loại bỏ xe máy sẽ không chỉ giải quyết vấn đề ATGT Quốc gia mà còn góp phần giải quyết được nhiều vấn đề xã hội quan trọng khác.
Đã đến lúc Việt Nam chúng ta cần phải loại bỏ xe máy ra khỏi đường phố!
Chính phủ cần phải lên kế hoạch nghiên cứu tìm ra giải pháp loại bỏ xe máy ngay để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ TNGT ngày càng tăng cao.
Một số ý kiến cho là không thể, không khả thi, GDP của Việt Nam còn quá thấp so với Trung Quốc, Hàn Quốc…dựa trên dự án nghiên cứu khoa học - xã hội nào? hay chỉ là những suy nghĩ cảm tính chủ quan? Phải chăng họ quên mất Thành phố Hà Nội chúng ta cũng lại rất nhỏ so với thành phố Bắc Kinh hoặc Seoul, người Hà Nội chúng ta bắt đầu sử dụng nhiều xe máy trong khoảng 10-12 năm nay, trước đó chúng ta đi xe đạp, đi bộ là chủ yếu. Thói quen dừng đèn đỏ mới được thiết lập trong khoảng 5 năm nay, và nhiều thói quen khác cũng đang dần được thay đổi. Tôi tin là người Việt Nam có khả năng thích ứng tốt và sẵn sàng thay đổi khi họ nhận thức được điều đó là có lợi.
Đối với mỗi cá nhân cũng như một Quốc gia việc đưa ra một quyết định đều dựa trên nguyên tắc phân tích và định lượng cái được và cái mất. Cần phải nhìn toàn cục, hướng tới lợi ích chung của quốc gia, của cả cộng đồng phát triển bền vững.
Tôi xin đưa ra ít nhất 5 lý do chính để chính phủ và người dân quyết tâm giải quyết triệt để và lâu dài vấn đề Giao thông.
5 lý do cốt yếu để loại bỏ xe máy?
1. Loại bỏ hoàn toàn số vụ tai nạn xe máy, tương ứng với khoảng 60-80 nghìn người Việt Nam hàng năm sẽ không bị chết & tàn tật vĩnh viễn, đồng thời tiết kiệm chi phí y tế- xã hội đối với hậu quả của số tai nạn giao thông này gây ra. Góp phần giảm đáng kể con số tai nạn giao thông.
2. Tiết kiệm nhiên liệu xăng dầu cá nhân – Quốc gia – Toàn cầu.
3. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do bụi khí thải xe máy & còi xe.
4. Cải thiện sức khỏe cộng đồng, tạo thói quen đi bộ và xe đạp.
5. Tạo lập hình ảnh mới cho thành phố Việt Nam với môi trường cảnh quan văn minh thay vì hỗn loạn như hiện nay.
Tôi xin đưa ra một vài giải pháp đề xuất để các dự án ATGT xem xét:
- Khảo sát & phân tích các yếu tố xã hội: lấy ý kiến người dân về việc loại bỏ xe máy ra khỏi đường phố, các mục đích đi lại của người dân hàng ngày, phương tiện người dân có khả năng sử dụng thay thế cho xe máy. (Thực hiện tại các thành phố lớn trước, sau đó đến đường quốc lộ)
- Sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền cho người dân nhận thức được lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp và đi bộ (lợi ích cá nhân, cộng đồng, Quốc Gia)
- Nghiên cứu phát triển hệ thống xe buýt phù hợp với từng giai đoạn.
- Sắp xếp và quy hoạch phần đường an toàn dành riêng cho xe đạp.
- Củng cố lại vỉa hè cho người đi bộ.
- Chính sách hạn chế ôtô con & tài trợ một số giờ xe buýt…
- Qui hoạch & phát triển các phương tiện giao thông công cộng khác khi thành phố mở rộng trong tương lai lâu dài 20-30 năm sau như tàu điện ngầm, xe điện…
- Mời chuyên gia tư vấn từ các nước có nền văn hóa tương tự Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…
Tôi xin trân trọng cảm ơn quí vị đã cùng quan tâm chia sẻ!
Hoang Lan, lan@hanoitech.net