Người đi bộ đi lối nào?

Thứ tư, 07/11/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vỉa hè bị chiếm dụng, một số hầm đường bộ mới xây còn thiếu thuận tiện, bên cạnh đó là ý thức của người đi bộ tham gia giao thông chưa cao; nên tỷ lệ tai nạn giao thông xảy ra với người đi bộ không phải là thấp

Theo thống kê, năm 2006 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh số vụ tai nạn do người đi bộ gây ra chiếm 8,26%, làm chết 84 người, bị thương 54 người; 6 tháng đầu năm nay là 65 vụ, làm chết 31 người và bị thương 20 người. Tại Hà Nội số vụ tại nạn do người đi bộ gây ra chiếm từ 15 - 20% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông. Đây là những con số đáng báo động về tình hình trật tự an toàn giao thông với người đi bộ. Tuy nhiên, hiện nay ở hầu hết tỉnh lộ, quốc lộ... đặc biệt tại các đo thị lớn nơi có mật độ giao thông đông đúc, các công trình giao thông liên quan và dành cho người đi bộ còn hạn chế và thiếu tính đồng bộ.


Hầm đường bộ - dành cho người đi bộ đã áp dụng rộng rãi trên thế giới, nó có tác dụng rất hiệu quả giúp đem lại sự an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông. Ở Việt Nam, những hầm đường bộ cũng đã được xây dựng, tuy nhiên trong quá trình ứng dụng cũng bộc lộ một số thiếu sót.  


Tại hầm đường bộ Ngã Tư Sở, 12 cửa lên xuống đều được thiết kế và xây dựng với độ nghiêng khá lớn, nhưng vật liệu xây dựng được sử dụng có bề mặt nhẵn và cứng nên độ ma sát không lớn, trong khi đó chỉ có 4 cửa là có tay vịn, điều này gây khó khăn cho cả người bình thường chứ chưa nói đến những đối tượng là người già và trẻ nhỏ. Nhất là khi trời mưa, nước có thể gây trượt ngã thì việc lên xuống khá nguy hiểm.

Không có tay vịn, thật bất tiện
Không có tay vịn, thật bất tiện

Mắc võng ngủ trong hành lang vắng vẻ dưới hầm đường bộ
Mắc võng ngủ trong hành lang vắng vẻ dưới hầm đường bộ

Bên cạnh đó, hệ thống biển chỉ dẫn khá phức tạp dã làm không ít người nhầm lẫn hoặc không đến được vị trí mong muốn, gây mất thời gian; trong khi bình thường không sử dụng hầm, người ta đi bộ qua ngã tư này chỉ mất khoảng từ 3 - 5 phút. Hơn nữa, một thiếu sót rất quan trọng là toàn bộ hệ thống cửa ra vào của hầm đường bộ này dường như không có một lối nào dành ưu tiên cho người khuyết tật. Đây cũng là điều phổ biến thường gặp ở các công trình giao thông hiện nay. Vì vậy, tại đây rất nhiều người vẫn lựa chọn giải pháp băng qua đường. Hầm đường bộ thì chưa thực sự dành cho người đi bộ.

Đi lối nào?
Đi lối nào?

Trên đường Phạm Hùng - một đường vành đai, nơi có mật độ giao thông lưu lượng lớn; trong 6 hạng mục hầm đường bộ thì một nửa không sử dụng được hoặc trong tình trạng sử dụng kém. Tệ hơn, có chỗ trở thành nơi đổ vật liệu xây dựng, rác thải... Giải thích về hiện trạng trên, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhân viên bảo vệ cho biết: do đơn vị thi công vẫn chưa hoàn thiện cơ sở vật chất nên số hầm còn lại vẫn chưa thể sử dụng.

Nơi bán mũ?
Nơi bán mũ?

Nơi đổ rác, gạch vỡ?
Nơi đổ rác, gạch vỡ?

Một thực trạng khác: trên nhiều tuyến phố hiện nay không có vỉa hè, hoặc vỉa hè hẹp, bị lấn chiếm, người đi bộ luôn phải chen lấn trong dòng xe nên nguy cơ tai nạn rất cao. Tại khu phố cổ của Hà Nội, hiện 23% tuyến phố có vỉa hè của người đi bộ không đi lại được, 8% có mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, 44% các tuyến phố trung tâm khác có tình trạng vỉa hè đi lại không thuận tiện, 6% không đi lại được. Tại vùng đệm, tuyến vỉa hè không đi bộ được chiếm 57%. Đã vậy, công tác tuyên truyền, chế tài xử phạt còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 152CP/2005, điều 16 quy định xử phạt từ 10 - 80 nghìn đồng với hành vi vi phạm Luật an toàn giao thông dành cho người đi bộ, nhưng dường như nó vẫn chưa thiết thực và tác động mạnh vào ý thức người dân; hoặc vẫn chưa được nhiều người biết đến.


Trước mắt, ngoài việc tích cực tuyên truyền giáo dục cần phải tiến hành nâng cấp cải tạo các công trình giao thông dành cho người đi bộ, kẻ thêm nhiều vạch sơn, gờ giảm tốc ở những nơi đông người, ngã tư, những đoạn đường nhỏ không có vỉa hè để người đi bộ có thể đi lại một cách an toàn thuận tiện. Đồng thời cần phải tiến hành xử phạt nghiêm minh những đối tượng là người đi bộ không chấp hành luật lệ an toàn giao thông, gây tai nạn và có thể đưa ra truy tố trước pháp luật để răn đe và làm gương cho mọi người./.

Lê Tiến Phong - VOV 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)