Ngày 5/11/2014, Bộ GTVT đã có Văn bản số 14028/BGTVT-VT "Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" về xử lý tình trạng xe quá tải liên thông, vượt trạm cân.
Ngày 5/11/2014, Bộ GTVT đã có Văn bản số 14028/BGTVT-VT "Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" về xử lý tình trạng xe quá tải liên thông, vượt trạm cân.
Theo đó, ngày 24/10/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nhận được Công văn số 12/PC-CVKH8 ngày 24/10/2014 của Văn phòng Quốc hội gửi ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với nội dung sau:
“Cử tri rất hoan nghênh chủ trương và hành động quyết liệt của Bộ trưởng trong việc chống nạn xe quá tải. Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải liên thông, vượt trạm cân vẫn còn nhức nhối - vì có bảo kê, móc nối, tham nhũng.
1. Bộ trưởng đã phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an để giải quyết tệ nạn này như thế nào? Bao giờ thì chấm dứt được tệ nạn này?
2. Lái xe có thể dừng xe mãi để thi gan với lực lượng chức năng không? Tại sao có trực 24h/24h mà xe vẫn vượt trạm? Thời gian giao ca bao lâu để lái xe lợi dụng vượt trạm?
3. Các biện pháp xử lý đã áp dụng và đề xuất sửa đổi để áp dụng một cách nghiêm khắc hơn”.
Về các nội dung này, Bộ trưởng Bộ GTVT xin trả lời như sau:
1. Về việc phối hợp với Bộ Công an để giải quyết dứt điểm tệ nạn tình trạng xe quá tải liên thông, vượt trạm cân và làm rõ phản ảnh của dư luận về hiện tượng bảo kê, móc nối, tham nhũng trong hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện
Thực hiện Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/01/2013 và Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải - Bộ Công an có Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013 về phối hợp thực hiện việc tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, thực hiện từ tháng 12/2013.
Từ ngày 01/4/2014, đã đồng loạt tổ chức kiểm soát trọng tải xe ô tô trên toàn quốc, triển khai đưa vào hoạt động 63 trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động theo chế độ 24/24h các ngày trong tuần và tích hợp dữ liệu qua phần mềm giám sát quản lý dữ liệu tải trọng xe (tổng hợp số liệu từ phần mềm, từ ngày 16/12/2013 đến 31/7/2014, các trạm KTTTX đã dừng, kiểm tra trên 190.000 xe ô tô, phát hiện khoảng 33.000 trường hợp vi phạm; tước quyền sử dụng trên 30.000 Giấy phép lái xe; đã xử lý hạ tải hơn 16.000 phương tiện vi phạm). Đồng thời, để nâng cao hiệu quả KTTTX, từ ngày 01/4/2014, cảnh sát giao thông (CSGT) và thanh tra giao thông vận tải (TTGTVT) các địa phương đã tăng cường sử dụng cân điện tử xách tay để mở rộng mạng lưới KTTTX, ngăn chặn tình trạng xe né trạm KTTTX chạy vào các tuyến đường tỉnh, đường huyện (tổng hợp kết quả chung từ trạm KTTTX và cân xách tay, từ ngày 01/4/2014 đến hết ngày 15/9/2014, các lực lượng đã kiểm tra 252.109 xe, trong đó có 41.143 xe vi phạm quá tải, chiếm 16,32%).
Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng công tác kiểm soát trọng tải xe vẫn còn tồn tại một số bất cập, cần giải quyết, như đại biểu đã nêu, đó là: còn hiện tượng xe quá tải đi liên thông, vượt qua nhiều trạm mới bị phát hiện xử lý; có nhiều thông tin trên báo chí và của người dân qua đường dây nóng phản ảnh về hiện tượng “cò mồi”, “bảo kê” và dấu hiệu “thông đồng” dung túng của lực lượng chức năng để xe vượt trạm, gây bức xúc trong nhân dân. Đây là vấn đề nhức nhối và được toàn xã hội quan tâm. Ngày 30/7/2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã trực tiếp chủ trì cuộc họp để chỉ đạo Bộ Công an, Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ. Đồng thời, Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 04/8/2014 của Chính phủ đã giao Bộ GTVT kiểm tra, chỉ đạo xử lý tình trạng quá tải tại một số cảng hàng hóa; phối hợp với Bộ Công an, các địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý tải trọng các phương tiện vận tải, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong công tác kiểm soát tải trọng, bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt, an toàn trên các tuyến đường bộ, cảng biển. Kết quả cụ thể như sau:
- Các cơ quan của Bộ GTVT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam), các cơ quan của Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt), TTGTVT và CSGT 63 tỉnh thành phố đã công bố số điện thoại đường dây nóng, trực 24/24h để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về hoạt động KTTTX. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình An ninh, Truyền hình VTC, Báo Giao thông, Báo Công an nhân dân, báo, đài địa phương...), các hiệp hội vận tải trong công tác tuyên truyền, vận động và phản ảnh về hiện tượng bất cập, “cò”, “môi giới dẫn xe” quá tải tránh điểm KTTTX lưu động, gây mất trật tự xã hội... để kịp thời phát hiện và xử lý. Qua thông tin phản ánh, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều trường hợp xe vi phạm chở quá tải trốn, né các trạm kiểm tra tải trọng xe (điển hình như vi phạm chở xi măng quá tải nhiều lần bị phát hiện tại Hà Tĩnh, xe chở gỗ quá tải trên 300% tại Quảng Trị, vận chuyển máy biến áp sai quy định tại Khánh Hòa).
- Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động các cấp tham gia phối hợp với CSGT và Thanh tra GTVT tại các điểm kiểm tra tải trọng xe lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, “cò”, “môi giới dẫn xe” trốn tránh việc kiểm tra tải trọng xe; lập chuyên án điều tra, phát hiện và xử lý vụ việc đưa và nhận hối lộ trong hoạt động xe quá khổ, quá tải trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Công an tỉnh Hải Dương đã bắt 02 đối tượng có hành vi thu tiền 02 triệu đồng của 04 lái xe ô tô chở quá tải để dẫn xe tránh điểm KTTTX; Công an tỉnh Bình Phước bắt 02 đối tượng, xử lý theo quy định của pháp luật…
- Bộ Công an, Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý các xe ô tô tránh, vượt điểm kiểm tra tải trọng xe lưu động, đỗ chờ ở hai phía của điểm kiểm tra tải trọng xe lưu động; xử lý tình trạng “cò”, “môi giới dẫn xe” trốn tránh việc kiểm soát, đối tượng chống đối, phá hoại cân kiểm tra tải trọng xe; kiểm tra, xử lý nghiêm những biểu hiện thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và những hành vi tiêu cực của lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ.
- Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục CSGT Đường bộ và Đường sắt đã có kế hoạch số 1961/KHPH-C67-ĐKVN ngày 13/6/2014 và triển khai ký kết Kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Công an - Giao thông vận tải tại 63 tỉnh, thành phố về phối hợp lực lượng kiểm soát và xử lý xe ô tô vi phạm các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Bộ GTVT, Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành đã tổ chức 05 hội nghị đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp vận tải, các chủ hàng, các hiệp hội nghề nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, đồng thời quán triệt chủ trương của Chính phủ, kế hoạch của liên Bộ về kiểm soát trọng tải xe.
Để chấm dứt tình trạng xe chở quá tải trọng, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện thông qua hệ thống các trạm cân di động và cân điện tử xách tay hiện có, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với Bộ Công an các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt một số giải pháp dưới đây:
Một là: Kiểm soát tải trọng từ nguồn hàng hoá.
+ Tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô vận tải…, để xử lý, ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá trọng tải trước khi lưu thông trên các tuyến đường. Xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân những người đứng đầu chủ doanh nghiệp vận tải, người quản lý kho, cảng, bến bãi... nếu để xe xếp hàng quá trọng tải lưu thông trên đường theo quy định của pháp luật.
+ Bộ GTVT đã có Công văn số 11472/BGTVT-VT ngày 12/9/2014 và số 12052/BGTVT-VT ngày 25/9/2014 yêu cầu các cảng biển, ga đường sắt ký cam kết không xếp hàng hóa vượt quá trọng tải cho phép, Công văn số 7275/BGTVT-VT ngày 19/6/2014 yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu các dự án của Bộ không cho phép sử dụng xe ô tô chở quá tải trọng ; phối hợp với Bộ Công an lập đoàn công tác đi kiểm tra việc chấp hành chủ trương kiểm soát trọng tải xe tại một số cảng biển chính khu vực Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Đến nay 100% doanh nghiệp khai thác cảng biển đã ký cam kết không xếp hàng hóa vượt quá trọng tải cho phép.
+ Tại địa phương, Sở GTVT, phối hợp với Công an tỉnh, thành phố tổ chức hướng dẫn thực hiện việc xếp hàng hóa lên xe ô tô theo quy định tại Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT cho các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn; tổ chức cho các đơn vị vận tải ký cam kết không vi phạm chở hàng quá trọng tải, các đầu mối hàng hoá (mỏ vật liệu, khu công nghiệp, vựa nông, lâm sản) không vi phạm quy định về xếp hàng lên xe ô tô.
Hai là: Siết chặt quy định pháp luật và tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về thùng chở hàng của xe ô tô tải: sử dụng dữ liệu giám sát từ camera, thông tin phản ảnh qua đường dây nóng và báo chí; kiểm tra, xử lý các cơ sở đóng thùng hàng không đúng thiết kế; thực hiện việc cấp trọng lượng toàn bộ của xe, trọng tải cho phép phù hợp với tải trọng giới hạn của cầu, đường bộ theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, đã xử lý đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 03 Trung tâm đăng kiểm và đình chỉ chức danh đối với 58 đăng kiểm viên.
Ba là: Tái cấu trúc thị trường và tăng cường kết nối các phương thức vận tải theo hướng nâng cao năng lực và hiệu quả các phương thức vận tải khối lượng lớn nhằm giảm áp lực vận tải cho đường bộ, cụ thể:
+ Thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh vận tải đường sắt, giải pháp về giá cước vận tải, giá cước xếp dỡ tại các ga đường sắt; tăng số đôi tàu hàng chạy chuyên tuyến vận chuyển xăng dầu, công-ten-nơ, hàng nông sản; thêm các điểm dỡ hàng (như tại cảng ICD Lào Cai, công ty xe lửa Dĩ An); triển khai dự án đóng mới toa xe, ưu tiên đóng mới toa xe chuyên dụng chở công-ten-nơ; tăng cường các phương tiện xếp dỡ cơ giới chuyên dụng tại các ga hàng hóa.
+ Tổ chức khảo sát các cảng biển, xây dựng và triển khai các giải pháp xử lý tình trạng ứ đọng hàng hóa tại các cảng biển thông qua việc tăng cường năng lực xếp dỡ, cải tiến công tác điều phối nội bộ cảng, kết hợp với thực hiện hợp lý hóa xếp hàng lên phương tiện.
+ Triển khai thực hiện quy hoạch vận tải sông, pha biển, công bố các tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Riêng tuyến Quảng Ninh – Quảng Bình chỉ sau 4 tháng hoạt động đã chuyên chở được trên 600.000 tấn hàng hoá, tương đương với hơn 20.000 chuyến xe tải nặng (trọng tải bình quân 30 tấn/xe).
+ Lập kế hoạch khai thác, mở rộng mạng đường bay, tăng năng lực khai thác theo Đề án nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không đã được Bộ phê duyệt; đưa lộ trình tự do hóa khai thác thương quyền vào các hiệp định song phương và đa phương trong lĩnh vực hàng không.
2. Về vấn đề lái xe đỗ xe ở hai đầu trạm kiểm tra tải trọng xe, theo dõi, lợi dụng thời gian giao ca, hoặc thời gian đang tiến hành cân xe để vượt trạm
Hiện tượng nêu trên diễn ra ở một số địa phương trong thời gian đầu triển khai kiểm tra tải trọng phương tiện, đặc biệt là tại các địa phương dọc các Quốc lộ 1, 5, 6, 19, 51. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 478/TTg-KTN ngày 16/04/2014 về tăng cường thực hiện các giải pháp siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ. Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có Công điện số 05/CĐ-UBATGTQG ngày 05/5/2014 về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải hàng hoá trên đường bộ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai quyết liệt, tổ chức cắm biển cấm dừng đỗ tại các vị trí lái xe có thể lợi dụng, cương quyết yêu cầu lái xe có dấu hiệu vi phạm phải đưa xe vào kiểm tra tải trọng, huy động cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động và công an cấp huyện bảo vệ trạm KTTTX, sẵn sàng xử lý các đối tượng có hành vi chống đối người thi hành công vụ. Công an các địa phương đã khởi tố, bắt giam một số đối tượng cố tình lái xe phá hỏng trang thiết bị của trạm KTTTX.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường lực lượng Thanh tra của Tổng cục và xe cứu hộ chuyên dùng đến các địa phương nơi trạm cân thường xảy ra hiện tượng lái xe đỗ xe ở hai đầu trạm kiểm tra tải trọng xe, chờ cơ hội vượt trạm, sẵn sàng cưỡng chế, kéo các xe có dấu hiệu vi phạm về trạm để kiểm tra tải trọng.
Cho đến nay, tình trạng lái xe dừng xe để chờ vượt trạm kiểm tra tải trọng xe đã cơ bản đã được khắc phục.
3. Các biện pháp xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện
Thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 08/7/2014 của Chính phủ và Thông báo số 305/TB-VPCP ngày 31/7/2014 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại cuộc họp xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đề xuất sửa đổi Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó đã tiếp thu và đưa vào dự thảo trình Chính phủ:
Tăng trách nhiệm của chủ phương tiện đối với hoạt động vận tải:
- Tăng mức xử phạt lên 12 - 14 triệu đồng đối với cá nhân và 24 - 28 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 40% đến 60% so với quy định.
- Tăng mức xử phạt lên 14 - 16 triệu đồng đối với cá nhân và 28 - 32 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 60% đến 100% (vượt tải trọng cầu đường trên 50% đến 100%) so với quy định.
- Tăng mức xử phạt lên 16 - 18 triệu đồng đối với cá nhân và 32 - 36 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 100% (vượt tải trọng cầu đường trên 100%) so với quy định.
(Hiện tại, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định phạt 4 triệu đồng đối với cá nhân và 8 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm hành vi nêu trên).
Tăng trách nhiệm của người xếp hàng hóa lên xe ô tô:
Bổ sung tăng mức xử phạt đối với cá nhân lên 2 triệu đồng, đối với tổ chức lên 4 triệu đồng khi vi phạm xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô quá trọng tải trên 40% (hiện tại chỉ phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng và không áp dụng cho việc xếp lên từng xe).
Đối với người lái xe (tăng nặng đối với các trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng):
Bổ sung hành vi vi phạm chở quá trọng tải trên 100% đối với xe tải nhỏ hơn 5 tấn và trên 100% đối với xe tải từ 5 tấn trở lên sẽ bị xử phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 03 tháng (hiện tại, Nghị định 171 chỉ quy định mức vi phạm trên 60% trở lên sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đến 7 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng).
Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án kiên quyết xử lý đối với đơn vị thi công vi phạm chở quá trọng tải, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát trọng tải phương tiện.
Bộ Giao thông vận tải xin trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến đã quan tâm đến hoạt động của ngành Giao thông vận tải và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đóng góp ý kiến của đồng chí trong thời gian tới./.