Ngày 29/10/2014, Bộ GTVT đã có Văn bản số 13705/BGTVT-CQLXD "Trả lời chất vấn của đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh" về giải pháp xử lý mâu thuẫn trong các văn bản hướng dẫn thực hiện các công trình thiết yếu được chấp thuận xây dựng và cấp phép thi công theo quy định phải di chuyển kịp thời theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền.
Ngày 29/10/2014, Bộ GTVT đã có Văn bản số 13705/BGTVT-CQLXD "Trả lời chất vấn của đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh" về giải pháp xử lý mâu thuẫn trong các văn bản hướng dẫn thực hiện các công trình thiết yếu được chấp thuận xây dựng và cấp phép thi công theo quy định phải di chuyển kịp thời theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền.
Toàn văn Văn bản như sau:
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nhận được Văn bản số 30/PC-CVKH8 của Văn phòng Quốc hội chuyển ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh - với nội dung như sau:
“Đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết giải pháp xử lý mâu thuẫn trong các văn bản hướng dẫn thực hiện các công trình thiết yếu được chấp thuận xây dựng và cấp phép thi công theo quy định phải di chuyển kịp thời theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền. Cụ thể: Theo Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ GTVT, tại khoản 4 Điều 13 quy định công trình thiết yếu được chấp thuận xây dựng và cấp phép thi công theo quy định phải di chuyển kịp thời theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền; không được bồi thường, hỗ trợ di chuyển phần công trình đã được chấp thuận, xây dựng, cấp phép thi công; chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng công trình thiết yếu chịu toàn bộ trách nhiệm liên quan đến xây dựng công trình thiết yếu. Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam ban hành văn bản số 1842/EVNSPC-QLAT ngày 05/7/2010 về việc thực hiện chủ trương không cam kết di dời các công trình điện xây dựng mới. Kính gửi đồng chí xem xét”.
Về vấn đề này, Bộ GTVT xin được trả lời như sau:
Ngày 24/02/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Để triển khai thực hiện, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/05/2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Do vậy, việc khai thác, sử dụng đất dành cho đường bộ (phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ) phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, cụ thể phải tuân thủ quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT nêu trên.
Công trình điện lực được coi là công trình thiết yếu và theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT: “Trường hợp không thể xây dựng bên ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, công trình thiết yếu có thể được cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”.
Tuy nhiên, để được cấp phép và xây dựng công trình điện lực trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, chủ công trình phải tuân thủ các quy định tại khoản 8 Điều 28 của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP: “Chủ đầu tư công trình sử dụng, khai thác phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện đầy đủ các thủ tục về thoả thuận, chấp thuận thiết kế (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công - tùy theo quy mô, tính chất của công trình xây dựng, sau đây gọi chung là thiết kế), thẩm định thiết kế (nếu cần thiết) và cấp Giấy phép thi công theo quy định của Nghị định này và quy định liên quan khác của pháp luật;
b) Cam kết di chuyển hoặc cải tạo công trình đúng tiến độ theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền;
c) Không được yêu cầu bồi thường và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, kinh phí liên quan”.
Ngoài ra, chủ công trình phải có 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận xây dựng công trình được quy định cụ thể tại mục a khoản 3 Điều 13 của Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT: “Thành phần hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (bản chính) theo mẫu tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.
- Hồ sơ thiết kế, trong đó có bình đồ, trắc dọc, trắc ngang vị trí đoạn tuyến có xây dựng công trình (bản chính). Nếu hồ sơ thiết kế là hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, đối với công trình thiết yếu xây lắp qua cầu, hầm hoặc các công trình đường bộ phức tạp khác, phải có Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế (bản sao có xác nhận của chủ công trình).
- Cam kết di chuyển hoặc cải tạo công trình đúng tiến độ theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền; không được yêu cầu bồi thường và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm kinh phí liên quan”, gửi đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền để được xem xét giải quyết.
Như vậy, Tổng công ty Điện lực miền Nam có văn bản số 1842/EVNSPC-QLAT về việc thực hiện chủ trương không cam kết di dời các công trình điện xây dựng mới là không phù hợp với quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP. Trường hợp chủ các công trình điện lực từ chối cam kết di dời (như trường hợp đại biểu nêu), các cơ quan quản lý đường bộ của Bộ GTVT sẽ không chấp thuận và không cấp giấy phép xây dựng công trình này trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ GTVT xin chân thành cảm ơn đại biểu Quốc hội đã góp ý đối với công tác quản lý nhà nước ngành Giao thông vận tải và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý kiến của đại biểu Quốc hội trong thời gian tới./.