Bộ GTVT trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc gửi tới trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Thứ sáu, 26/07/2019 11:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 25/7/2019, Bộ GTVT vừa có Văn bản số 6888/BGTVT-ATGT gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 199/BDN ngày 12/6/2019, nội dung kiến nghị như sau:

“Cử tri kiến nghị, sửa đổi Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, theo hướng tăng mức xử phạt tiền và thời gian tước giấy phép lái xe đối với người điều khiển vi phạm nồng độ cồn và trong cơ thể có chất ma túy”.

Trước tiên Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm, góp ý nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhân dân.

Về kiến nghị của cử tri, Bộ Giao thông vận tải đồng tình và thống nhất cao với quan điểm cần tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy. Để làm rõ về nội dung kiến nghị nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin cung cấp một số thông tin về việc xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:

- Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định), Dự thảo Nghị định đã được Bộ Giao thông vận tải gửi xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đơn vị có liên quan và đang hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, dự lậến trinh Chính phủ ban hành trong tháng 8 năm 2019.

- Quan điểm, xây dựng Dự thảo Nghị định:

+ Tuân thủ các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Đường sắt năm 2017, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định của pháp luật liên quan.

+ Kế thừa các quy định hiện hành của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã được thực hiện ổn định và đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

+ Bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của Luật Đường sắt năm 2017, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, các văn bản (mới) hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ (Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86), đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục triệt để những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

+ Quy định chế tài xử phạt (mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả) tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi khi thực hiện. Đặc biệt, tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông (như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc...); đồng thời có xét đến tính khả thi khỉ thực hiện (như: thẩm quyền xử phạt của các chức danh trực tiếp thực hiện công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tính chất quản lý, khai thác của lĩnh vực đường bộ, đường sắt; thu nhập bình quân và khả năng chi trả của người dân khi bị xử phạt).

-    Nội dung của Dự thảo Nghị định đang xây dựng theo hướng tăng mức xử phạt tối đa (bằng mức tối đa theo quy định của Luật XLVPHC) đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn mức 3 (có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở), ma túy (cụ thể: xử phạt mức tối đa đối với vi phạm nồng độ cồn mức 3 (mức cao nhất), sử dụng chất ma túy từ 30- 40 triệu, tước GPLX 22- 24 tháng).

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải (Cơ quan Soạn thảo) đang tập hợp các ý kiến góp ý để nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trong đó có quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ, ma túy bảo đảm đủ tính răn đe và khả thi thực hiện.

Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm đến hoạt động của ngành GTVT và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đóng góp của cử tri, của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong thời gian tới./.
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)