Bộ GTVT vừa có Công văn số 13057/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Long gửi tới trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020, nội dung kiến nghị như sau:
“Cử tri kiến nghị cần quan tâm hỗ trợ, đầu tư, phát triển đường giao thông ở vùng nông thôn để cho nông dân thuận tiện hơn mua bán vận chuyển hàng hóa nông sản”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã quan tâm tới công tác đầu tư, phát triển đường giao thông nông thôn (GTNT) để tạo thuận tiện cho việc mua bán vận chuyển hàng hóa, nông sản. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
Theo phân cấp, việc đầu tư, khai thác, quản lý hệ thống GTNT nói chung thuộc trách nhiệm của địa phương; Bộ GTVT với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông vận tải có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch chuyên ngành; ban hành và hướng dẫn việc thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm ..v.v..để các địa phương thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng GTNT trên địa bàn. Bộ GTVT đã xây dựng “Chiến lược phát triển GTNT Việt Nam giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn đến 2030” trong đó đề ra các giải pháp, cơ chế chính sách cho từng vùng, miền để làm cơ sở cho các tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới GTNT trên địa bàn; ban hành Quyết định 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 về Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường GTNT phục vụ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 đến 2020. Nhìn chung, các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, hướng dẫn... do Bộ GTVT ban hành đã đáp ứng được yêu cầu phát triển hệ thống GTNT của các địa phương trên toàn quốc.
Đối với việc đầu tư phát triển hệ thống GTNT, do điều kiện kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, những năm qua Chính phủ đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các tỉnh xây dựng hệ thống GTNT tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ..v.v.. Bộ GTVT với vai trò của mình cũng đã tích cực huy động các nguồn vốn ODA để hỗ trợ các tỉnh phát triển GTNT như: Dự án cầu GTNT vốn Nhật Bản; Dự án GTNT1; Dự án GTNT2 và Dự án GTNT3 (vốn vay WB/DFID). Đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Bộ GTVT đã xây dựng Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2529/QĐ-TTg ngày 31/12/2015) với các nội dung chính: Thực hiện đầu tư xây dựng 4.145 cầu, trong đó có 3.664 cầu cứng (dầm BTCT, thép) và 481 cầu treo với tổng mức đầu tư là 8.338,98 tỷ đồng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
Do Chương trình “Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số” cần vốn lớn, Bộ GTVT đã tích cực làm việc với các nhà tài trợ trong và ngoài nước để huy động vốn, cụ thể:
Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ cho phép vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện Dự án “Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương” (LRAMP). Bộ GTVT đã có Quyết định 622/QĐ-BGTVT ngày 02/3/2016 phê duyệt đầu tư Dự án LRAMP với tổng mức đầu tư 9.203,38 tỷ VNĐ để xây dựng khoảng 2.174 cầu dân sinh trên địa bàn 50 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua Dự án này, tỉnh Vĩnh Long dự kiến được đầu tư 33 cầu với kinh phí 84,58 tỷ đồng.
Nguồn huy động trong nước: Bộ GTVT đã phát động Chương trình nhịp cầu yêu thương để huy động vốn thực hiện Chương trình. Đến nay đã huy động được khoảng 285 tỷ đồng để xây dựng 44 cầu.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.