Ngày 27/5/2021, Bộ GTVT đã có Văn bản số 4839/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long để trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 92/BDN ngày 06/4/2021, nội dung kiến nghị như sau:
"Cử tri đề nghị cần quan tâm đầu tư, xây dựng, nhiều hơn nữa đối với các tuyến giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế vùng hiện nay".
\
Tuyến Lộ tẻ - Rạch Sỏi rút ngắn thời gian di chuyển từ Cần Thơ về Kiên Giang
chỉ còn 50 phút, thay vì 90 phút theo Quốc lộ 80
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực. Vùng ĐBSCL có tỷ lệ ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông ngang mức bình quân chung cả nước, tuy nhiên do điều kiện tự nhiên (nhiều sông lớn, nền đất yếu...) nên thực tế cơ sở hạ tầng giao thông đầu tư được thấp hơn so với mức đầu tư tương ứng của các khu vực khác.
Hiện nay, Bộ GTVT đã xây dựng 05 Quy hoạch chuyên ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không) và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Để phát huy lợi thế của Vùng ĐBSCL, trong các quy hoạch nêu trên, giai đoạn 2021 - 2030 Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên đầu tư các dự án trong Vùng ĐBSCL để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng tỷ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước, cụ thể: đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề), Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Hà Tiên - Rạch Giá, Hồng Ngự - Trà Vinh; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ; đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (Giai đoạn 2), phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, nâng cao tĩnh không các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, nâng cấp 03 tuyến đường thủy nội địa (kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, sông Hàm Luông, Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau).
Trong giai đoạn 2021 -2025, với dự kiến tổng vốn đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 419/TTg-KTTH ngày 02/4/2021 là 252.694 tỷ đồng (221.428 tỷ đồng vốn trong nước và 31.267 tỷ đồng vốn nước ngoài), Bộ GTVT đã có văn bản số 4317/BGTVT-KHĐT ngày 04/5/2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó vùng ĐBSCL dự kiến bố trí khoảng 50.690 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư cả ngành GTVT để hỗ trợ đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc trọng điểm theo hình thức PPP và đầu tư các dự án trọng điểm thuộc các chuyên ngành khác.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.