Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa về cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ

Thứ tư, 02/06/2021 16:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ GTVT vừa có Công văn 5077/BGTVT-KHĐT ngày 01/06/2021 gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 92/BDN ngày 06/4/2021, nội dung kiến nghị như sau: “Đề nghị có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ.” 

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau: Kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Công trình giao thông có nhu cầu đầu tư lớn (về số lượng, vốn đầu tư công trình), trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế việc xây dựng cơ chế chính sách để ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ như ý kiến của Đoàn đại biểu là hoàn toàn xác đáng. 

Để cụ thể hóa Chiến lược đã đề ra, thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức lập Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm cả 5 lĩnh vực giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không). 

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế chính sách để phát triển đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông như sau: Tiếp tục rà soát, sửa đổi hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý liên quan các luật như Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Bộ luật Hàng hải, Luật Đường sắt, Luật Giao thông Đường thủy nội địa, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư. 

Rà soát, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư để huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và thí điểm các chính sách đặc thù để huy động nguồn lực thúc đẩy tiến trình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; đánh giá, tổng kết các mô hình đầu tư trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó lựa chọn mô hình phù hợp để nhân rộng nhằm huy động tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế. 

Xây dựng cơ chế để tăng cường phân cấp đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó giao các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan quyết định đầu tư để các địa phương chủ động cân đối nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ. 

Xây dựng và áp dụng cơ chế cảng mở tại các cảng cửa ngõ quốc tế (Cái Mép, Lạch Huyện) để thúc đẩy trung chuyển quốc tế. 

Hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phân định rõ các loại đất đai giữa dân sự và quốc phòng. Xây dựng cơ chế đầu tư công trình trên đất sử dụng chung cả quốc phòng và dân sự. 

Xây dựng cơ chế phân định tài sản và quyền sử dụng đất dùng chung hàng không dân dụng và quân sự tại các cảng hàng không. 

Thực hiện phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các địa phương tổ chức triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo cơ chế, địa phương tự cân đối kinh phí và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. 

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.

kieuanh

Nguồn: Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)