Bộ GTVT vừa có Văn bản số 6757/BGTVT-TC gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng để trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 153/BDN ngày 16/6/2021, nội dung kiến nghị như sau:
“Cử tri kiến nghị Trung ương sớm có quyết sách cụ thể, rõ ràng, phù hợp luật pháp và thực tế đặc thù của ngành đường sắt để tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong việc cấp ngân sách cho ngành Đường sắt; qua đó, nhằm tạo điều kiện cho ngành Đường sắt ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn chạy tàu, giảm bớt khó khăn về đời sống cho hơn một vạn công nhân hiện nay”.
Ngày 24/5/2021, Bộ GTVT đã tổ chức ký hợp đồng đặt hàng bảo trì kết cấu hạ tầng
đường sắt quốc gia năm 2021 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn chạy tàu, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ GTVT đã quan tâm thường xuyên, liên tục và toàn diện, cụ thể: Đã bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó trọng điểm hiện nay là tuyến đường sắt Bắc - Nam; đã đảm bảo toàn bộ kinh phí được ngân sách nhà nước cấp hàng năm về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông qua hình thức giao dự toán trực tiếp (từ năm 2020 về trước) và hình thức đặt hàng dịch vụ công (từ năm 2021) theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Những khó khăn, ách tắc trong việc cấp ngân sách cho ngành đường sắt trong thời gian qua như ý kiến của cử tri chủ yếu do còn có cách hiểu khác nhau giữa các bên liên quan trong việc Bộ GTVT triển khai đặt hàng dịch công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia mà không phải giao dự toán trực tiếp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo quy định khi triển khai các cơ chế, chính sách quản lý mới như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017, Nghị định 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp); Khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách nhà nước: “…các đơn vị dự toán cấp I ở Trung ương và địa phương thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới ...”; Nghị định 131/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuyển về trực thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, không còn trực thuộc Bộ GTVT…
Về những vướng mắc này, Chính phủ đã có Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 636/TTg-KTN ngày 19/5/2021 để xử lý cho năm 2020 và 2021, qua đó các khó khăn đã tạm thời được giải quyết. Để giải quyết căn bản các vướng mắc trong thời gian tới, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan liên quan đang khẩn trương xem xét các giải pháp cơ bản, đồng bộ như: xây dựng cơ chế đặc thù trong hoạt động quản lý bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; Phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; rà soát hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan….
Mặt khác, hiện nay hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đường sắt cũng như các hoạt động kinh tế, xã hội khác đang phải chịu sự tác động rất lớn từ dịch bệnh Covid-19. Vấn đề này đã và đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng nhân dân cả nước chung tay, kịp thời ứng xử phù hợp đảm bảo mọi hoạt động được an toàn, hiệu quả, chia sẻ khó khăn vướng mắc với mọi hoạt động chung trong đó có đường sắt; đặc biệt, riêng hoạt động thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt đã được Bộ GTVT đề nghị và Bộ Tài chính xem xét giảm từ thu 8% xuống còn 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt kể từ ngày 08/2/2021 đến hết ngày 31/12/2021 (Thông tư số 12/2021/TT-BTC). Do vậy, ngoài sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động đường sắt được an toàn, ổn định và giảm bớt khó khăn về đời sống cho cán bộ công nhân viên như hiện nay thì rất cần sự chủ động đổi mới, sáng tạo, cải tiến nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ kinh doanh và tăng doanh thu của tự thân của doanh nghiệp đường sắt.
Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, khi hoạt động đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt hoàn thành, với sự đảm bảo thường xuyên hàng năm về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cùng với sự chủ động đổi mới, sáng tạo, cải tiến nỗ lực tự thân vươn lên của cán bộ công nhân viên đường sắt, hy vọng rằng chất lượng dịch vụ vận tải sẽ được nâng lên, thông qua đó làm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn chạy tàu và đời sống của công nhân đường sắt được cải thiện tích cực.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.