Bộ GTVT vừa có Văn bản số 13782/BGTVT-CQLXD gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam để trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021, nội dung kiến nghị như sau:
“Đề nghị giải quyết dứt điểm các vấn đề bất cập, vướng mắc liên quan đến Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gây bức xúc cho người dân và được kiến nghị nhiều lần song chưa được giải quyết, cụ thể:
- Cống chui trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được xây dựng rất nhỏ, hẹp, không đủ điều kiện để các phương tiện vận tải lớn lưu thông, nhiều cống chui có mặt đường thấp, không đảm bảo thoát nước nên xảy ra tình trạng ngập sâu khi mưa lớn, không thể đi lại được;
- Tuyến cao tốc đi qua các khu vực dân cư thôn Phú Quý 3, Đa Phú 1, Đa Phú 2, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành và một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không có đường dân sinh, gây khó khăn cho việc sinh hoạt, sản xuất của người dân;
- Nhiều hộ gia đình tại huyện Núi Thành, Quảng Nam có đất bị thu hồi phục vụ dự án xây dựng đường cao tốc nhưng chưa được chi trả tiền đền bù về đất và tài sản trên đất, tiền hỗ trợ chênh lệch do trượt giá dù công trình hoàn thành đã lâu;
- Chỉ đạo rà soát, khắc phục toàn bộ những vấn đề mà Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần kiến nghị liên quan đến những tồn tại, vướng mắc thuộc trách nhiệm của VEC và các đơn vị thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi”.
Cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng (Ảnh minh họa)
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (sau đây gọi tắt là Dự án) có tổng chiều dài là 139,2km do Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư; Dự án đã hoàn thành các hạng mục trên chính tuyến và đưa vào khai thác từ ngày 02/8/2017 (đối với đoạn Km0 - Km65) và từ ngày 02/9/2018 (đối với đoạn Km65 - Km139+204). Đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Quảng Nam có chiều dài khoảng 90km (từ Km8+000 đến Km99+200).
1. Đối với phản ánh liên quan đến khẩu độ hầm chui dân sinh như: “rất nhỏ, hẹp, không đủ điều kiện để các phương tiện vận tải lớn lưu thông”
Vị trí, khẩu độ thiết kế các hầm chui dân sinh đã được Chủ đầu tư dự án lấy ý kiến thỏa thuận với các địa phương khi lập dự án đầu tư và tại bước lập thiết kế kỹ thuật (từ năm 2012) tuân thủ đúng quy định. Trong quá trình thực hiện Dự án, các đề xuất của địa phương gửi đến Bộ GTVT liên quan đến bổ sung vị trí, điều chỉnh khẩu độ hầm chui dân sinh... đều được Bộ GTVT chỉ đạo Chủ đầu tư và các bên liên quan xem xét, xử lý; năm 2015, Bộ GTVT đã chủ động thành lập Tổ công tác đã kiểm tra, rà soát thiết kế công trình (trong đó có việc thiết kế các hầm chui dân sinh), sau đó Chủ đầu tư cùng các địa phương đã thống nhất chi tiết về việc bổ sung, điều chỉnh nhiều hầm chui dân sinh, đường gom, đường ngang,...; Trong quá trình thi công, Chủ đầu tư, Tư vấn và các Nhà thầu đã phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung thiết kế các hầm chui dân sinh, cống thoát nước, mương thủy lợi... Hiện nay, tuyến đường đã được thông xe đưa vào khai thác nên không thể điều chỉnh tăng khẩu độ hầm chui dân sinh được do nó liên quan đến cao độ thiết kế mặt đường.
2. Đối với phản ánh về tình trạng nhiều cống chui dân sinh có cao độ mặt đường thấp, không đảm bảo thoát nước gây ra ngập nước khi mưa lớn
Việc đọng nước tại các cống chui dân sinh có cao độ mặt đường thấp chủ yếu do dòng chảy chưa được khơi thông thường xuyên trong quá trình quản lý khai thác. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT sẽ yêu cầu VEC chỉ đạo chỉ đạo đơn vị quản lý bảo trì công trình thường xuyên rà soát, kiểm tra việc vệ sinh, khai thông dòng chảy, đảm bảo không để xảy ra tình trạng đọng nước đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương.
3. Đối với phản ánh “Tuyến cao tốc đi qua các khu vực dân cư thôn Phú Quý 3, Đa Phú 1, Đa Phú 2, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành và một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không có đường dân sinh”
Tương tự như hầm chui dân sinh nêu trên, việc thiết kế đường gom, đường ngang dân sinh đã được Chủ đầu tư dự án lấy ý kiến thỏa thuận với các địa phương khi lập dự án đầu tư và tại bước lập thiết kế kỹ thuật; việc điều chỉnh, bổ sung đường gom dân sinh theo các kiến nghị của Chủ đầu tư dự án trên cơ sở các kiến nghị của địa phương, kết quả kiểm tra rà soát của Tổ công tác do Bộ GTVT thành lập,... đã được Bộ GTVT xem xét xử lý. Đoạn tuyến qua địa bàn xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tại bước TKKT, các bên thống nhất không xây dựng đường gom dân sinh; trong quá trình thi công Dự án, trên cơ sở kiến nghị của địa phương và Chủ đầu tư, Bộ GTVT chấp thuận bổ sung 02 đoạn tuyến dân sinh trên địa bàn xã Tam Mỹ Đông tại Km90+070 - Km90+269 (phải tuyến) và Km90+269 - Km90+400 (trái tuyến), hai đoạn đường gom này đã hoàn thành từ năm 2018.
Đến tháng 8/2019 (sau khi đã thông xe đưa công trình vào khai thác), Bộ GTVT đã chỉ đạo Chủ đầu tư phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát hiện trường đối với đề nghị kéo dài hệ thống đường gom Km90+050, tuy nhiên theo báo cáo của Chủ đầu tư, kết quả kiểm tra hiện trường nhận thấy đã đảm bảo đủ đường đi cho người dân địa phương; địa phương không kiến nghị bổ sung đường gom dân sinh tại vị trí khác đoạn qua xã Tam Mỹ Đông. Hiện nay, vướng mắc về nguồn vốn để thanh toán các khối lượng đã hoàn thành và tiếp tục thực hiện các khối lượng còn lại của dự án chưa được tháo gỡ, nên việc bổ sung các đường gom dân sinh chưa thể thực hiện được.
4. Đối với phản ánh:“Nhiều hộ gia đình tại huyện Núi Thành, Quảng Nam có đất bị thu hồi phục vụ Dự án xây dựng đường cao tốc nhưng chưa được chi trả tiền đền bù về đất và tài sản trên đất, tiền hỗ trợ chênh lệch do trượt giá dù công trình hoàn thành đã lâu”
Nội dung này thuộc tiểu dự án GPMB do địa phương quản lý thực hiện. Đến nay công tác GPMB của dự án đã cơ bản hoàn thành; các tồn tại, vướng mắc còn lại chưa được giải quyết chủ yếu liên quan đến bất cập của cơ chế chính sách về GPMB và việc bố trí vốn GPMB cho dự án. Theo báo cáo của Chủ đầu tư dự án, để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng hợp, cung cấp số liệu liên quan để Chủ đầu tư tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Chủ đầu tư chưa nhận được các số liệu cung cấp của UBND tỉnh Quảng Nam.
5. Đối với phản ánh:“Chỉ đạo rà soát, khắc phục toàn bộ những vấn đề mà Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần kiến nghị liên quan đến những tồn tại, vướng mắc thuộc trách nhiệm của VEC và các đơn vị thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi”
Để giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư và các đơn vị thi công, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo Chủ đầu tư, Lãnh đạo Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam vào ngày 15/8/2019 (Thông báo kết luận số 307/TB-BGTVT ngày 23/8/2019). Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu VEC chỉ đạo các Nhà thầu thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay các vướng mắc về nguồn vốn để thanh toán các khối lượng đã hoàn thành cho Nhà thầu vẫn chưa được tháo gỡ do VEC đang hoàn tất các thủ tục về việc tái cơ cấu để trình Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ xem xét, cho ý kiến nên chưa thực hiện được các nội dung này.
Trong thời gian tới, sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu nguồn vốn các dự án của VEC quản lý, Chủ đầu tư sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn để xử lý các nội dung nêu trên.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.